| Hotline: 0983.970.780

Khúc mắc xử lý vụ phá rừng để trồng rừng ở Bắc Kạn

Thứ Sáu 07/10/2022 , 19:37 (GMT+7)

Dù tình trạng phát, phá rừng tự nhiên tại tỉnh Bắc Kạn diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng để xử lý vi phạm là không phải chuyện đơn giản.

Người thiếu đất sản xuất

Gia đình anh Hoàng Văn Sư ở thôn Nà Pha, xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn có 3 nhân khẩu, ngoài 2 vợ chồng, anh còn mẹ già bị bệnh nặng. Gia đình chỉ có 800m2 đất ruộng nên không đủ ăn, nhiều năm qua là hộ nghèo. Ruộng ít cả nhà anh Sư trông chờ vào hơn 1.000m2 đất rừng. Dù ở ngay gần nhà, nhưng rừng của gia đình là rừng tự nhiên nên khi phát, phá đã vi phạm pháp luật. Gia đình anh Sư bị phạt 20 triệu đồng, nhưng do gia cảnh khốn khó, đến nay vẫn chưa có tiền để nộp phạt. 

Anh Sư cho biết: Tài sản gia đình không có gì đáng giá, cơ quan chức năng cũng đã xuống xác minh, đôn đốc nhưng gia đình quá khó khăn không có tiền nộp phạt. Gia đình cũng biết việc phát, phá vào rừng tự nhiên là vi phạm, nhưng không có đất sản xuất nên “túng quá làm liều”.

10.1

Bị xử phạt 20.000.000 đồng, đến nay anh Hoàng Văn Sư chưa có tiền nộp. Ảnh Ngọc Tú.

Ông Ma Ngọc Tuyền, Chủ tịch UBND xã Phương Viên (huyện Chợ Đồn) cho biết: Việc xử phạt là rất cần thiết để tăng tính răn đe, nhưng có nhiều vụ vi phạm, gia đình thuộc diện hộ nghèo, thu nhập bấp bênh, thiếu đói, hàng năm cần nhà nước trợ cấp thì việc nộp phạt gần như là không thể.

Khó xử lý vi phạm

Theo thống kê từ Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 338 vụ phá rừng trái phép (tăng 125 vụ so với cùng kỳ năm 2021). Tổng số tiền xử phạt hành chính liên quan đến các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp là 6.887 triệu đồng, nhưng mới thu nộp ngân sách nhà nước được hơn 1.818 triệu đồng.

11.2

Nhiều vụ phá rừng tự nhiên bị xử phạt hàng trăm triệu đồng. Trong ảnh một vụ phá rừng tự nhiên tại xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn. ảnh Ngọc Tú.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn) cho biết: Hiện nay, số tiền phạt hành vi phá rừng tự nhiên rất cao, nhưng hầu hết các đối tượng vi phạm cuộc sống còn nhiều khó khăn, chủ yếu hộ nghèo, cận nghèo nên không có đủ khả năng để nộp phạt. Qua xác minh, nhiều hộ vi phạm không có tài sản gì đáng giá nên không thể xử lý, điều này dẫn đến tính răn đe chưa cao.

Trong khi đó, để trồng rừng người dân cần diện tích khá lớn, nên hầu hết các vụ phá rừng tự nhiên thường có diện tích từ 1000m2 trở lên, cá biệt có trường hợp phá trên 3000m2. Do đó, số tiền xử phạt khá lớn, đối với họ nghèo khó có khả năng nộp phạt.

12.3

Tại Bắc Kạn, trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao. ảnh Ngọc Tú.

Hiện nay, tại Bắc Kạn trồng rừng đang là hướng phát triển kinh tế cho thu nhập cao, 1ha trồng quế khi thu hoạch có thể cho thu nhập vài trăm triệu đồng, trồng cây keo, mỡ sau 7 đến 10 năm cũng cũng đem lại 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng. Do đó, nhu cầu đất trồng rừng của người dân rất lớn, nên tình trạng phá rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất được dự báo còn diễn biến phức tạp. Điều này đòi hỏi sự quyết liệt trong quản lý, xử lý vi phạm cũng như chính sách phù hợp với đặc thù địa phương.

Theo Nghị định 35/2019/NĐ - CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, hành vi phá rừng sản xuất (trong đó có rừng tự nhiên) có cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng có diện tích dưới 500m2 bị phạt từ 3.000.000 đồng – 7.000.000 đồng; Phạt tiền từ 7.000.000 đồng – 15.000.000 đồng đối với hành vi phá rừng sản xuất có diện tích từ 500m2 – dưới 1000m2… Phạt tiền từ 175.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối hành vi phá rừng sản xuất có diện tích từ 4.500 m2 đến dưới 5.000 m2.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất