Theo đó, tất cả trẻ em chưa dậy thì sẽ được tầm soát nhằm giúp phát hiện sớm và theo dõi các bất thường về tăng trưởng chiều cao trước dậy thì, đặc biệt do thiếu hormone tăng trưởng.
Từ đó, giúp các bậc phụ huynh có hướng điều trị sớm cho con em mình để có thể cải thiện chiều cao cho trẻ, đồng thời giúp trẻ tự tin hơn trong cuộc sống sau này.
Trẻ tham gia tầm soát sẽ được các bác sĩ hỏi về tiền sử lúc sinh, các bệnh lý liên quan, tốc độ tăng trưởng chiều cao trung bình; thăm khám lâm sàng; đo chiều cao và chụp X-quang xương bàn tay miễn phí khi có chỉ định để được đánh giá tuổi xương.
Từ đó, các bác sĩ sẽ tư vấn về vấn đề phát triển chiều cao của trẻ là bình thường hay bất thường. Những trường hợp nghi ngờ chậm tăng trưởng chiều cao sẽ được hướng dẫn các bước tiếp theo để chẩn đoán nguyên nhân.
Quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ được chia thành nhiều giai đoạn. Dù nhanh hay chậm thì giai đoạn tăng trưởng nào cũng quan trọng. Thông thường, từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ.
Nếu chiều cao của bé tăng chậm hơn 4-6cm/năm hoặc chiều cao của bé luôn nằm gần đường cong thấp nhất so với độ tuổi (theo biểu đồ theo dõi chiều cao) nên cho bé thăm khám sớm để tìm nguyên nhân.
Có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm: di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt thể dục thể thao, hormone tăng trưởng (GH)…
Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được. Riêng tỷ lệ thiếu hormone tăng trưởng ước tính chỉ chiếm khoảng 1/4.000 - 1/10.000 trẻ nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em.
Khi thiếu GH, đặc biệt ở lứa tuổi thiếu nhi sẽ làm ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Trẻ thiếu GH sẽ có chiều cao thấp hơn so với tuổi (dưới 2-3 độ lệch chuẩn dựa trên biểu đồ tăng trưởng), tốc độ tăng trưởng chậm (dưới 1,5 SD trong 1 năm hoặc dưới 5 cm/năm).
Trẻ thiếu GH ở thể nhẹ, dù không ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng chiều cao hạn chế (thấp hơn nhiều so với trung bình) có thể khiến trẻ mặc cảm, tự ti cũng như không thể tham gia các hoạt động/công việc có kèm theo yêu cầu về chiều cao. Nếu bé chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu GH thì cần được điều trị kịp thời vì qua tuổi dậy thì, không thể điều trị bổ sung hormone được nữa.
BS.CKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: “Khám và điều trị cho bệnh nhi chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng là một trong những thế mạnh của khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Mặt khác, việc triển khai chương trình tầm soát miễn phí hằng năm cho trẻ cũng góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức về căn bệnh tương đối khó nhận biết này trong cộng đồng.
Để có thể điều trị ngày càng hiệu quả cho nhiều bệnh nhân về mặt nội tiết chuyên sâu nói chung và thiếu hormone tăng trưởng nói riêng, cũng như giúp bệnh nhân có khả năng tiếp cận với các phương pháp điều trị tiên tiến nhất, bệnh viện sẽ đầu tư nhiều hơn nữa về mặt trang thiết bị, kỹ thuật lẫn nâng cao trình độ tay nghề của đội ngũ y bác sĩ.
Ngoài ra, điều trị chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng là một quá trình lâu dài, có thể kéo dài nhiều năm, do đó, các bác sĩ cũng như bệnh viện sẽ cố gắng để đồng hành sát sao cùng bệnh nhân để mang lại kết quả tốt nhất".
Phụ huynh có thể đăng ký bằng cách gọi điện thoại theo hotline 0936 842 665 (từ 8h-17h tất cả các ngày trong tuần) từ ngày 01/07/2020 đến ngày 09/08/2020. Chương trình tầm soát miễn phí sẽ được diễn ra từ 8:00 - 11:00 Thứ Bảy (áp dụng từ 11/7 – 15/08) tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (468 Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5, TP.HCM).