| Hotline: 0983.970.780

Khi đi khai báo, khi về kê khai

Thứ Hai 24/07/2023 , 07:09 (GMT+7)

Hiện nay hầu hết ngư dân Hà Tĩnh đã hình thành thói quen khai báo trước khi đi khai thác và kê khai sản lượng hải sản khi cập bến.

Mưa dầm thấm lâu

Truy xuất nguồn gốc hải sản là một trong rất nhiều nội dung khuyến nghị Ủy ban Châu Âu đặt ra nhằm chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Ngư dân Hà Tĩnh đã hình thành thói quen khai báo trước khi vươn khơi khai thác. Ảnh: Thanh Nga.

Ngư dân Hà Tĩnh đã hình thành thói quen khai báo trước khi vươn khơi khai thác. Ảnh: Thanh Nga.

Để thực hiện được nội dung này, từ cuối năm 2017 đến nay, các lực lượng chức năng ở tỉnh Hà Tĩnh thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp, từ tuyên truyền vận động, xây dựng chế tài xử phạt, không cho xuất bến, thu hồi giấy phép khai thác… đối với các tàu cá vi phạm.

Những nỗ lực trên đã từng bước hình thành thói quen chấp hành quy định Luật Thủy sản cho ngư dân. Trước khi đi khai thác ngư dân thông báo cho Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh xin giấy xuất lạch. Sau đó, cán bộ cảng kiểm tra hệ thống giám sát hành trình có đang hoạt động hay không? Có bao nhiêu thuyền viên? Tiếp đến Đồn Biên phòng thực hiện việc kiểm tra bảo hiểm.

Tàu cá khi vào bờ thông báo dự kiến sản lượng, nộp nhật ký báo cáo khai thác. Riêng đội tàu có chiều dài trên 12m phải báo cáo chi tiết tọa độ, thời gian khai thác các mẻ lưới, mẻ câu, khối lượng, thành phần loài hải sản theo đúng quy định.

Gần 2 năm nay, anh Nguyễn Văn Hồng (SN 1984), chủ tàu HT 90146 đã dần quen với việc “khi đi khai báo, khi về kê khai”. Anh Hồng cho hay, tàu của anh dài 13,7m/140CV, chủ yếu đánh cá thu. Khu vực tàu anh đánh bắt là ở vùng lộng cách bờ 30 hải lý. Thông thường, tàu anh xuất cảng khoảng 7 ngày là trở về.

Trước đây, tàu cá của ngư dân neo đậu ở cảng cá Cửa Sót, huyện Lộc Hà khi xuất cảng đều không thực hiện khai báo nhưng khoảng hơn 4 năm trở lại nay, được các cơ quan chức năng hướng dẫn, hầu hết tàu cá đã chấp hành tốt việc khai báo.

Tương tự, anh Hồ Sư Kỳ, thuyền trưởng tàu NA 90205 TS chia sẻ, tàu của anh dài 21,09m/450CV, khai thác vùng khơi. Từ khi có quy định về truy xuất nguồn gốc hải sản, tàu anh đánh bắt sai vùng, sai tuyến, không vi phạm ngư trường khai thác của các nước láng giềng.

Chủ tàu cá sau khi cập bến nhanh chóng đến kê khai nguồn gốc hải sản với BQL các cảng cá Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Chủ tàu cá sau khi cập bến nhanh chóng đến kê khai nguồn gốc hải sản với BQL các cảng cá Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

“Tất cả lộ trình khai thác của tàu đều cập nhật về hệ thống phần mềm của Ban quản lý cảng cá thông qua giám sát hành trình nên chúng tôi không dại gì mà vi phạm”, anh Kỳ nói.

Theo anh, thời gian đầu chưa quen, các chủ tàu thường phải kê khai đi kê khai lại hoặc nhật ký ghi chung chung, không ghi chi tiết. Nhưng qua thời gian, nhờ sự hướng dẫn của cán bộ BQL cảng cá, lực lượng BĐBP, bây giờ bà con ngư dân đã thành thạo tất cả các công đoạn.

Được biết, gia đình anh Kỳ làm nghề đánh bắt hải sản 12 năm nay. Cuộc sống của đại gia đình anh phụ thuộc vào những chuyến ra khơi. Là một thuyền trưởng, anh nhận thức được, việc chấp hành các quy định đánh bắt hải sản của anh sẽ góp phần giúp Việt Nam sớm gỡ “thẻ vàng” IUU.

Kiểm soát tàu cá vi phạm ngay trên bờ

Không chỉ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên biển, thời gian gần đây, lực lượng chức năng Hà Tĩnh chú trọng ngăn chặn từ xa tàu cá có nguy cơ vi phạm khai thác bất hợp pháp ngay từ trên bờ.

Việc quản lý tàu cá có nguy cơ khai thác bất hợp pháp được thực hiện trước khi tàu vươn khơi. Ảnh: Thanh Nga.

Việc quản lý tàu cá có nguy cơ khai thác bất hợp pháp được thực hiện trước khi tàu vươn khơi. Ảnh: Thanh Nga.

Theo ông Phan Văn Phú, phụ trách Phòng điều độ và dịch vụ hậu cần (Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh), Ban đã lập một nhóm chat zalo bao gồm các thành phần từ lãnh đạo Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản, BQL cảng, chính quyền huyện, xã, Bộ đội biên phòng… để tổ chức chỉ đạo kịp thời.

“Nếu chờ bằng đường công văn sẽ điều hành sẽ không kịp thời. Do đó, trong danh sách tàu cá có nguy cơ cao khai thác bất hợp pháp chúng tôi sẽ rà soát, từ chối cấp giấy phép rời cảng nếu tàu nào không đảm bảo quy định. Đồng thời, thông báo chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan ngăn chặn từ sớm”, ông Phú nhấn mạnh.

Hiện các tàu cá khi xuất cảng phải bật hệ thống định vị 24/24. Đối với những tàu cá dài dưới 15m trở xuống theo quy định thì không phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Mặc dù không bị giám sát bởi công nghệ nhưng ngư dân vẫn ý thức chấp hành.

Trước đây, khi bắt đầu triển khai thực hiện khai báo nhật ký, đa phần ngư dân không quen với các thủ tục hành chính nên cán bộ BQL gặp rất nhiều khó khăn. Sau một thời gian bám sát hướng dẫn, các ngư dân đã thành thục việc ghi phiếu khai báo.

Công tác chỉ đạo, kiểm soát vi phạm được thực hiện kịp thời nhờ hệ thống công nghệ thông tin. Ảnh: Thanh Nga. 

Công tác chỉ đạo, kiểm soát vi phạm được thực hiện kịp thời nhờ hệ thống công nghệ thông tin. Ảnh: Thanh Nga. 

“Trung bình mỗi ngày cảng Cửa Sót có khoảng 40 - 50 lượt tàu khai báo. Ngoài tàu địa phương còn có tàu tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định và một số tỉnh khác. Các tàu ngoại tỉnh cũng chấp hành rất tốt hoạt động khai báo và trang bị các thiết bị kỹ thuật trên tàu”, ông Phú nói thêm.

Ông Nguyễn Tông Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh thông tin: Khó khăn nhất hiện nay đó là việc duy trì giám sát hành trình tàu cá, phải kiểm tra giám sát thường xuyên, tránh tình trạng mất kết nối.

Hiện Chi cục đang làm rất căng vấn đề này, do đó ngư dân phải ý thức được rằng, việc chấp hành đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản chính là bảo vệ “miếng cơm manh áo” của bà con.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.