| Hotline: 0983.970.780

Khi trẻ chậm tăng trưởng chiều cao, phụ huynh nên làm gì?

Thứ Bảy 11/07/2020 , 09:35 (GMT+7)

Trong các giai đoạn phát triển chiều cao của trẻ, tốc độ tăng trưởng chiều cao ở giai đoạn nào là vượt trội nhất, giai đoạn nào phụ huynh cần đặc biệt lưu ý?

Trẻ được đo chiều cao khi khám tầm soát chậm tăng trưởng tại BV Nguyễn Tri Phương. Ảnh: BVCC.

Trẻ được đo chiều cao khi khám tầm soát chậm tăng trưởng tại BV Nguyễn Tri Phương. Ảnh: BVCC.

Những năm gần đây, chiều cao trung bình của người Việt đã tăng hơn so với trước đây, tuy nhiên để rút ngắn khoảng cách về chiều cao của người trưởng thành so với các nước trong khu vực châu Á và thế giới trong thời gian tới thì cần các giải pháp đồng bộ để phát triển chiều cao và nâng cao sức khỏe của trẻ em ngày hôm nay.

Tốc độ tăng trưởng của trẻ

Cậu con trai thứ hai của gia đình chị Hoàng Thị Thùy (ngụ quận Thủ Đức) năm nay học lớp 3 (9 tuổi) nhưng chỉ nặng 22kg, chiều cao 1,2m, luôn thấp nhất lớp, nhất khối khiến chị luôn lo lắng.

Chị Thùy cho biết, khi sinh ra bé cân nặng 3kg, chiều cao 55cm. Thế nhưng, từ khi một tuổi đến năm lớp 1 bé luôn biếng ăn, chị Thùy đã cho đi khám đủ các trung tâm, uống đủ loại thuốc bổ nhưng vẫn không cải thiện khiến chị đâm nản.

“Mỗi lần cho con đến khám tại Trung tâm dinh dưỡng đều được bổ sung thêm đủ loại thuốc bổ. Nhìn con uống nắm thuốc mà ngán. Nên tôi quyết định ngưng không cho con uống thuốc, không khám nữa.

Cứ để con phát triển tự nhiên, ăn uống theo sở thích, học bơi lội, đá banh… Nhưng đến nay thì cháu vẫn thấp bé nhất lớp nên tôi đâm lo lắng. Nghe nói đến việc thiếu hormone tăng trưởng sẽ khiến trẻ thấp hơn bạn cùng trang lứa”, Chị Thùy lo lắng.

Tương tự, chị Thanh Tâm (ngụ Tân Bình) có cô con gái năm nay học lớp 5 nhưng chỉ cao như học sinh lớp 3. Chị e ngại khi con đến tuổi dậy thì sẽ mặc cảm vì thiếu chiều cao so với các bạn.

Trước những lo lắng của các bậc phụ huynh, BS.CKI. Trần Thị Ngọc Anh, Khoa Nội Tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho biết, tăng trưởng chiều cao của trẻ được chia thành nhiều giai đoạn, trong đó có 2 giai đoạn sự tăng trưởng chiều cao diễn ra vượt trội là từ 0-3 tuổi và từ 10 tuổi đến tuổi dậy thì. Từ 3-10 tuổi sự tăng trưởng chiều cao diễn ra từ từ.

Tuy nhiên, dù nhanh hay chậm thì giai đoạn tăng trưởng nào cũng quan trọng và phụ huynh luôn cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, thể dục thể thao của bé.

Tăng trưởng chiều cao của trẻ được chia thành nhiều giai đoạn. Ảnh: BVCC.

Tăng trưởng chiều cao của trẻ được chia thành nhiều giai đoạn. Ảnh: BVCC.

Từ 4 tuổi trở đi phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Nếu chiều cao của bé tăng chậm hơn 4-6 cm/năm hoặc chiều cao của bé luôn nằm gần đường cong thấp nhất so với độ tuổi (theo biểu đồ theo dõi chiều cao), nên cho bé thăm khám sớm để tìm nguyên nhân do thiếu hormone tăng trưởng và điều trị kịp thời.

Qua tuổi dậy thì, những bé chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng không thể điều trị bổ sung hormone được nữa.

Có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ như di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt thể dục thể thao và hormone tăng trưởng, trong đó yếu tố di truyền là không thể thay đổi được.

Bơi lội là bộ môn được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con trẻ để cải thiện chiều cao. Ảnh: Đức Nhiên.

Bơi lội là bộ môn được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con trẻ để cải thiện chiều cao. Ảnh: Đức Nhiên.

Có thể cho trẻ bổ sung canxi kết hợp khi điều trị chậm tăng trưởng chiều cao?

Theo BS.CKI. Trần Thị Ngọc Anh, Khoa Nội Tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, trẻ trong giai đoạn phát triển chiều cao nên được bổ sung canxi tự nhiên từ nguồn thực phẩm (sữa, các chế phẩm từ sữa, đậu nành, các loại rau xanh, cá, hải sản,..); tránh việc tự ý sử dụng các thuốc canxi tổng hợp nếu không có chỉ định của bác sĩ. Nếu dư thừa có thể gây quá tải cho thận tăng nguy cơ sỏi niệu quản, sỏi thận; gây ức chế việc hấp thu các chất khác như sắt, kẽm…

Thiếu hormone tăng trưởng (GH)

Nói về vai trò của hormone tăng trưởng (GH) tự nhiên với sự phát triển của cơ thể nói chung và phát triển chiều cao nói riêng, BS.CKI. Trần Thị Ngọc Anh cho hay, GH được tiết ra từ tuyến yên ở não. GH đóng vai trò quan trọng lên sự phát triển của hệ cơ xương quyết định chiều cao của cơ thể, bên cạnh đó GH còn tác động lên chức năng chuyển hóa của cơ thể bao gồm sự phân bố dịch, chuyển hóa lipid, prorein, cacbohydrate, sức cơ và hệ tim mạch.

“Khi thiếu GH, đặc biệt ở lứa tuổi thiếu nhi sẽ làm ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Ở người trưởng thành nhu cầu GH không nhiều như ở trẻ em, nhưng nếu thiếu GH do các bệnh lý liên quan đến tuyến yên có thể làm ảnh hưởng đến sức cơ, thể lực chung, rối loạn mỡ máu, đường máu…”, BS.CKI. Trần Thị Ngọc Anh nói.

Đối với trẻ thiếu hormone tăng trưởng sẽ có chiều cao thấp hơn so với tuổi (dưới 2-3 độ lệch chuẩn dựa trên biểu đồ tăng trưởng), tốc độ tăng trưởng chậm (dưới 1,5 SD trong 1 năm hoặc dưới 5 cm/năm).

Những trường hợp thiếu hormone tăng trưởng nặng có thể có những biểu hiện như giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên bộ mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ ở nam... Thể nhẹ hơn ở thiếu hormone tăng trưởng thường chỉ thể hiện qua chiều cao thấp so với tuổi.

Khi trẻ được chẩn đoán chậm tăng trưởng do thiếu GH được chỉ định bổ sung GH khi trẻ từ 4 tuổi trở lên. Sau 3-6 tháng điều trị, trẻ sẽ được đo lại chiều cao và xét nghiệm máu để đánh giá kết quả và chỉnh liều thuốc nếu cần. Trẻ đáp ứng với điều trị sẽ tăng chiều cao từ 8-12cm/ năm. Khi trẻ đến tuổi dậy thì trẻ sẽ được đánh giá lại xem có tiếp tục bổ sung GH hay ngưng bổ sung.

TP.HCM có nhiều sân trời dành cho trẻ để phát triển thể lực. Ảnh: Đức Nhiên.

TP.HCM có nhiều sân trời dành cho trẻ để phát triển thể lực. Ảnh: Đức Nhiên.

Cũng theo BS.CKI. Trần Thị Ngọc Anh, mục tiêu của việc điều trị chậm tăng trưởng bằng hormone tăng trưởng ở trẻ thiếu hormone tăng trưởng là để thay thế sự thiếu hụt hormone tăng trưởng cho sự phát triển chiều cao, các hoạt động chuyển hóa và tình trạng sức khỏe nói chung. Liều khởi đầu và việc điều chỉnh liều phụ thuộc chủ yếu vào cân nặng hoặc diện tích da cơ thể và đáp ứng tăng trưởng chứ không chia theo giai đoạn đặc biệt nào.

Tuy nhiên nhiều phụ huynh cũng lo ngại về vấn đề tác dụng phụ khi sử dụng hormone tăng trưởng. Theo BS.CKI.Trần Thị Ngọc Anh, việc điều trị với hormone tăng trưởng ở trẻ là tương đối an toàn. Một số ảnh hưởng có thể có như trẻ than phiền khi đau đầu, đau các khớp, đau cơ (các triệu chứng này thường  lành tính, sẽ giảm hoặc biến mất khi giảm liều thuốc hoặc ngưng điều trị) . Ngoài ra, trẻ có thể có các phản ứng dị ứng nhẹ như sưng tại vị trí tiêm, nổi mẩn ngứa hoặc phát ban.

Tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như trượt chỏm xương đùi, vẹo cột sống nặng hơn (trên các trẻ đã có tình trạng vẹo cột sống trước đó) thường rất hiếm gặp và có liên quan đến các hoạt động thể chất mạnh.

Đối với các trẻ chậm tăng trưởng đơn độc (GHD, ISS) không kèm các yếu tố nguy cơ khác, điều trị hormone tăng trưởng không làm tăng nguy cơ bệnh bạch cầu hay các loại ung thư khác khi so sánh với dân số chung cùng độ tuổi.

Trong trường hợp trẻ điều trị hormone tăng trưởng nhưng gặp nhiều tác dụng phụ, gây khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, học tập và không giảm hoặc mất sau khi tạm thời giảm liều hoặc ngưng thuốc; khi đó bác sĩ điều trị có thể quyết định ngưng điều trị và tiếp tục theo dõi đáp ứng tăng trưởng.

(Kiến thức gia đình số 28)

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.