| Hotline: 0983.970.780

Khốn khổ vì lục bình

Thứ Sáu 05/04/2024 , 13:59 (GMT+7)

TIỀN GIANG Những cánh đồng lục bình dày đặc trên các tuyến kênh, rạch không được trục vớt thường xuyên gây cản trở lưu thông và khó khăn cho công tác thủy lợi.

Phương tiện thủy khó khăn khi lưu thông qua các tuyến kênh có lục bình dày đặc. Ảnh: Minh Đảm.

Phương tiện thủy khó khăn khi lưu thông qua các tuyến kênh có lục bình dày đặc. Ảnh: Minh Đảm.

Gần đây, người dân ở một số địa phương tại các huyện Tân Phước, Cái Bè, tỉnh Tiền Giang phản ánh tình trạng lục bình sinh sôi dày đặc trên các kênh rạch, gây khó khăn cho lưu thông thủy cũng như cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến công tác thủy lợi. Trong khi đó, chính quyền địa phương chưa có giải pháp hiệu quả để xử lý tình trạng này.

Bức tường lục bình gây khổ sở

Ông Nguyễn Văn Mười cũng như nhiều tài công điều khiển phương tiện thủy cho biết rất khổ sở vì tình trạng cây lục bình xuất hiện dày đặc như là những “bức tường thành” trên các con rạch khi đi ngang địa bàn huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Để lưu thông qua những đoạn nhiều lục bình như thế này phải mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí xăng dầu.

“Lưu thông qua những khúc sông như thế này khó khăn lắm, bởi lục bình bao phủ quá dày đặc, máy chạy xịt khói đen luôn. Nếu dùng thuốc xịt để diệt lục bình thì sau một buổi cây lục bình có héo dần nhưng sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Vì thế, tôi mong muốn chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ chút kinh phí để trục vớt”, ông Mười nói.

Hiện tượng cây lục bình xuất hiện dày đặc trên hầu hết các tuyến kênh rạch thủy lợi ở huyện Tân Phước không phải mới. Trước đây cũng có tình trạng này, các địa phương cũng có tổ chức trục vớt nhưng tốc độ sinh sôi của chúng rất nhanh. Vào mùa khô hạn, để phòng chống xâm nhập mặn, các cống thủy lợi được đóng kín thì mật độ của lục bình dày đặc hơn.

Ở Đồng Tháp Mười, đa số bà con trồng chuyên cây khóm. Đến mùa thu hoạch, do dưới kênh có nhiều lục bình nên không thể dùng ghe chở được, phải vận chuyển bằng đường bộ, dẫn đến chi phí tăng cao do phải qua nhiều công đoạn.

Để lưu thông qua các đoạn kênh có nhiều lục bình, người dân địa phương chế thêm thiết bị rẽ lục bình gắn vào mũi ghe. Ảnh: Minh Đảm.

Để lưu thông qua các đoạn kênh có nhiều lục bình, người dân địa phương chế thêm thiết bị rẽ lục bình gắn vào mũi ghe. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Văn Đạt, một nông dân trồng khóm tại huyện Tân Phước cho biết: “Mấy kênh này lưu thông mà lục bình như vầy không đi được. Mấy năm trước, huyện có tổ chức vớt cây lục bình bằng kobe, còn mấy năm nay thì bỏ luôn, mình phải chịu vậy”.

Không chỉ riêng tại huyện Tân Phước, tại xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè cũng xuất hiện tình trạng này.

Ông Nguyễn Văn Phương, một người dân địa phương cho biết, lục bình đang xuất hiện dày đặc tại các con rạch Kinh Mới đoạn qua tổ 10, tổ 11, tổ 12 ấp Mỹ Hưng A hay tại rạch kinh ngang và rạch Bà Năm ấp Mỹ Hưng C.

Ông nói: "Lục bình xuất hiện dày đặc khiến một số hộ dân địa phương không thể chở trái cây đi bán được".

Chưa có giải pháp hữu hiệu

Thời gian qua, địa phương chưa có công trình, dự án hay giải pháp nào khả thi để xử lý cây lục bình - loại cây bị xem là vấn nạn, cản trở dòng chảy, lưu thông - theo hướng có lợi. Ở một số nơi, một bộ phận người dân kém ý thức đã phun thuốc diệt cây lục bình, gây tác động xấu đến môi trường.

Chủ trương của huyện Tân Phước là đối với các tuyến kênh có mặt ngang trên 6m thì huyện có trách nhiệm trục vớt cây lục bình, còn dưới 6m thì cấp xã trục vớt. Tuy nhiên, một năm qua, huyện Tân Phước chưa tổ chức một đợt nào làm công tác này. Riêng ở cấp xã, nguồn lực, kinh phí khó khăn chưa thể trục vớt hết mà cây lục bình ngày càng sinh sôi nảy nở rất nhanh.

Người dân ở xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè cho biết gặp khó khăn khi lục bình dày đặc trên rạch. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân ở xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè cho biết gặp khó khăn khi lục bình dày đặc trên rạch. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Hồ Tấn Sơn, Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước cho biết: “Trước mắt, địa phương tuyên truyền cho bà con nâng cao nhận thức không dùng hóa chất diệt lục bình. Sau đó, UBND xã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trục vớt cũng như vận động bà con cùng trục vớt cây lục bình, tạo dòng chảy cho ghe tàu lưu thông, bà con mua bán khóm thuận tiện hơn. Xã cũng có đề nghị với UBND huyện vớt tuyến Kênh 500 khoảng 4m, huyện cũng đã tiến hành khảo sát rồi”.

Đặc trưng của ĐBSCL là hệ thống sông, rạch chằng chịt. Thực tế, ở vùng ĐBSCL, không chỉ riêng tại tỉnh Tiền Giang mới có tình trạng lục bình dày đặc trên các tuyến kênh rạch, ở một vài địa phương khác cũng xảy ra tình trạng này.

Những năm gần đây, hệ thống thủy lợi phát triển hơn, các cống đập được xây dựng để ngăn mặn, trữ ngọt nhưng cũng vô tình tạo điều kiện cho loại cây này phát triển. Cùng với đường bộ thì giao thông đường thủy giữ vai trò quan trọng, nhất là phục vụ vận chuyển vật tư, lúa, trái cây sau khi thu hoạch.

Bên cạnh đó, việc khơi thông dòng chảy còn giúp dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Do đó, tình trạng cây lục bình dày đặc ở kênh rạch nơi đây rất cần các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm vào cuộc và có giải pháp xử lý triệt để, thường xuyên hơn.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Rà soát khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để di dời dân

KHÁNH HÒA Các địa phương khẩn trương kiểm tra khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… để chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn.

68 ngày đêm thần tốc thi công khu tái định cư Làng Nủ

Lào Cai tổ chức lễ bàn giao 40 căn nhà mới ở Làng Nủ; 15 căn nhà mới ở Nậm Tông cho 48 hộ dân bị mất nhà do lũ quét, thiên tai.