Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có một cách làm việc trọng thực chứng. Đi xuống tận cơ sở, đứng đợi cả chục phút đồng hồ để nghe người dân gọi vào đường dây nóng xem có hoạt động không, ra tận chốt kiểm tra thì biết được ở đó cấp ủy không có người lãnh đạo và chính quyền chưa có quy chế hoạt động chống dịch.
Đặc biệt, trong các cuộc họp về chống dịch Covid-19, ông đã kết nối với Chủ tịch UBND các xã, phường để biết ở dưới đang làm gì. Việc đó nói lên mấy điều theo suy nghĩ của tôi.
Một là, Chính phủ điện tử, trong tình hình dịch dã như này thì việc Thủ tướng kết nối với hơn 6.000 điểm cầu là Chủ tịch UBND xã, phường là điều rất thuận lợi cho việc nắm chắc tình hình cơ sở vì dù có đi thực tế thì cũng không thể xuể.
Hai là, việc đích thân Thủ tướng xuống tận cơ sở như thế thì sẽ cho ông cái nhìn đầy đủ hơn để lãnh đạo chỉ đạo hiệu quả hơn. Nghe báo cáo gì tại cuộc họp thì cũng đủ dữ liệu để phân tích mà chỉ đạo cho sát, mục tiêu cuối cùng là hiệu quả trong điều hành của Chính phủ.
Và ba, là điều tôi cho quan trọng nhất. Ông Phạm Minh Chính từng là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Người của tổ chức. Qua những lần kết nối với Chủ tịch UBND xã, phường và nhất là mấy lần đi tận cơ sở như thế, là người làm tổ chức ông đã thấu cảm được một cách sâu sắc về chất lượng cán bộ cơ sở hiện nay.
Không biết ông có nghĩ rằng, cán bộ cấp chiến lược, cán bộ từ tỉnh đến Trung ương đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương chuẩn bị và dày công đào tạo nhưng đó chỉ mới là những hạt nhân nòng cốt. Những hạt nhân ấy cũng chỉ mới dừng lại năm trăm đến một ngàn con người thôi. Trong khi số cán bộ cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, sát dân nhất, gần dân nhất lại có cả triệu người. Họ không chỉ ở với dân khi có dịch dã, thiên tai, địch họa mà còn là lúc tối lửa tắt đèn với dân là phải có mặt sớm nhất.
Không biết ông Thủ tướng có suy nghĩ gì về cái gọi là “dân là gốc” lâu nay chúng ta vẫn nói nhiều không khi nhìn xuống những cán bộ xã, phường mà mấy hôm nay ông có dịp tiếp xúc, trao đổi? Vì một thực tế ở cơ sở, không ít cán bộ xã, phường không còn nắm chắc mọi chỉ đạo từ trên và không bám sát từng địa bàn, cơ sở.
Tại sao ngày trước chỉ một vài người thôi là cả làng, cả tổng quản lý được đâu vào đó. Đến Cách mạng, cả nước có những xã phường rộng lớn trong điều kiện chiến tranh, đường sá giao thông cách trở, thông tin liên lạc kém cỏi vậy mà nhà nào, ở đâu, ai như nào đều được cán bộ xã, phường nắm vanh vách. Giờ xã, phường chia tách bé nhỏ lại, đường giao thông thoáng rộng, liền mạch, internet có ngay trên tay, kết nối liên thông thế mà cán bộ cơ sở ngày càng xa dân quá. Cán bộ cơ sở xa cả cấp trên, xa cả nơi dân.
Chống dịch như chống giặc, tình thế luôn cấp bách vậy. Thế nhưng xuyên suốt chỉ đạo điều hành của Thủ tướng trong mọi cuộc làm việc, nhiều vị Chủ tịch xã đứng dậy ú ớ không nắm được tình hình để báo cáo Thủ tướng. Cá biệt có vị còn cầm sách đọc buộc lòng Thủ tướng nhắc “anh cầm sách đọc thì nói làm gì”.
Thử hỏi những cán bộ ấy có đáng để trọng dụng nữa không, có đáng để tổ chức dùng mà phục vụ nhân dân nữa hay không? Tôi tin, ông Phạm Minh Chính từ một người làm tổ chức, nay đứng đầu cơ quan hành pháp ông thấu tỏ hơn ai hết về điều đó.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành từng cho rằng, bài học thành công của các nước Đông Á cho thấy để giảm thiểu được những khó khăn, tiêu cực trong quá trình phát triển, từ đó vươn tới thành công thì đất nước cần phải có một Chính phủ mạnh.
Một Chính phủ mạnh theo TS Võ Trí Thành phải đáp ứng được ba yếu tố. Thứ nhất, nó phải có năng lực về tầm nhìn và làm chính sách. Thứ hai, phải có bộ máy chuyên nghiệp cao. Thứ ba là phải công tâm, biết chia sẻ những lợi ích từ tăng trưởng một cách công bằng, vì sự phát triển con người nói chung.