| Hotline: 0983.970.780

Khi phụ nữ 'xắn tay' vào việc làng, việc xã

Thứ Sáu 24/04/2020 , 06:10 (GMT+7)

Chị Nguyễn Thị Hồng Lê, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tản Lĩnh nói hội chọn những việc thiết thực như giảm nghèo, hiến đất, làm đường nở hoa... để cùng góp sức xây NTM.

Mô hình nuôi bò sữa thoát nghèo. Ảnh: Hồng Đạt.

Mô hình nuôi bò sữa thoát nghèo. Ảnh: Hồng Đạt.

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), ngay từ đầu chị em hội Phụ nữ xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) đã xác định những mục tiêu, cách làm rất cụ thể để hướng mọi hoạt động của mình vào đó.

Đầu tiên là tiêu chí xóa đói giảm nghèo, chị Nguyễn Thị Minh Thu ở thôn Cẩm Phương chia sẻ: “Năm 2019 vừa qua, gia đình tôi được Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội được 50 triệu đồng và nguồn vốn tiết kiệm tại chi, tổ hội được 8 triệu đồng.

Nhờ hai nguồn vốn này mà vợ chồng có tiền chăn nuôi bò, gà, cùng với nỗ lực của cả gia đình, chúng tôi đã thoát khỏi cái tiếng nghèo”.

Hội Phụ nữ xã đến nay đơn vị đã đứng ra tín chấp hơn 11 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và tiết kiệm tại các chi tổ hội được hơn 360 triệu đồng để cho hội viên vay phát triển kinh tế. Không những vậy, hội còn làm tốt công tác vận động để gây dựng quỹ nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ hội viên nghèo, ốm đau đột xuất hoặc có người thân bị tai nạn, rủi ro...

Trong hai năm qua, vào nhiều dịp trong năm đặc biệt là Tết hội đã tặng gần hai trăm suất quà cho các đối tượng trên với trị giá gần 60 triệu đồng. Đã giúp cho 42 hội viên thoát nghèo và 5 hộ từ cận nghèo cũng thoát nghèo.

Để cùng tham gia bảo vệ môi trường, ngoài việc bảo ban nhau nhà nào chăn nuôi phải làm hầm biogas, sử dụng chế phẩm sinh học để giảm thiểu mùi xú uế, từ năm 2017 Hội Phụ nữ xã đã chọn Chi hội Phụ nữ thôn Yên Thành để làm điểm trong xây dựng đoạn đường nở hoa.

Chị Lương Thị Phúc, Chi hội trưởng thôn Yên Thành cho biết: “Khi hội Phụ nữ xã triển khai mô hình đoạn đường nở hoa, chi hội đã vận động chị em mua một số loại hoa để trồng, ngày ngày cùng nhau chăm sóc. Với chiều dài 100 m, đoạn đường nở hoa đã trở thành một nét đẹp mới của xóm làng”.

Từ thành công của đoạn đường phụ nữ nở hoa ở Yên Thành đến nay toàn xã đã có 29 đoạn đường phụ nữ nở hoa với tổng chiều dài khoảng 6 km. Với 53 đoạn đường vừa tự quản, vừa nở hoa, họ vừa chăm sóc hoa, vừa bảo ban chồng con, người nhà không vứt rác ra đường đồng thời tự tay cầm chổi quét rác, nhặt rác.  

Việc làm thứ ba nữa mà phụ nữ Tản Lĩnh chung tay xây dựng nông thôn mới là hiến đất, phá tường bao để làm đường. Đất đai từ xưa đã gắn bó với nông dân, nay thời kinh tế thị trường lại bắt đầu có giá nên để hiến đi là cả một cuộc vận động gian khó, bắt đầu từ trong nội bộ của chính các gia đình.

Đầu năm 2020 này, Ké Mới được đầu tư xây dựng tuyến đường thôn, chị Chu Thị Hoa- Chi hội trưởng phụ nữ đã đầu tàu gương mẫu vận động gia đình mình hiến 15 m2 đất thổ cư, 20 m tường bao. Theo gương chị nhiều chị em khác như Bùi Thị Hương, Nguyễn Thị Lai cũng hiến đất làm đường.

Thống kê cụ thể trong 3 năm qua, hội Phụ nữ xã Tản Lĩnh đã vận động các hội viên ở các thôn hiến đất làm đường với diện tích là 810 m2, phá dỡ 687 m tường bao, góp 25 ngày công, đóng 78 triệu đồng để làm các công trình văn hóa, dân sinh trên địa bàn theo đúng tiến độ.

Năm 2020, xã Tản Lĩnh được huyện Ba Vì chọn về đích nông thôn mới. Để cùng ghé vai “gánh” nhiệm vụ này, chị Lê- Chủ tịch hội Phụ nữ xã bảo rằng đã tuyên truyền và đăng ký thi đua đến từng chi hội. Mục tiêu phấn đấu là giúp thoát nghèo 20 gia đình trên địa bàn, vận động hội viên đóng góp theo đúng quy định, sẵn sàng hiến đất làm đường, phá tường bao của nhà mình nếu cần.

(Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Ba Vì)

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.