| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 14/11/2022 , 08:50 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

08:50 - 14/11/2022

Khi những đứa trẻ trở thành 'con tin' của nhà trường

Tôi đã phải quyết định ẩn danh người cha để giữ an toàn cho đứa bé. Hai chữ “con tin” lại hiện ra trong tôi, sau cái giây phải đưa ra lựa chọn đáng buồn.

 

 

Đầu đông, tôi ghé thăm một người bạn tại thành phố Thanh Hóa, vốn là người không xa lạ với nhiều người trong giới chữ nghĩa đương thời. Dù đã hơn 5h30 chiều nhưng cổng nhà còn khóa chặt, đứng đợi hồi lâu mới thấy anh về, chở con sau xe. Thằng bé đi học về. Gặp nhau, câu chuyện cứ xoáy mãi vào chủ đề giáo dục, vì anh và tôi đều có con nhỏ đang tuổi đến trường.

Anh nói bằng giọng như chùng xuống: Con cái chúng ta bây giờ như con tin của nhà trường.

Thử nhìn cái thời khóa biểu của trường THCS An Đức (H. Ninh Giang, Hải Dương) trên. Học thêm cả tuần, chủ nhật cũng không tha. Mỗi buổi 2 ca, mỗi ca một tiếng rưỡi. Không những thế, trường này còn công khai chia học sinh thành các lớp “trung bình” và “khá”. Một người có lương tâm và có hiểu biết giáo dục sẽ đặt tên theo cách khác, ví dụ lớp 6A, lớp 6B, chứ không bao giờ cố ý thao túng học sinh và cha mẹ chúng bằng những xếp loại ác ý để ép buộc như thế này.

Tôi biết rất rõ và từng ra sức chống lại những cái thời khóa biểu vắt kiệt sức lực và tiền bạc của học sinh như thế. Và tôi cũng biết, không phải chỉ có trường THCS An Đức đang làm như vậy. Bây giờ, trên khắp cả nước, việc học thêm trong nhà trường đã trở nên một thứ quốc nạn với đủ loại chiêu trò, có cả những cách lưu manh nữa. Con tôi đi học đã 2 tháng, cho đến ngày họp phụ huynh đầu năm, khi hỏi cô giáo chủ nhiệm thì mới biết rằng buổi chiều là học thêm! Nhà trường không hề có bất kỳ thông báo nào về chương trình ấy, cũng không tiến hành các thủ tục đăng ký cho phụ huynh, mà cứ thế mập mờ, mặc nhiên lùa tất cả đi học như thể là học chính khóa. Người ta có hàng trăm cách để bắt ép 100% học sinh phải học thêm.

Những cái thời khóa biểu này là cuộc tra tấn và hủy hoại tàn bạo của giáo dục đối với trẻ em. Nó cướp hết thời gian và gây nên những chán nản, khủng hoảng. Học sinh sợ học, sợ kiến thức, và có thể căm ghét cả thầy cô chúng. Trẻ em chơi vào lúc nào, nghỉ ngơi vào lúc nào? Buổi sáng học, buổi chiều học lại, tối về phải lăn ra mà hoàn thành núi bài tập của cả chính khóa lẫn học thêm. Nhồi nhét quanh năm như thế, thử hỏi còn đứa trẻ nào không bị chấn thương tâm lý và lệch lạc trong phát triển nhân cách?

Anh bạn tôi kể cho nghe về những câu chuyện bi hài. Đó là việc phải học thêm cùng lúc ở hai nơi: thầy cô chủ nhiệm và gia sư. Vế thứ nhất là điều kiện để được yên thân, nhưng bắt buộc; sau đó mới an tâm mà đi tìm đúng thầy đúng thuốc để “điều trị”.

Nhà trường bày ra các khoản thu vô lý trái quy định nhưng không ai dám phản đối; kẻ một cái thời khóa biểu học thêm tối tăm mặt mũi nhưng tất cả phải ngoan ngoãn nghe theo. Không đi học thêm, ok, cũng được thôi, nhưng hãy đợi đấy! Bài cô chấm, điểm cô cho; không học thêm ư, cứ mỗi sáng đến trường thì gọi lên bảng trả bài, mấy ngày liên tiếp thì tự mà hiểu chuyện thôi.

Anh kể về một tập tài liệu gồm bài tập và văn mẫu dày đến 216 trang mà cô giáo giao cho trẻ con lớp 5 mang về học. Chi chít lỗi văn bản, đánh máy, lỗi dùng từ, lỗi viết câu. Một mớ những tờ giấy lộn xộn chứa những bài văn cẩu thả vô hồn. Tôi nói, anh cứ lấy 1 câu ra mà gõ vào google, sẽ thấy là giáo viên đã tải trên mạng về mà không thèm đọc lại. Và anh lập tức xác nhận với tôi, rằng đúng thế, đã kiểm tra rồi. Đó, nó như thế đó, nhưng vẫn phải đi học. Không đi không xong đâu!

Tập tài liệu dạy tiếng Việt cho học sinh Tiểu học chi chít lỗi văn bản, đánh máy, lỗi dùng từ, lỗi viết câu.

Tập tài liệu dạy tiếng Việt cho học sinh Tiểu học chi chít lỗi văn bản, đánh máy, lỗi dùng từ, lỗi viết câu.

Anh còn nói, có điều đáng kinh ngạc hơn nữa, là những em học kém hơn, không theo được các bạn ở lớp thì bị cô từ chối nhận dạy kèm, dù cha mẹ đã có lời xin. Lý do là dạy các em này vất vả hơn và không có thành tích khi thi vào trường chuyên; và còn để trừng phạt bởi trong hè đã dám cả gan không đi học thêm với cô!

Lại nữa, về phần mình, năm 2019 khi phải chứng kiến sự vô lý và tàn nhẫn của một chương trình học thêm tương tự tại trường mình, tôi đã đưa ra đề nghị cho hiệu trưởng rằng bỏ học thêm (đối với môn Văn). Tôi dùng danh dự và số phận công việc của mình để đảm bảo kết quả với ban giám hiệu, rằng không cần học thêm vẫn sẽ cam kết được chất lượng.

Sau 1 năm học, môn Văn của chúng tôi đã thực hiện đúng lời cam kết, nhưng không phải vì thế mà nhà trường chịu giữ lời hứa của mình. Họ tiếp tục lùa học sinh đi học thêm như cũ. Và câu trả lời mà tôi nhận được là “Vì đời sống của anh em”. Thật khốn cùng.

Không có một mô hình giáo dục nào khác trừ hệ thống trường tư nhưng cũng phải học một chương trình như trường công, đồng thời thường phải chạy song song với một chương trình riêng. Lại trong khi mà các nhà trường đã thành các vùng cát cứ, hiệu trưởng trở thành lãnh chúa, không có công đoàn độc lập, không có hội phụ huynh đúng nghĩa, lúc ấy những đứa trẻ đích thị là con tin để ra điều kiện với cha mẹ chúng.

Quản lý không phải chỉ là việc ngồi phòng lạnh và ban ra các văn bản, chỉ dụ. Quản lý là xây dựng luật, thiết kế bộ máy vận hành một cách khoa học, kiểm tra, giám sát và chế tài. Khi mà những nhiệm vụ phía sau bị bỏ lửng thì đó chỉ là nói suông. 

Chưa bao giờ Giáo dục bị mất niềm tin như bây giờ, cũng chưa bao giờ nhà trường lại trở thành nỗi đau nhức đến như bây giờ. Người ta làm tiền cha mẹ một cách công khai không chút e dè bởi đã “nắm đằng cán” là con cái họ.

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Khoan nói tới cái thế giới to tát kia, với một quốc gia mà việc coi trẻ em như một thứ phương tiện để xây dựng bản báo cáo thành tích và khai thác tiền bạc thì quốc gia ấy sẽ không có tương lai.

Giáo dục trước hết là từ con người và vì con người. Người ta gọi đó là nhân bản. Con người phải là mục tiêu đầu tiên và cuối cùng của giáo dục; nhưng ngày nay hiển hiện trong mỗi ngôi trường không phải là con người mà là các khoản thu, là những kế hoạch và mánh khóe bào tiền. “Nền giáo dục con tin” cũng là nền giáo dục sẽ báo hiệu một sự suy vong tất yếu, nếu không kịp thời chấn hưng lại, bắt đầu từ cái nền Chân - Thiện - Mỹ.

Trong bài báo này, ban đầu tôi để tên công khai người bạn vong niên của mình, chính anh cũng đồng ý cho tôi điều đó. Nhưng tôi từng ở trong những nhà trường nhiều năm, tôi hiểu nó hơn ai hết. Người lớn như chúng tôi thì không sao và sẵn sàng chấp nhận những nhiêu khê; nhưng trẻ con thì không, các em có thể sẽ phải chịu những bất công do sự ích kỷ nhỏ nhen của “những người làm giáo dục” gây ra. Và, thật chua chát, tôi đã phải quyết định ẩn danh người cha để giữ an toàn cho đứa bé. Hai chữ “con tin” lại hiện ra trong tôi, sau cái giây phải đưa ra lựa chọn đáng buồn này.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm