| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 14/05/2012 , 10:02 (GMT+7)
Văn Hùng

Văn Hùng

Nhà báo 10:02 - 14/05/2012

Khi lòng dân chưa yên!

Hết nằm la liệt lại ngồi, số người dân bám trụ trước cổng UBND tỉnh Thanh Hóa nhưng vẫn không gặp được ông Chủ tịch tỉnh...

Sáng 11/5, các cơ quan, đơn vị của tỉnh Thanh Hóa đều nhận được công văn hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về việc học tập một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công văn này nêu rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị” thông qua một số tác phẩm của Người như “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” và bản “Di chúc”.

Điều đó một lần nữa khẳng định rằng, việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn là tư tưởng xuyên suốt trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Việc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa có công văn gửi đến các đơn vị trong bối cảnh này là cực kỳ cần thiết như thêm một lần nữa nhắc nhở mỗi người hãy sống và làm theo tấm gương của Bác.

Và thật ngẫu nhiên, công văn đó đến với các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh đúng vào thời điểm có hàng trăm người dân của thị xã Bỉm Sơn kéo nhau lên UBND tỉnh chỉ với một mong muốn gặp ông Chủ tịch tỉnh để phản ánh những bức xúc trong các quyết định của chính quyền thị xã Bỉm Sơn mà theo họ đó là nguyện vọng chính đáng.

Tiếc thay, đã 3 ngày đêm, hết nằm la liệt lại ngồi, số người dân này bám trụ trước cổng UBND tỉnh nhưng vẫn không gặp được ông Chủ tịch tỉnh. Song họ vẫn quyết tâm chờ đợi sự xuất hiện của ông để gửi tới ông bức thông điệp từ tấm lòng của người dân nghèo. Sự chờ đợi đó đã khiến người ta thất vọng vì ông Chủ tịch tỉnh đã không xuất hiện.

Dư luận đặt câu hỏi, chỉ với một nguyện vọng của người dân là mong được gặp ông Chủ tịch tỉnh để kiến nghị đến ông những bức xúc bởi cực chẳng đã họ mới vượt hàng chục cây số kéo nhau lên tỉnh mà ông không giành ít phút để lắng nghe ý kiến của họ? Tại sao lại như vậy?

Hơn lúc nào hết, việc người dân đã kéo nhau lên đây chắc hẳn những vướng mắc tồn tại từ cơ sở là rất lớn. Nguyên nhân cặn kẽ ở đây đáng lẽ ra các ngành, đoàn thể phải đứng ra tìm hiểu để tham mưu cho Chủ tịch tỉnh biết và có cách giải quyết kịp thời.

Dù là hàng trăm người hay chỉ là một người dân bình thường thì việc xuất hiện của ông Chủ tịch tỉnh lúc này trước người dân là cực kỳ cần thiết, nó sẽ giải tỏa được tâm lý bức xúc cũng như thể hiện được sự tôn trọng đối với nhân dân của người đứng đầu.

Chúng ta không nên coi đó là tiền lệ xấu hay biện minh cho đó chỉ là số ít. Vấn đề là thể hiện sự tôn trọng nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và có kế sách giải quyết kịp thời cho nhân dân được yên lòng. Học tập Bác Hồ là tránh những việc làm có hại cho nhân dân chứ không phải là tránh mặt nhân dân.

Nếu trở lại thời điểm cách đây đúng một năm chúng ta thấy không khí tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử của các ứng cử viên ĐBQH, ĐB HĐND tỉnh mà sau này họ đã được trúng cử tại thị xã Bỉm Sơn mới thấy được những lời hứa trước cử tri hiện vẫn còn vang vọng. Những lời hứa ấy của các đại biểu này cũng giống với lời phát biểu nhậm chức của ông Trịnh Văn Chiến khi ông được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh.

Trong bài phát biểu đó, ông tân Chủ tịch tỉnh nêu: “Nhận trọng trách là người đứng đầu cơ quan hành chính cao nhất của tỉnh, tôi tự xác định cần phải nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa, đặc biệt là phong cách gần dân, sát cơ sở, chịu sự giám sát của dân, sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của dân; giải quyết công việc nghiêm túc, dứt khoát, minh bạch. 

Tôi rất mong các ngành, các cấp cùng đồng tâm hiệp lực; tăng cường đoàn kết và nâng cao trách nhiệm trước nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, lãng phí; khắc phục tình trạng chậm trễ, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; phấn đấu xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính từ tỉnh đến cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh, có kỷ luật, kỷ cương và điều hành có hiệu lực, hiệu quả cao, hoàn thành tốt nhất chức trách, nhiệm vụ được giao”. (Báo Thanh Hóa điện tử thứ 5 ngày 9/12/2010).

Đã hứa với nhân dân như vậy rồi mà lúc này đây cái phong cách gần dân, sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của dân lại không thấy ông Chủ tịch bộc lộ? Liệu như thế đã nâng cao trách nhiệm trước nhân dân chưa khi mà NQ TW4 đang rất đề cao vai trò của người đứng đầu? Cán bộ là công bộc của dân thì tại sao lại không ra tiếp dân một cách cho đàng hoàng. Đó mới là bản lĩnh của người lãnh đạo trước những vấn đề phát sinh của cuộc sống. Nó không chỉ là trách nhiệm mà còn là lương tâm của người cán bộ.

Bây giờ ngồi đọc lại lời hứa quyết tâm của các vị đại biểu được dân bầu đến lời phát biểu nhậm chức của ông Chủ tịch tỉnh, tôi nhận thức ra được một điều: “Bản chất nông dân rất tốt. Chẳng ai có thể tốt hơn dân. Vì thế bây giờ, không còn chiến tranh, không còn bom đạn, đất nước đã yên bình mà người dân lại thấy bất an là chúng ta có lỗi”.

Xin kết thúc bài viết này bằng một lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đầy tớ của nhân dân - Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi, nước mắt của nhân dân mà ra - Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân”. (Bác Hồ nói chuyện với anh chị em công chức thủ đô, 30/11/1954).

Người có lương tâm đều hiểu, không phải lúc nào và ở đâu, nhân dân cũng đã được đền bù xứng đáng!

Bình luận mới nhất