Khác hẳn với các lãnh đạo đương nhiệm khác, quanh năm “cấm cung” trong văn phòng mùa hè có máy lạnh, mùa đông có máy sưởi. Cần nắm tình hình, chỉ bấm điện thoại là cấp dưới xuất hiện ngay với những bản báo cáo đẹp long lanh. Một năm vài lần đến với dân thì chỉ đến vài ba phút trên những chiếc xe sang trọng, tay cầm gói quà trao cho người nghèo nhưng mắt thì hướng về phía ống kính máy ảnh, máy quay phim. Còn lại, thì người dân muốn gặp mặt lãnh đạo, khó như lên trời.
Ông Mấu Văn Phi, Bí thư Huyện ủy huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) có thể nói là một trường hợp “có một không hai” trong dàn lãnh đạo đương chức.
Ngoài giờ làm việc và thứ Bảy, Chủ nhật, kể cả lễ, tết, bất cứ bà con nào trong huyện gọi, là ông đến ngay.
Trên chiếc xe cà tàng có được từ 20 năm nay do trúng đấu giá nhân một lần cơ quan thanh lý tài sản, trên xe là hai chiếc cặp, một chiếc chứa đồ dùng khám bệnh và chiếc còn lại chứa một số loại thuốc thông thường, ông đến tận từng nhà khám bệnh miễn phí cho bà con, và luôn luôn đúng hẹn.
Có lần nhận được cuộc gọi lúc đang họp, ông nhắn tin lại “tôi đang họp, hết giờ tôi sẽ đến”. Và đúng vậy, tan họp, rời cơ quan là ông phóng đến ngay nhà người bệnh chứ chưa về nhà. Hầu hết người dân của huyện Khánh Vĩnh đều có số điện thoại của ông.
Tốt nghiệp Đại học Y Tây Nguyên năm 1997, bác sỹ Mấu Văn Phi về làm việc tại Trung tâm y tế huyện Khánh Vĩnh, trở thành Trưởng khoa, Phó Giám đốc trung tâm y tế, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh rồi Phó Bí thư Huyện ủy và từ tháng 9/2020 đến nay thì trở thành Bí thư Huyện ủy huyện Khánh Vĩnh.
Mấy chục năm công tác, dù ở cương vị nào thì ông Phi cũng không đổi số điện thoại, không rời những dụng cụ khám bệnh và lúc nào cũng sẵn sàng đến từng nhà để khám bệnh miễn phí cho dân, nhất là những người nghèo. Không xe sang, không kể mưa nắng, vì ông cho rằng việc đi những chiếc xe sang trọng sẽ khiến cho người dân xa lánh mình hơn.
Việc đến từng nhà để khám bệnh cho dân đã giúp ông thấu hiểu đời sống của người dân cũng như những nguyện vọng của họ hơn.
Có thể nói, ông Mấu Văn Phi đúng là mẫu người đảng viên trước năm 1945, thời kỳ đảng ta còn hoạt động trong bóng tối. Những đảng viên ăn cơm của nhân dân, được nhân dân nuôi nấng, che dấu và bảo vệ. Khác hẳn với bây giờ, cũng là ăn cơm mặc áo của nhân dân, nhưng cơm áo ấy là do cấp trên thu thuế rồi ban phát xuống chứ không phải những bát cơm mà người dân phải giấu diếm mang cho, mà nếu bị giặc phát hiện thì người mang cơm có thể phải đổi bằng tính mạng hoặc hàng chục năm tù.
Do nhận cơm của nhân dân từ cấp trên ban xuống, nên không ít lãnh đạo bây giờ cảm thấy họ chẳng liên quan gì với nhân dân. Dân đói hay no, dân bị chèn ép, bị đày đọa… không phải là việc của họ, dù miệng họ lúc nào cũng leo lẻo vì dân. Họ đã biến thành một tầng lớp khác.
Ước gì mỗi cán bộ đều là một Mấu Văn Phi. Được như vậy, thì chúng ta không phải suốt ngày gồng mình lên để chống lại “thế lực thù địch”.