23 giờ ngày 16/2/2020, 3 cán bộ của xã Phú Xuân (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) gồm Phạm Bá Mạnh, Phạm Văn Minh và Phạm Bá Hồng bị bắt quả tang trên chiếu bạc tại công trường thủy điện Hồi Xuân. Tại chiếu bạc, công an thu giữ 40 triệu đồng và nhiều tang vật khác.
12 giờ ngày 31/5/2020, tại phòng làm việc của ông Nguyễn Văn Long, Phó chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, một chiếu bạc cũng bị bắt quả tang.
Tham gia chiếu bạc, ngoài ông Nguyễn Văn Long, còn có ông Lê Duy Hưng, Trưởng phòng tài chính huyện Hậu Lộc. Tại chiếu bạc, công an thu giữ 92 triệu đồng.
Cùng ngày 31/5, một chiếu bạc cấp tỉnh tại nhà ông Bùi Quốc Toàn, Trưởng phòng quản lý công chức, viên chức thuộc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, cũng bị triệt phá. Tham gia chiếu bạc, ngoài ông Toàn, còn một số đối tượng khác. Tại chiếu bạc, công an thu giữ 55 triệu đồng...
Chỉ trong một thời gian ngắn, cả chục cán bộ, công chức từ cấp xã đến cấp tỉnh bị bắt vì hành vi cờ bạc. Đó mới chỉ là của một tỉnh Thanh Hóa.
Trên cả nước, trong cùng thời gian, còn xảy ra hàng chục vụ cán bộ, công chức tham gia đánh bạc bị bắt quả tang. Mà đó mới chỉ là “những đồng chí đã bị lộ”. Còn bao nhiêu “đồng chí chưa bị lộ” khác, ngày đêm vẫn miệt mài trên chiếu bạc?
Cờ bạc là trò đỏ đen, dù dưới bất cứ hình thức nào, thì mục đích của người tham gia cờ bạc bao giờ cũng là móc túi, moi túi người khác. Nói như dân gian, là muốn “dỡ cả nhà người khác về làm nhà mình”.
Cờ bạc đã sinh ra rất nhiều hệ lụy xưa nay, nào tan nhà nát cửa, nào cầm cố tài sản, nào vợ chồng chia lìa, thậm chí đánh nhau thành thương tích hay tự tử.
Cờ bạc còn là nguyên nhân sinh ra rất nhiều tội phạm khác như trộm cắp, cướp của giết người... Hàng trăm người đã dính vòng lao lý, mất cả cơ nghiệp lẫn sự nghiệp chỉ vì trót dính đến trò đỏ đen này.
Dân thường đánh bạc đã đáng trách, đáng lên án. Đảng viên, cán bộ, công chức mà đánh bạc, thì càng đáng trách, càng đáng lên án hơn. Vì đó là những người có trình độ, có học, có nhận thức, có am hiểu pháp luật hơn hẳn người dân thường.
Chắc chắn ai trong số họ cũng biết rằng cờ bạc và chứa chấp, tổ chức đánh bạc là tội hình sự, được quy định hết sức rõ ràng trong điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 (các BLHS trước cũng có quy định về tội danh và mức hình phạt cho hành vi này), có định khung hình phạt rõ ràng mà mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.
Biết, nhưng vì sao họ vẫn bất chấp tất cả, sẵn sàng ném cả công danh sự nghiệp phải phấn đấu, xây dựng hàng chục năm mới có được, vào chiếu bạc, để rồi vướng vòng lao lý?
Qua những vụ việc trên, có thể thấy rõ ràng là công tác cán bộ của ta còn có vấn đề, nên mới để những người có máu đỏ đen lọt vào hàng ngũ đảng viên, cán bộ, công chức.
Những người này, đã tham gia trò đỏ đen với mục đích moi tiền của người khác, thì liệu có “tha” không moi tài sản của nhà nước do họ quản lý hay không?