| Hotline: 0983.970.780

"Khát nước" ở mỏ sắt Thạch Khê

Thứ Ba 19/08/2014 , 08:19 (GMT+7)

Khu tái định cư mãi không xuất hiện chỉ thấy cát trắng, bụi bay mù mịt, đất đai khô cằn, hoa màu chết khô...

Hàng nghìn người dân ở 6 xã bãi ngang của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đang rất khát nước sạch.

Dự án mỏ sắt Thạch Khê được quy hoạch trên tổng diện tích gần 4.000ha, thuộc 6 xã của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) với gần 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Đây được xem là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng khoảng hơn 540 triệu tấn, chiếm một nửa trữ lượng quặng sắt của cả nước. 

Tháng 9/2009, Dự án mỏ sắt Thạch Khê (do Công ty CP Sắt Thạch Khê - TIC làm chủ đầu tư) bắt đầu triển khai, với kỳ vọng, trong tương lai gần sẽ đưa Hà Tĩnh từ một tỉnh thuần nông thành một trong những trung tâm công nghiệp nặng, khai thác luyện thép lớn nhất nước, từ đó tạo “bệ phóng” đưa nền kinh tế Hà Tĩnh cất cánh.

Tuy nhiên niềm vui ngắn chẳng tày gang, mới đi vào hoạt động được một thời gian ngắn, cuối năm 2010, mỏ sắt Thạch Khê ngưng hoạt động từ đó cho đến nay đã hơn 4 năm...

Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bàn, ông Nguyễn Văn Hải cho biết: “Trước đây, khi chưa khai thác mỏ sắt Thạch Khê, bà con còn đào, khoan được giếng để lấy nước sinh hoạt. Thế nhưng, từ năm 2012, khi mỏ sắt Thạch Khê đi vào hoạt động là nguyên nhân làm cho nước phèn, ô nhiễm.

Không những thế, thôn Tân Bằng và Tiền Phong còn bị ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động khai thác đá tại mỏ đá Thạch Hải. Mỗi lần nổ mìn, lượng đất đá cùng lượng thuốc nổ đốt không hết lưu lại, tới lúc mưa, hỗn hợp đó theo dòng nước trôi về. Khi nguồn nước bẩn bủa vây tứ phía, người dân 4 xóm vùng ngoài đành ngậm ngùi “nhờ trời”, hoặc qua các xã khác chở nước về dùng”.

Về lâu dài, người dân các xã bãi ngang cần sự đầu tư từ cấp trên, nhằm xây dựng nhà máy nước sạch mới giải được cơn khát ngày càng gia tăng.

Bà Nguyễn Thị Hoa (xóm Bắc Sơn, Thạch Bàn) cho biết: “Mưa còn nhờ trời chứ nắng nóng kéo dài, không biết lấy nước mô mà dùng, trong xóm thì nước nhà ai cũng giống nhau.

Đánh đường 3- 4 cây số sang các xã bên chở được ít nước sạch về dùng thì cả nhà đều nhìn vào đó”.

Không chỉ Thạch Bàn mà các xã còn lại của vùng bãi ngang gồm: Thạch Đỉnh, Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Hải và Thạch Trị, bước chân đến đâu cũng thấy cát trắng, bụi bay mù mịt, đất đai khô cằn.

08-52-56_img_0928
Nước xả từ giếng ra vàng khè

Anh Lê Văn Chung (xóm 8, Thạch Đỉnh) kể: "Nguồn nước ô nhiễm, mọi vật dụng trong nhà đều bị đổi màu từ thau, xoong, bát, cốc chén… Thậm chí khăn lau mặt, quần áo đều hoen ố vì nước giếng. Không riêng gì nhà tui mà cả xóm này đều thế, nhà may mắn thì lọc được, có nhà nước đục vàng, đóng váng không thể lọc, vẫn phải dùng ăn uống. Mưa nhiều may ra còn đủ nước dùng, nắng hạn mới khổ”, vừa nói anh vừa chỉ tay vào chậu nước vàng quánh mới xả ra.

“Thiếu nước sinh hoạt không chỉ ảnh hưởng đến đời sống dân sinh mà còn là nguyên nhân gieo rắc nhiều mầm bệnh, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân vùng bãi ngang. Các bệnh về da, mắt và đường tiêu hóa cũng vì thế mà có chiều hướng tăng cao”, ông Phạm Công Tùng - Trưởng trạm Y tế xã Thạch Bàn cho biết thêm.

Hiện tại dự án mỏ sắt Thạch Khê đang tạm thời đóng “băng”, chờ hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục kêu gọi đầu tư vào khai thác. Vì thế các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh cần phải có biện pháp tích cực hoàn thiện cơ sở hạ tầng sau tái định cư. Trước mắt để có nước sạch cho bà con sử dụng cần sửa chữa, nâng cấp các bể chứa nước tập trung.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.