| Hotline: 0983.970.780

Khó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay?

Thứ Hai 17/06/2024 , 10:51 (GMT+7)

Tốc độ tăng trưởng tín dụng tháng 5/2024 đã tích cực hơn. Tuy nhiên, xét bối cảnh chung, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024 vẫn khá khó khăn.

Tín dụng mới tăng 2,41%

Theo cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 5, tín dụng toàn nền kinh tế mới chỉ tăng 2,41% so với cuối năm 2023 (tương đương với mức tăng 12,8% so với cùng kỳ). Dư nợ tín dụng theo đó đã tăng thêm gần 327 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến ngày báo cáo.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại Hội nghiên cứu Thị trường Liên ngân hàng Việt Nam (VIRA), tín dụng tăng ở mức độ trên là phù hợp với nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, tín dụng cũng đang phục hồi rõ rệt, tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Nếu tính 2 tháng đầu năm, tín dụng chỉ tăng 0,02%, thì hiện đã tăng 2,41%.

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, văn bản để hỗ trợ thúc đẩy tín dụng. Điển hình, Ngân hàng Nhà nước đã ra Văn bản số 10167/NHNN-CSTT ngày 31/12/2023 giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm, là cơ sở để các ngân hàng chủ động thiết lập kế hoạch kinh doanh dài hạn và linh hoạt hơn.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 05/03/2024 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024 và chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 nhằm định hướng triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/04/2024 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, giúp các doanh nghiệp giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ và nợ xấu khi được cơ cấu lại và không phải chuyển nhóm nợ, đồng thời tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới (do được giữ nguyên nhóm nợ), giúp doanh nghiệp, bên vay có nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh và đầu tư; đồng thời góp phần giúp các tổ chức tín dụng bớt áp lực trích lập dự phòng rủi ro.

Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 06/2024, tuy nhiên, để có thêm thời gian giúp các doanh nghiệp trả nợ và các ngân hàng trích lập dự phòng đầy đủ, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để gia hạn thông tư này đến hết 31/12/2024.

Mới đây, ngày 29/05/2024, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản số 4462/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất. Trong đó, Nhà điều hành đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất cho vay từ 1-2% nhờ vào việc tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay; đồng thời, tập trung tín dụng hướng tới các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Trên thực tế, các ngân hàng không chỉ giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, mà còn tích cực tung ra nhiều gói vay ưu đãi đối với các nhóm doanh nghiệp khác nhau, mở rộng cơ hội tiếp cận vốn. Đồng thời, các ngân hàng cũng rút ngắn thủ tục, giới thiệu các tính năng mới như giải ngân và phát hành bảo lãnh online, ... để thúc đẩy tín dụng.

Khó hoàn thành mục tiêu

Tuy nhiên, có thể thấy, con số giải ngân tín dụng 327 nghìn tỷ đồng trong gần 5 tháng vẫn khá xa so với mục tiêu khoảng 2 triệu tỷ đồng dự kiến sẽ được đưa vào nền kinh tế trong năm 2024. Đồng thời, các chuyên gia nhận định, mục tiêu trong nửa đầu năm tín dụng tăng trưởng 5-6%, nghĩa là chỉ còn hơn 1 tháng để tín dụng tăng thêm hơn 3%, là rất khó khả thi.

Theo đó, khả năng đạt mục tiêu cả năm cũng rất khó khăn, do kinh tế đang phục hồi chậm, cầu vốn tín dụng chưa cao, sức mua trên thị trường còn yếu, doanh nghiệp chưa mặn mà sử dụng vốn vay mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Tỷ lệ nợ xấu/cho vay của các ngân hàng hết quý I/2024. Tổng hợp: Hà My.

Tỷ lệ nợ xấu/cho vay của các ngân hàng hết quý I/2024. Tổng hợp: Hà My.

Trong khi đó, tâm lý chung của các tổ chức tín dụng là vẫn phải rất thận trọng, đảm bảo an toàn cho từng khoản vay. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang trên đà tăng nhanh, vượt ngưỡng quy định, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại có xu hướng giảm xuống sâu dưới ngưỡng 100%, cho thấy các ngân hàng phải chịu áp lực tăng trích lập dự phòng để bù đắp cho chỉ số an toàn tài chính đang có dấu hiệu sụt giảm.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng cuối quý I/2024. Tổng hợp: Hà My.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng cuối quý I/2024. Tổng hợp: Hà My.

Về lãi suất, thời gian tới, chuyên gia cho rằng, lãi suất tiền gửi trên thị trường sẽ đi ngang hoặc có thể tăng nhẹ ở một số thời điểm khi cầu vốn tăng cao. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cho biết sẽ cố gắng ổn định lãi suất cho vay để thu hút doanh nghiệp.

Trong báo cáo mới công bố, các chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán VCBS dự báo, nhu cầu tín dụng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024 khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp giúp thúc đẩy nhu cầu vay và nền kinh tế hồi phục. Theo đó tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 ước đạt 12 – 13%, thấp hơn con số tăng trưởng mục tiêu.

Động lực tăng trưởng tín dụng sẽ đến từ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm - có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.

Song song đó, thị trường bất động sản hồi phục rõ nét hơn từ nửa sau của năm 2024 kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, cho vay mua nhà.

Xem thêm
Hoa Kỳ mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm thịt sang Trung Á

Do thương mại với Trung Quốc giảm sút, Hoa Kỳ đang tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường thương mại thịt bò và gia cầm ở Trung Á.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bảo hiểm Bảo Việt: 60 năm cùng khách hàng tạo lập cuộc sống bình an, thịnh vượng

Một chặng đường dài với những cống hiến miệt mài đã thực sự tạo nên những điểm chạm rung cảm, giúp Bảo hiểm Bảo Việt từng bước chinh phục trái tim khách hàng.

Bất động sản hàng hiệu đang có tiềm năng phát triển rất lớn

Bất động sản hàng hiệu (branded residences) đang có tiềm năng phát triển rất lớn, nhờ 'cú bắt tay' giữa chủ đầu tư Việt Nam với các thương hiệu danh tiếng hàng đầu thế giới.