Báo động qua những con số
Đầu năm 2022, qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện vụ phá rừng nghiêm trọng tại hai thôn Phiêng Lằm và Bản Nhài, xã Bản Thi (huyện Chợ Đồn), 122 cây gỗ bị chặt hạ trái phép, khối lượng hơn 31m3. Diện tích rừng bị chặt phá chủ yếu là rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng phòng hộ do Khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Nam Xuân Lạc quản lý. Cây bị chặt là gỗ rừng tự nhiên có đường kính từ 30 - 60 cm. Lực lượng chức năng đã xác định được 5 đối tượng phá rừng. Đây chỉ là một trong hàng trăm vụ phá rừng tự nhiên xảy ra tại tỉnh Bắc Kạn trong thời gian gần đây.
Xã Đồng Lạc (huyện Chợ Đồn) có hơn 3.600ha đất tự nhiên, nhưng có tới hơn 1000ha đất rừng. Vài năm gần đây, tình trạng phá rừng tự nhiên diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn xã đã xảy ra 22 vụ phá rừng trái phép, số vụ vi phạm tăng cao so với cùng kỳ những năm trước.
Anh Triệu Xuân Sướng, thôn Nà Pha, xã Đồng Lạc tâm sự: Dù biết là sai, nhưng do gia đình muốn có đất trồng rừng nên đã phát, phá hơn 3000m2 rừng tự nhiên, bị xử phạt hơn 100.000.000đ. Khu rừng bị phá là đất đã cấp cho gia đình quản lý, trước đây gia đình dùng để trồng ngô, nhưng từ năm 2018 không làm nữa, do bỏ hoang nhiều năm nên cây rừng mọc lại, chủ yếu cây có đường kính từ 10cm – 20cm. Đầu năm 2022, gia đình chặt những cây này và lau bụi để trồng cây mỡ nên vi phạm và bị phạt.
Chủ tịch UBND xã Đồng Lạc (huyện Chợ Đồn), ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Kiểm lâm huyện phối hợp với chính quyền xã đã đi tuyên truyền đến tất cả các thôn, bản yêu cầu người dân ký cam kết không phát, phá rừng tự nhiên. Tuy nhiên, do lợi nhuận từ trồng rừng cao, người dân lại thiếu đất sản xuất nên tình hình phá rừng tự nhiên tại địa phương khá phức tạp.
Phá rừng để lấy đất sản xuất
Theo thống kê, 9 tháng của 2022, tỉnh Bắc Kạn xảy ra 338 vụ phá rừng trái phép (tăng 125 vụ so với cùng kỳ năm 2021), diện tích rừng bị thiệt hại hơn 89ha, tịch thu 548m3 gỗ các loại. Diện tích bị chặt phá chủ yếu là rừng phòng hộ gần 11ha, rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất 78,5ha.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn) thông tin: Các vụ phá rừng đa số có quy mô nhỏ, chủ yếu là rừng có trữ lượng thấp, không hình thành các điểm nóng về phá rừng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng số vụ vi phạm gia tăng là do người dân phá rừng lấy đất sản xuất, chiếm đến 80% số vụ vi phạm.
Hiện nay, do lợi nhuận từ trồng rừng cao nên nhu cầu về đất sản xuất của người dân tỉnh Bắc Kạn rất lớn. Trong khi đó, diện tích đất quy hoạch là đất lâm nghiệp của tỉnh chiếm đến 80% diện tích tự nhiên, diện tích rừng tự nhiên chiếm hơn 73% tổng diện tích rừng, độ che phủ rừng 73,4%, cao nhất cả nước. Hầu hết ở vùng nông thôn, người dân sống ngay cạnh rừng. Do đó, việc kiểm tra, xử lý các hành vi phá rừng tự nhiên của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.