Ngay thời điểm Việt Nam có internet vào năm 1997, thì cũng không ai hình dung được hôm nay người dân sử dụng điện thoại thông minh để tiếp cận thông tin khắp hang cùng ngõ hẻm. Ngược lại, tâm tính của một bộ phận trong cộng đồng lại phơi bày nhiều lệch lạc trớ trêu, thậm chí xuất hiện những tội ác ghê rợn.
Vì sao khát vọng vươn tới văn minh của xã hội lại đang phải hứng chịu không ít tổn thương khó lường? Câu hỏi ấy không thể trả lời trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, cũng không thể tiếp tục thờ ơ né tránh. Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với nhà văn - nhà báo Nguyễn Hồng Lam, một nhân vật cầm bút thường xuyên theo dõi các vụ án lớn nhỏ và từng có cuốn sách “Người của giang hồ” kiến giải thế giới tội phạm!
Nhà văn - nhà báo Nguyễn Hồng Lam. |
Lòng tự trọng thay bằng sự tự hào
Thưa nhà văn - nhà báo Nguyễn Hồng Lam! Nếu ai trong chúng ta cũng cho mình cái quyền được thản nhiên của kẻ vô can, thì những biến động nhức nhối xung quanh sẽ không biết còn tạo thêm hệ lụy gì. Dù lạc quan đến mấy, thì những người có lương tri cũng phải chua chát khi chứng kiến sự bấn loạn về đạo đức. Hai ví dụ xảy ra gần đây ở Hà Nội rất xót xa, kẻ sàm sỡ phụ nữ trong chung cư Mipec Long Biên còn ngang nhiên đuổi đánh nạn nhân, còn ở Đan Phượng có người anh vì tranh chấp ít mét vuông đất giữa hai nhà mà nhẫn tâm chém chết 4 người trong gia đình người em ruột. Tôi có cảm giác cái xấu và cái ác bủa vây chúng ta...
Anh đề cập rất chính xác về sự thờ ơ, đó là việc bên ngoài không can thiệp, tạo khoảng trống cho cái xấu, cái ác lan rộng. Nhưng tôi muốn bổ sung, xã hội ta đã không tạo ra được ý thức kiểm soát, tức cơ chế tự giám sát từ bên trong của mỗi cá nhân. Phần kém cỏi của ý thức, nhận thức, theo tôi mới là nguyên nhân chính thúc đẩy cái xấu, cái ác nảy sinh. Nếu có ý thức kiềm chế, ham muốn xấu xa bột phát sẽ bị trì níu lại. Đa số con người làm chuyện xấu, chuyện ác đều nghĩ rằng hành vi của mình sẽ không bị phát giác và trừng trị.
Thịnh suy của xã hội không thể không nhìn vào giáo dục. Ngay thềm năm học mới 2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu: “Vẫn còn một bộ phận học sinh có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống, gây ra một số vụ việc khiến xã hội lo ngại, bức xúc. Nguyên nhân có nhiều, nhưng phải kể đến là môi trường học đường bị lây nhiễm bởi tệ nạn xã hội, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý sa sút đạo đức nhà giáo, thiếu sát sao tư vấn tâm lý cho học sinh. Các thầy cô còn coi nặng về "dạy chữ" mà chưa quan tâm đúng mức đến "dạy người". Nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học môn đạo đức còn nặng lý thuyết, thiếu tính nêu gương”. Ơ hay, tiêu chí “tiên học lễ, hậu học văn” đã có từ lâu, không lẽ chỉ tồn tại như khẩu hiệu?
Hàng chục năm nay, chúng ta vẫn loay hoay cải cách đủ kiểu nhưng lại quên mất chuyện xác định một triết lý giáo dục và đúng đắn. Rõ hơn, chúng ta không có triết lý giáo dục. Mơ hồ triết lý thì phát triển vô nguyên tắc, dẫn đến sai phương pháp. Thay vì dạy lòng tự trọng để học sinh trưởng thành vững chắc, tự kiểm soát, tự giáo dục mình, nền giáo dục chúng ta nhồi cho học sinh rất nhiều những khẩu hiệu mơ hồ về niềm tự hào. Chúng ta không giáo dục con em phấn đấu, chúng ta đòi sự thi đua, thực chất là ganh đua. Học sinh do đó không phát huy được năng lực vượt trội của mỗi em, chỉ nhăm nhắm tìm cách để thắng, hơn người khác, kể cả bằng những cách không chính đáng. Bệnh thành tích thực chất là thay tự trọng bằng tự hào.
Ảnh minh họa. |
Một nền giáo dục như thế không dạy phẩm giá “làm người”, chỉ dạy ý thức “ăn người”. Thay vì tìm phương pháp tối ưu để giải quyết các vấn đề, con người đi ra từ một nền giáo dục như thế sẽ tìm chiêu trò, thủ đoạn, miễn sao thủ lợi hơn người khác là được. Khi càng hiếu thắng, người ta sẽ càng gian dối và tàn nhẫn.
Giữa xu hướng vật chất lên ngôi, thật khó để mong muốn giáo dục như một ốc đảo bình yên trong dòng chảy đua chen kiếm tiền. Thế nhưng, giáo dục không thể hô khẩu hiệu suông và dạy cho người ta những chiêu trò hơn thua, nhỏ thì ganh đua từng điểm số, lớn thì mưu mẹo kiểu dân văn phòng. Dạy “làm người” mới khó, chứ dạy “ăn người” thì quá dễ!
Bậc thầy võ thuật Lý Tiểu Long từng nói: “Khi mới học võ, tôi thấy quyền là quyền, cước là cước. Sau này học nhiều, tôi thấy quyền không chỉ là quyền, cước không phải là cước. Bây giờ, với tôi đơn giản quyền chỉ là quyền, cước chỉ là cước”. Có thể hiểu, khi đạt trình độ thượng thừa, bậc cao nhân chỉ giữ lại tư duy ý niệm, vượt qua luôn giai đoạn tư duy khái niệm của người am hiểu sâu chuyên môn, có thể tư duy vấn đề một cách khoa học bằng khái niệm.
Phần “làm người” cũng vậy thôi. Trong mọi quan hệ, chúng ta vẫn hành xử bằng bản năng, theo cảm tính tự nhiên, điều chỉnh bằng kỹ năng - hiểu biết thông qua giáo dục và rèn luyện. Bản năng có thể tốt, có thể xấu. Nó không có cao thấp, chỉ có phù hợp hay không mà thôi. Dạy “làm người”, sản phẩm hoàn hảo là con người có thể tự sử dụng kỹ năng nhuần nhuyễn như bản năng. Dạy “ăn người”, chúng ta sẽ có những cỗ máy vô tri, biến bản năng thành kỹ năng giải quyết mọi quan hệ.
Bỏ giá trị để chạy theo giá cả
Giáo dục cứ hứng thú với các báo cáo thành tích, nên quan hệ gắn kết giữa nhà trường và gia đình không còn chung mục tiêu vun đắp nhân cách cho học sinh. Và ngay cấu trúc gia đình Việt cũng đã lỏng lẻo dần. Không từ bệ phóng nhà trường - gia đình, thì con người phóng theo danh vọng. Hàng hiệu và siêu xe trở thành đích đến của mọi hành động. Và tôi có cảm giác rằng, nhiều người đang tin có thể xây dựng đẳng cấp cá nhân từ mốt quần áo hoặc mùi nước hoa. Giá trị con người được quyết định bằng giá cả hàng hóa thì đáng ái ngại quá!
Theo tôi, gia đình mới là cái gốc của giáo dục. Gia đình Việt đang bỏ truyền thống chạy theo khuynh hướng “ăn người”. Phụ huynh hướng con em theo mục tiêu hơn thiên hạ mà họ muốn. Họ lờ đi, không cần biết đến cả năng lực lẫn giới hạn của con em mình, chỉ tìm cách đạt kỳ vọng bằng mọi giá, kể cả đẩy con em vào gian dối, chà đạp người khác để vượt lên.
Vì mục tiêu lợi nhuận, ngôn ngữ và hình ảnh quảng cáo đã không ngần ngại khai thác tối đa tâm lý xã hội này. Nó khiến nhân phẩm trở nên rẻ rúng. Mọi thành công, thành đạt đều quy về giá cả vật chất. Làm bại hoại đạo đức bằng cách lấy giá cả thay giá trị, là vấn nạn của xã hội tiêu thụ đã được đề cập từ rất lâu.
Đáng tiếc, với tuổi trẻ, các em khó nhận ra điều đó. Quảng cáo nào cũng hào nhoáng, lộng lẫy với toàn ngôi sao, trai thanh gái lịch có sức thu hút, hấp dẫn, đáng tin cậy và mơ ước hơn nhiều.
Hình mang tính minh họa. |
Câu chuyện cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, ông Nguyễn Bắc Son khai rằng đã nhận hối lộ 3 triệu USD từ thương vụ MobiFone rồi đưa cho con gái mình số tiền ấy nhưng con gái phủ nhận hoàn toàn, khiến tôi giật mình. Đồng tiền dễ đến trên tay luôn làm con người tha hóa. Mà đồng tiền bất chính lại có những lắt léo khác nữa. Đồng tiền có thể mua biệt thự, và đồng tiền cũng có thể mua bằng cấp, mua chức vụ, song đồng tiền không thể mua hạnh phúc. Sự tôn nghiêm của một người cha, sự hiếu thuận của một người con, khi bị đồng tiền lem luốc chen vào thì bẽ bàng thay...
Nếu nhìn sự băng hoại từ chủ thể nhỏ nhất là cá nhân từng con người, rất có thể nguyên nhân dẫn đến phạm tội có thể là nỗi... cô đơn. Con người ai cũng có nhu cầu định vị, thể hiện giá trị, vai trò của mình. Nhìn vào tháp nhu cầu Maslow đi. Nhu cầu về tự thể hiện bản thân cường độ cao (self - actualization) - muốn sáng tạo, được thể hiện khả năng, thể hiện bản thân, trình diễn mình, có được và được công nhận là thành đạt nằm ở tầng cao nhất. Ngay dưới nó là nhu cầu esteem - cần có cảm giác được tôn trọng, kính mến, được tin tưởng. Còn nhu cầu thể lý (physiological) - thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, tình dục, bài tiết, thở, nghỉ ngơi... tức câu chuyện vật chất hữu hình thì ở đáy thấp nhất, ít tác động về mặt cảm xúc nhất. Việc tha hóa, dẫn đến phạm tội, như tôi đã nói, lại chủ yếu xuất phát từ cảm xúc.
Anh có nhớ câu chuyện về tay trùm giang hồ - tội phạm Tin Pales (Phạm Chí Tin) cách đây hơn 20 năm không? Bố mẹ Tin đều là đại sứ ở nhiều nước. Ngày anh ta sinh tại Miến Điện, Bác Hồ và Tổng thống Miến Điện U Nu vào tận bệnh viện Yangoon thăm.
Ông Tổng thống gọi anh ta là Coco Tin, nghĩ là “cậu bé thiên thần”, vậy nên mới có tên Phạm Chí Tin. Chị ruột là Tổng giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước, anh ruột là kiến trúc sư thành đạt, em ruột hiện đang là đại sứ, Thứ trưởng một bộ quan trọng... Còn Phạm Chí Tin thì thành trùm giang hồ. Sao vậy? Là vì khi Tin đến tuổi đi học, theo trường sơ tán thì bố mẹ đều công tác ở nước ngoài, không có điều kiện đến thăm. Trong khi đó, con em gia đình khác cuối tuần đều có bố mẹ đến đón, cho quà…
Dĩ nhiên, thầy cô giáo cũng sẽ quan tâm, hỏi thăm em ấy nhiều hơn. Không ai chú ý đến Tin cả. Để thu hút sự quan tâm, cậu bé bày ra đủ trò phá phách, đập lộn, sẵn sàng chấp nhận bị bẹo tai, kỷ luật (cũng là một cách chú ý đấy). Đánh nhau với trẻ con vùng sơ tán, Tin không chạy. Trong lớp nội trú, Tin can thiệp, giải quyết mọi bất đồng, xích mích, sẵn sàng thách thức bất kỳ ai không phục... Lâu dần, Tin là đại ca, là kẻ cầm đầu.
Từ trường học ra cuộc đời, từ tuổi thơ đến trưởng thành, lỗi lớn dần thành tội. Và cậu bé con nhà danh giá ấy trở thành một trùm giang hồ, đảo lộn mọi luân thường đạo lý gia đình, bất chấp mọi quy định của luật pháp. Nhưng nếu gặp anh và tôi, chắc chắn Tin vẫn cho rằng mình là người hướng thượng và hướng thiện.
Háo danh che mờ chính danh
Từ ngày hội nhập, có quá nhiều thứ cao sang xuất hiện với hình thức lấn át nội dung. Chưa cần nói đến tiêu chuẩn “mong manh áo vải hồn muôn trượng”, mà cái lý lẽ “đói cho sạch, rách cho thơm” cũng bị xô ngã một cách mỉa mai. Người ta thèm khát sự xưng tụng mọi lúc mọi nơi. Lòe nhau bằng học vị, lòe nhau bằng danh hiệu… như một trò hề không cần sân khấu. Thầy không ra thầy, thì trò làm sao ra trò! Cấp trên không ra cấp trên, thì cấp dưới làm sao chịu lễ độ cấp trên!
Người tự trọng, người ta khẳng định giá trị bằng chính danh, giúp ích và làm đẹp cho đời. Kẻ háo danh kiêu ngạo, người ta chạy theo hư danh bằng mọi giá. Mua danh, bán danh, chạy chức, chạy danh hiệu, kèn cựa, thủ đoạn... từ đó mà ra. Đó chính là mầm tội phạm. Người tìm danh thơm thì lặng lẽ, kẻ đua danh tham thì ồn ào. Thùng rỗng kêu to là thế.
Hình mang tính minh họa. |
Người xưa từng đề cao “sự uy nghiêm của chính nghĩa”. Còn hiện tại, chúng ta phải đề cao “sự đàng hoàng của chính danh”. Hoa giả, răng giả hoặc ngực giả, mũi giả còn có ích, chứ danh giả thì thảm hại lắm. Những kiểu nhân danh phải bị hạn chế và bị triệt tiêu, mới mong có chỗ cho sự tử tế!
Tôi không thích Khổng giáo, nhưng tôi thừa nhận giá trị học thuyết chính danh của Khổng Tử. Toàn bộ Nho giáo, chỉ mỗi cái xương sống “chính danh” là đáng học, đáng nghiên cứu. Không giữ chính danh thì loạn.
Xuất hiện giang hồ mạng
Thực trạng nhiễu nhương của xã hội, không thể không nhắc đến sự ảnh hưởng của truyền thông. Trong cuộc sống không ai dạy dỗ cho trẻ em về những điều cơ bản như tính mạng con người là quý nhất, tự do người này không được phép ảnh hưởng tự do người khác, và con người phải biết tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình… Cho nên trên mạng xã hội mới có những thần tượng quái dị như Khá Bảnh. Anh từng viết “Người của giang hồ”, chắc anh cũng lường được tác hại của giang hồ mạng…
Cá nhân trên mạng xã hội rất ít khi phải chịu trách nhiệm bản thân về những gì họ đưa lên, hoặc chịu rất ít. Đơn giản, mạng là môi trường ít bị kiểm soát nhất cho nên phần tự kiểm soát, tự chủ càng kém. Nhưng tốc độ lan truyền của nó lại nhanh, rộng khủng khiếp. Giang hồ mạng - những kẻ khuynh đảo bằng fake news, truyền bá thông tin sai trái, lệch lạc - vì thế đã có đất sống và tác oai tác quái mà ít lo phải trả giá. Nó càng tác động phá hoại xã hội kinh khủng hơn so với giang hồ đời thường.
Một vấn nạn mà chúng ta đang đối mặt là tin tức giả. Một đám đông lấy tin tức giả để lấp đầy ký ức thật, thì nhận thức cũng bị tác động tiêu cực. Thú thật, tôi thấy lo lắng về nhiều KOL vừa hình thành trên mạng xã hội. KOL viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Key opinion leader", tức "người dẫn dắt dư luận chủ chốt” nhưng chính họ lại tạo ra tai ương cho dư luận…
KOL, hoặc những người tự xem mình là KOL, thật ra đều chạy theo hư danh nhiều hơn thực tâm muốn đóng góp. Để thành một KOL, thông tin đưa ra phải nhanh, nóng, lạ, sâu, riêng có... Những tiêu chí đó, nếu không phải một KOL đích thực nhờ năng lực, trí tuệ, sự đóng góp, kẻ háo danh vẫn có thể tạo ra được bằng tin tức giả.
Giang hồ mạng Khá "bảnh". |
Ngày 10/6/2018, một KOL hàng đầu cho đăng một bức ảnh cảnh sát cơ động xếp hàng lên máy bay, kèm tin: “Bộ Công an điều 20.000 cảnh sát cơ động từ Hà Nội vào Bình Thuận”. Sau 15 phút, tin này đã có hàng ngàn lượt like, hàng trăm lượt share, tạo một không khí rúng động, lo sợ một cuộc đàn áp trên diện rộng. Ngay khi đó, tôi đã điện thoại quyết liệt phản đối và dùng đủ áp lực để KOL này gỡ tin ngay, bởi chắc chắn nó là tin giả, tin sai. Đúng là có tăng cường cảnh sát cơ động, song con số đã bị phóng đại ít nhất 100 lần. Toàn bộ cảnh sát cơ động toàn quốc cũng không đạt 1/2 con số đó.
Hình thành tâm lý luôn xem mình là nạn nhân
Nhiều người đổ lỗi cho kinh tế thị trường làm thui chột nhân tính người Việt. Tôi e rằng chưa chính xác. Nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới đã có nền kinh tế thị trường từ lâu, nhưng họ vẫn gìn giữ được kỷ cương nhất định. Một xã hội mà chúng ta quan niệm “điều gì cũng có thể xảy ra”, nghĩa là xã hội ấy đã lung lay gốc rễ đạo đức. Thật khó hiểu, một vụ va quệt xe khi giao thông cũng biến thành một trận ẩu đả, một yêu cầu ít hợp lý khi không được đáp ứng cũng bùng nổ một màn văng tục náo loạn sân bay. Và điều mà anh và tôi không khó để nhận ra là những kẻ phạm tội luôn phân bua mình là nạn nhân.
Trường hợp thảm sát 4 người trong gia đình em ruột, diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật. Kẻ thủ ác chủ động ra tay với mục đích phạm tội nung nấu sẵn, cũng như biết rõ là sẽ bị trừng phạt ở mức cao nhất. Nhưng vẫn làm, vì anh ta luôn tự đặt mình vào vị trí nạn nhân, xem đó như cách đòi lại những thua thiệt.
Xác định sai vị thế sẽ khiến con người mất tự chủ, tức mất sự kiểm soát từ bên trong. Đó là khi cảm xúc lấn át hoàn toàn nhận thức. Thật không may, tình trạng này, trong xã hội nhiều lo toan, bức bối, nhiều tranh chấp này lại khá phổ biến. Chúng ta luôn thấy những kẻ ra tay thảm sát đều phạm tội lần đầu, đều vốn hiền lành, thậm chí hay nhường nhịn trong quan hệ với người xung quanh. Đó là nghịch lý phải soi xét. Những người càng yếu đuối, càng nhẫn nhịn, càng dễ tự xác định cho mình vị thế nạn nhân của người khác, của xã hội, của cuộc đời... Tích tụ năm này qua tháng khác, khi họ đã quyết “bùng nổ” thì hành vi sẽ vô cùng cực đoan.
Nói cách khác, xác định sai vị thế là một dạng lệch lạc cảm xúc nằm ngoài sự kiềm chế của lý trí. Ngay khi hung thủ vung nhát dao đầu tiên, toàn bộ sự tự kiểm soát coi đã như hoàn toàn biến mất. Khi đó thì không gì có thể ngăn chặn người ta làm điều cực kỳ tàn ác nữa.
Hiện trường vụ thảm sát 4 người trong gia đình em ruột. |
Về mặt xã hội học, thì chúng ta chấp nhận tính chính xác của thuật ngữ “sự chuyển dời áp bức”. Cuộc sống căng thẳng vì vẫn còn không ít nhũng nhiêu, khuất tất và bất công. Thế nhưng, không thể kiến thiết cộng đồng tiến bộ dựa vào sự trả đũa lẫn nhau, lấy cái xấu nọ ứng phó cái xấu kia, lấy cái ác nọ xử lý cái ác kia, lấy cái đê hèn nọ che đậy cái đê hèn kia… Mới đây, trong phiên làm việc với Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết tội phạm dâm ô trẻ em tăng 47%, tội phạm giao cấu với trẻ em tăng 21%, tội phạm hủy hoại tài sản người khác tăng 16%, còn tội phạm cưỡng đoạt tài sản người khác tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018. Phải chăng, đã đến lúc phải tăng cường hệ thống pháp luật để uốn nắn những hành vi lệch lạc gây tổn thương cho xã hội…
Khi con người đã xác định sai vị thế, tự coi mình là nạn nhân, họ có xu hướng muốn “đòi lại công bằng” cho bản thân. Khi đó, ý muốn của họ sẽ mạnh hơn ràng buộc luật pháp. Họ sẽ tự cho mình quyền “thực thi luật pháp”. Và họ phạm tội. Tội ác sẽ đi đến tận cùng, khi mà kẻ phạm tội đã xác định rõ là bản thân sẽ không còn cơ hội được luật pháp dung tha. Họ đã sẵn sàng tự giết mình thì tất nhiên sẽ không còn xúc cảm tôn trọng, cảm thông với ai khác.
Như đã nói từ đầu, mất tự chủ thì dễ phạm tội. Tự chủ cá nhân phải được xây dựng bằng tự chủ xã hội. Không cách nào khác, chúng ta phải xây dựng được một căn bản pháp trị vững chắc làm cơ chế giám sát, điều chỉnh xã hội hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!