| Hotline: 0983.970.780

Khi nông dân cầm sổ đỏ: Chuyện thường ngày

Thứ Tư 27/05/2015 , 16:55 (GMT+7)

Nông dân vùng lúa - cá ngoại thành TP Cần Thơ có nhu cầu vay vốn ngân hàng thường có câu cửa miệng "sổ đỏ là đầu câu chuyện"./ Giàu nghèo từ sổ đỏ

Gõ cửa ngân hàng

Nhiều nông dân thú thiệt là đã cắm sổ đỏ cho ngân hàng, bởi ai cũng khát vốn, vả lại lãi suất vay ngân hàng thấp hơn nhiều so với vay "tín dụng đen" ở bên ngoài. Chỉ cần trúng mùa được giá vài ba vụ thì nợ nần dễ trả.

Chúng tôi ghé vào một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, vốn là chỗ thân quen. Lúc đó có 8 nông dân chờ mua phân bón, thuốc trừ sâu… Lạ là trên tay người nào cũng cầm sổ chờ đến lượt ghi nợ. Thì ra tiền nợ đến cuối vụ thu hoạch họ sẽ thanh toán cho đại lý. Chúng tôi bắt chuyện làm quen: "Làm lúa trúng mấy mùa liên tiếp sao mấy chú mua phân bón phải ghi nợ?".

Ông Ba Tới, một nông dân có thâm niên 30 năm làm ruộng phân trần: "Mấy vụ qua giá lúa thấp, tụi tui vẫn chưa trả dứt nợ. Sắp tới vụ HT, tui mong lúa bán trên 5.000 đ/kg và cả nhà phải tiết kiệm hơn nữa thì may ra trả hết nợ. Hiện độc canh cây lúa 3 vụ/năm vẫn không có lãi nhiều nên khó tích lũy. Do đó nếu muốn chăn nuôi, trồng hoa màu phải trông cậy cái sổ đỏ để vay ngân hàng".

Tân Thạnh là xã thuần nông, trong đó hơn 95% đất trồng lúa và luân canh hoa màu. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh, Cao Chí Công cho rằng: Bên cạnh đối tượng thuộc diện vay Ngân hàng Chính sách xã hội, các hộ có sổ đỏ muốn vay không khó vì luôn có sẵn chi nhánh, trạm giao dịch của các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn.

Bà Ngô Thị Thu Hương, GĐ Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Ô Môn giãi bày, chi nhánh hiện có tổng dư nợ 300 tỷ đồng với 3.000 hộ vay và 100% thế chấp sổ đỏ. Bà con vay để trồng trọt, chăn nuôi quy mô nông hộ chiếm nhiều nhất và rủi ro ít. Có hộ vay 5 - 7 triệu đồng từ năm 1990 trả nợ gốc không dứt, nhưng đóng lãi đàng hoàng.
Đối tượng vay nuôi cá tra rủi ro lớn nhất. Trước đây mức dư nợ cho vay nuôi cá tra 110 - 120 tỷ đồng, đến nay giảm còn 80 tỷ. Trong số vài chục hộ vay nuôi cá tra thì có 4 - 5 hộ thua lỗ phá sản phải chuyển hồ sơ sang tòa án xử lý. Để xảy ra rủi ro là điều không ai mong muốn. Dù ngân hàng giữ sổ đỏ nhưng việc xử lý còn dài...

Cán bộ tín dụng tới nơi thẩm định giá trị tài sản, công chứng rồi cho vay mà không phải qua UBND xã xác nhận. Hiện nông dân ở ấp Thới Phước 1, Thới Thuận A được vay vốn của Ngân hàng NN-PTNT nhiều nhất.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Võ Thanh Quang, Trưởng ấp Thới Thuận A cho biết: "Trong ấp có 244 hộ thì có tới 160 hộ mang "sổ đỏ" tới gõ cửa ngân hàng. Còn lại là các hộ không có đất, gặp lúc túng thiếu thì vay của bà con thân thuộc hoặc vay nóng ở bên ngoài.

Tâm lý chung là nông dân sợ mang nợ, vì cầm sổ đỏ đi vay lỡ làm ăn thất bại coi như mất đất, hết đường làm ăn. Vì vậy có không ít hộ chỉ dám vay 3 - 4 triệu đồng. Vậy mà làm hoài trả hoài không dứt nợ".

Sổ đỏ trợ vốn

“Nông dân nơi đây trồng lúa 3 vụ/năm khó khá lên được. Cuộc sống tuy không nghèo nhưng cũng chỉ đủ ăn. Hai, ba năm qua có hàng chục hộ “bạo gan” cầm sổ đỏ vay vốn để chuyển lúa sang màu. Có người dư vốn đã chuộc được sổ. Cái sổ đỏ đối với nông dân quả là quý giá, là cứu cánh mỗi khi túng bấn, thiếu vốn SX”, ông Cao Chí Công, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh nói.

Trưởng ấp Quang là một điển hình làm ăn khá lên nhờ vốn vay ngân hàng. Nhà anh có gần 6.000 m2 đất ruộng, anh thế chấp sổ đỏ vào ngân hàng vay vốn làm theo mô hình "2 lúa - 1 màu" kết hợp chăn nuôi. Qua vài năm SX, kinh tế gia đình khá vững, anh trả hết nợ gốc và lấy sổ đỏ về.

Hôm chúng tôi đến, anh Quang đang xây ngôi nhà mới trị giá gần 400 triệu đồng. Anh cười tươi nói, nhờ có sổ đỏ đi vay mà tôi sắp có nhà khang trang đấy.

Nông dân Ngô Văn Diễm ở ấp Thới Phước 1 có 1,2 ha đất ruộng đã không ngần ngại đem sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng. Ông Diễm nói tỉnh bơ: "Cầm sổ đi vay là "chuyện thường ngày ở huyện", cứ vay xong rồi trả, rồi lại vay tiếp… Quanh xóm này có nhiều hộ cầm sổ đi vay giống như tôi".

Nông dân cầm sổ đỏ vay vốn ngân hàng là chuyện bình thường. Ngân hàng giữ giùm sổ quanh năm cũng không lo. Khi sổ nằm trong ngân hàng thì làm thủ tục vay lại cũng rất nhanh. Còn giữ sổ ở nhà thì khi vay phải làm thủ tục 7 - 10 ngày.

Tương tự, anh Nguyễn Minh Quân ở cùng ấp làm hơn 4 công ruộng. Suốt 4 năm qua hễ vào vụ lúa ĐX là anh lại cầm sổ đỏ ra ngân hàng vay 5 triệu đồng. Cuối vụ lúa TĐ thì trả xong cả gốc lẫn lãi, rồi tiếp tục vay lại. Anh Quân bộc bạch, vì đất ít nên chỉ vay được vài triệu đồng, lãi suất 7,5%/năm là dễ thở. Số tiền không nhiều nhưng có thể giúp gia đình trang trải chi tiêu...

Chưa gỡ được

Trái ngược với những nông dân trồng lúa vay vốn ít, những người nuôi cá tra thường “đi thuyền to, cưỡi sóng lớn”. Đó là những người có đất rộng và vốn đầu tư lớn.

Tuy nhiên có “lâm trận” mới biết nuôi cá tra cần vốn rất lớn và hầu như ai cũng phải “cậy” tới vốn của ngân hàng.

09-33-54_nong-dn-nuoi-c-tr-no-vy-dm-di-my-moc-bo-phe-nh-lhv
Nuôi cá tra nợ đầm đìa, máy móc bỏ phế

Trước đây ở vùng ven sông Hậu (Cần Thơ) từng có nhiều người nuôi cá tra phát đạt. Nhưng hiện số người còn nuôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Họ đã cạn vốn, nợ ngân hàng đầm đìa. Một người nuôi cá tra cho biết, hiện nghề nuôi cá tra XK đòi hỏi vốn rất lớn. 

1 ao nuôi 3.000 m2 cho sản lượng 150 tấn cần đầu tư 3 - 4 tỷ đ/vụ. Vì cần vốn nhiều nên phải vay ngân hàng. Nếu không may thua lỗ, không trả vốn và lãi đúng hạn thì họ ngừng cho vay, coi như phải “treo ao”.

Chúng tôi trở lại vùng nuôi cá tra ở phường Thới An, quận Ô Môn, nơi cách đây gần 2 năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình về tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho nông dân vay vốn. Do thị trường chưa tốt nên các ao nuôi vắng lặng. Hỏi thăm được biết có người mắc nợ tiền tỷ vì nuôi cá tra thua lỗ. Có người bỏ cuộc phải “treo ao”. Có người phá sản, mặc cho sổ đỏ nằm ở ngân hàng...

Ông Phạm Thành Tín, một người nuôi cá ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai tâm sự: "Gần 10 năm trước tôi nuôi cá tra phải cầm sổ đỏ 2 ha đất (trị giá 4 tỷ đồng), được ngân hàng cho vay 60% giá trị. Từ ấy tới nay, sổ vẫn ở ngân hàng chưa biết ngày nào trở lại… chỉ vì Cty Thiên Mã mua cá nợ dây dưa 1,2 tỷ đồng. Từ năm 2012 đến nay tôi phải nai lưng đóng lãi".

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Khẩn thiết cần 1 đầu mối đứng ra đàm phán

'Chúng tôi chỉ là hiệp hội, không có chức năng quản lý và chưa được hướng dẫn thủ tục cấp giấy kiểm định vàng O', Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Nestlé Việt Nam: Tiên phong phát triển bền vững, đồng hành kiến tạo tương lai xanh

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đưa ra những giải pháp vừa tạo tác động tích cực môi trường, vừa thúc đẩy phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.