| Hotline: 0983.970.780

Lâm Đồng phấn đấu trở thành trung tâm nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao

Chủ Nhật 23/06/2024 , 15:15 (GMT+7)

Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, hiện đại, hiệu quả cao, hữu cơ, hướng đến hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (thứ 2 bên trái) trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: VL.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (thứ 2 bên trái) trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: VL.

Ngày 23/6, tại TP Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/12/2023 với mục tiêu đến năm 2030 Lâm Đồng sẽ phát triển trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; Xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao mang tầm khu vực Đông Nam Á và là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, Lâm Đồng sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ. Phát triển công nghiệp chế biến là động lực, phát triển du lịch là đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao.

Trong giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung phát triển 3 ngành kinh tế quan trọng gồm ngành nông, lâm, thủy sản; ngành dịch vụ và ngành công nghiệp - xây dựng.
Song song đó, các ngành Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; Giáo dục và đào tạo; Khoa học và công nghệ; Dạy nghề và an sinh xã hội; Văn hóa và thể thao; Quốc phòng, an ninh cũng sẽ được tập trung đầu tư.

Đồng thời, tập trung hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối, tăng cường liên kết với các tỉnh trong khu vực; Xây dựng hệ thống đô thị bền vững; Hình thành các tổ hợp về du lịch, dịch vụ và công nghiệp; Phát triển du lịch chất lượng cao, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, tài nguyên thiên nhiên và liên kết vùng.

Mục tiêu đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.

Về thực hiện quy hoạch, Phó Thủ tướng yêu cầu Lâm Đồng cần thực hiện tốt 8 chữ 'tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu'. Ảnh: VL.

Về thực hiện quy hoạch, Phó Thủ tướng yêu cầu Lâm Đồng cần thực hiện tốt 8 chữ “tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu”. Ảnh: VL.

Về quy hoạch hệ thống đô thị, định hướng phát triển các đô thị gắn với động lực của từng vùng theo hướng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đảm bảo kết nối giữa các đô thị trong tỉnh với các đô thị trong vùng. Gắn phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu đến năm 2030, hệ thống đô thị của tỉnh gồm 17 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V. 

Tầm nhìn đến năm 2050, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm 3 quận (Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng), 3 thị xã, 3 huyện. 

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trao giấy chứng nhận đầu tư và bản ghi nhớ đầu tư cho doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: VL.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trao giấy chứng nhận đầu tư và bản ghi nhớ đầu tư cho doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: VL.

Tại lễ công bố, ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, để thực hiện thành công các mục tiêu Quy hoạch tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; Quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trong đó, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. 

“Tỉnh đặt mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, hiện đại, hiệu quả cao, hữu cơ, hướng đến hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn; Trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế. Phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, logistics dựa trên nền tảng số, chất lượng cao và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ. Ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm; Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản…”, ông Võ Ngọc Hiệp cho hay.

Ông Võ Ngọc Hiệp cũng cho biết thêm, Lâm Đồng sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật cho phép để các doanh nghiệp thực hiện thành công các dự án đầu trên địa bàn tỉnh và phát triển thịnh vượng.

Đặc biệt, trong thời gian tới tỉnh Lâm Đồng sẽ ưu tiên 227 dự án gồm các lĩnh vực giao thông vận tải; công nghiệp; văn hóa, thể thao và du lịch; giáo dục và đào tạo; thương mại, dịch vụ; khu dân cư, khu đô thị; nông nghiệp; bảo vệ môi trường; khai thác khoáng sản và khối hành chính.

Quy hoạch Lâm Đồng 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đóng vai trò nền tảng cho các quy hoạch chi tiết khác trên địa bàn tỉnh, bao gồm quy hoạch đô thị, nông thôn, sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành. Trong đó, UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm chính trong việc thực hiện quy hoạch này.

Xem thêm
AgroViet 2024 - Cầu nối mở rộng thương mại nông sản

Ngày 20/11, Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 được khai mạc tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Hà Nội).

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.