Những ngày qua, cùng với thông tin ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”, còn có hai vụ việc được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm theo hướng đồng tình và hoan nghênh.
Thứ nhất là việc trong quá trình xây dựng dự thảo luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Bộ Công an đã đề xuất giảm thời hạn giấy phép lái xe (GPLX) từ 10 năm như hiện tại xuống còn 5 năm. Khi dự thảo được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, đã gặp phải rất nhiều phản ứng trái chiều.
Bởi ai cũng biết, việc đổi một giấy phép lái xe khi hết thời hạn là rất phức tạp, phải qua hàng nhiều thủ tục và phải đi lại nhiều lần, tốn kém rất nhiều thời gian. Vì vậy, việc rút thời hạn GPLX từ 10 năm như hiện tại xuống còn 5 năm, nếu trở thành hiện thực, sẽ làm khó cho dân, gây tốn kém, lãng phí vô ích.
Trước sự phản ứng của nhiều người trong xã hội, ngày 26/8, Bộ Công an đã họp với các bộ, ngành liên quan để nghe ý kiến, và cuối cùng, Bộ đã thống nhất giữ nguyên thời hạn GPLX là 10 năm như cũ, Bộ sẽ quản lý lái xe bằng hệ thống dữ liệu thông tin điện tử.
Việc thứ hai, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt dự án bỏ ra 2,2 tỷ đồng từ ngân sách để mua 600 chiếc cặp giả da tặng 400 đại biểu dự đại hội Đảng bộ của tỉnh và 200 khách mời. Tính ra mỗi chiếc cặp có giá trị từ 3,5 đến 3,7 triệu đồng.
Thông tin này cũng nhận được những phản ứng trái chiều của dư luận. Trước tình hình đó, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã chỉ đạo: Dừng ngay dự án.
Sự chỉ đạo kịp thời của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, theo đánh giá của nhiều người, không những đã ngăn chặn được sự lãng phí một khoản rất lớn ngân sách của một tỉnh nghèo, mà còn ngăn chặn được nguy cơ thất thoát rất có thể xảy ra.
Bởi theo khảo sát của họ, loại cặp giả da đó, trên thị trường, có giá cao nhất chỉ 500 ngàn đồng. 600 chiếc cặp loại đó chỉ có giá trên dưới 300 triệu. Nếu dự án trên được thực hiện, thì ngót 2 tỷ bạc rất có thể sẽ được chia chác vào túi những cá nhân.
Hai vụ việc trên chứng tỏ càng ngày, cùng với báo chí, mạng xã hội càng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Mạng xã hội là của toàn dân. Người dân bày tỏ ý kiến của mình trước những vấn đề trên mạng xã hội.
Đó chính là sự thể hiện sinh động nhất, sự giám sát sinh động nhất cho việc “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” trước mỗi việc mà chính quyền làm. Không gì có thể giấu được nhân dân. Muốn dân không biết, muốn dân đồng thuận, thì tốt nhất là đừng làm những việc trái nhân tâm.
Việc lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Bình biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời điều chỉnh việc làm của mình, là việc rất đáng hoan nghênh.