| Hotline: 0983.970.780

Khó kiềm chế lạm phát chỉ bằng chính sách tiền tệ

Thứ Sáu 15/07/2022 , 17:08 (GMT+7)

Trong bối cảnh tỷ giá VNĐ hiện tương đối ổn định, việc tăng/giảm lãi suất có thể ảnh hưởng đến cán cân thanh toán quốc tế, thặng dư thương mại và xuất nhập khẩu.

Lạm phát có xu hướng toàn cầu

Tại Hội thảo "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán" ngày 15/7, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) Lê Long Giang nhận định, lạm phát là vấn đề nóng nhất hiện nay trên thế giới. Nguyên nhân bởi khủng hoảng tại Ukraine, chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy.

Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) Lê Long Giang phát biểu khai mạc.

Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) Lê Long Giang phát biểu khai mạc.

Nhiều quốc gia phương Tây đang chịu mức lạm phát trên 8%. Tại châu Á, bình quân 5 tháng đầu năm nay, lạm phát của Thái Lan tăng 5,2%; Hàn Quốc tăng 4,3%; Indonesia tăng 2,8%; Malaysia tăng 2,4%; Nhật Bản và Trung Quốc cùng tăng 1,5%.

"Dự báo mức tăng trưởng của kinh tế thế giới 2022 chỉ khoảng 2,9%, giảm một nửa so với mức 6,1% của năm trước. Ngược lại, lạm phát bình quân toàn cầu được dự báo tăng mạnh, ở mức khoảng 6,2%, gần gấp đôi so với 3,8% của 2021", ông Giang nói.

Tại Việt Nam, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,44%. Chủ tịch VFCA cho rằng, đây là thành công của Chính phủ, nhất là khi các mặt hàng thiết yếu trong nước dồi dào, đời sống của người dân được đảm bảo. Dù vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm 2022, theo ông Giang, là khó khăn và còn ít dư địa.

Chung quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV thông tin thêm, rằng lạm phát là một trong 3 chủ đề được EU và G20 thảo luận sắp tới, bên cạnh nợ công và năng lượng.

Đề cập tới mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng, ông Lực cho rằng công tác dự báo "hiện khó thực hiện trong dài hạn" và "chỉ phù hợp trong 1-2 tháng". 3 nguyên nhân được chuyên gia kinh tế này chỉ ra, là: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất; Chi phí đẩy tăng kéo theo chi phí sản xuất tăng; Chính sách Zero Covid của Trung Quốc.

Ba tác động này, cộng thêm giá phân bón, giá lương thực, thực phẩm tăng khoảng 20% khiến dự báo về mức tăng trưởng cả năm 2022 chưa thể chính xác, dù nhiều chỉ số tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2022 đã trở về mức trước dịch Covid-19.

Quang cảnh phiên tọa đàm của Hội thảo 'Lạm phát, lãi suất, chứng khoán'.

Quang cảnh phiên tọa đàm của Hội thảo "Lạm phát, lãi suất, chứng khoán".

Cẩn trọng chiêu bài tăng lãi suất

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, lạm phát hiện đạt đỉnh. Thế giới đang diễn ra cuộc đua tăng lãi suất (ngoại trừ Trung Quốc) nhằm ghìm đà lạm phát. Có 80 lượt tăng lãi suất toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2022.

Cụ thể, các nước phát triển gồm Mỹ và EU có độ tăng lớn nhưng số lần điều chỉnh lãi suất không nhiều. Ngược lại, các nước đang phát triển có số lần tăng nhiều nhưng biên độ tăng chỉ 0,2%/lần.

Chính sách tiền tệ thường là công cụ đầu tiên được sử dụng để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc tăng lãi suất trên phạm vi nhiều nước có thể khiến nền kinh tế thế giới suy thoái nhiều hơn mà chưa chắc cứu được lạm phát.

"Lạm phát hiện nay do đứt gãy chuỗi cung ứng. Tốc độ tăng lãi suất không phải là 'thuốc đặc trị', chưa kể có thể gây ra phản ứng phụ", ông Lực nhận định.

Vị chuyên gia này cũng chỉ ra 4 rủi ro khi tăng lãi suất liên tục là: rủi ro tỷ giá, rủi ro vỡ nợ, rủi ro địa chính trị và rủi ro vỡ nợ. Dù vậy, trong bối cảnh Việt Nam, thị trường luôn có độ trễ so với quốc tế và lạm phát cơ bản tăng thấp, TS. Lực nhận xét, lạm phát nước ta hiện chủ yếu do chi phí đẩy chứ không phải do cung tiền. 

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đồng tình với ý kiến này. Ông nhấn mạnh: "Quan sát nền kinh tế thế giới lúc này, chính sách tiền tệ không giải quyết được vấn đề lạm phát một cách hoàn hảo".

Một trong những điểm được ông Thành chỉ ra, là nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm khác so với kinh tế thế giới, nhất là trong 3 năm gần đây. Hai ví dụ được ông nêu ra, là giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam và nền kinh tế thế giới đi theo hai hướng ngược chiều.

Khi sử dụng chính sách tiền tệ, cụ thể là tăng/giảm lãi suất, tỷ giá đồng nội tệ, cán cân thương mại sẽ bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh tỷ giá VNĐ hiện không quá lớn, cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định, thặng dư thương mại không nhiều, TS. Võ Trí Thành nhận xét việc tăng lãi suất chưa cần thiết.

Xem thêm
Đặt, duy trì hoạt động của cân đối chứng tại các chợ, trung tâm thương mại

Đây là một trong những trách nhiệm của tổ chức quản lý chợ, trung tâm thương mại theo Nghị định số 55/2024/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hỗ trợ sinh kế và 12.000 vịt giống giúp nông dân thoát nghèo

THANH HÓA Ngày 16/5, tại Thường Xuân, Tập đoàn Mavin phối hợp với tổ chức World Vision trao tặng 12.000 vịt giống trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ sinh kế giai đoạn 2022 - 2024.

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ khởi sắc

KHÁNH HÒA Tháo gỡ khó khăn về mặt thể chế sẽ là điều kiện thuận lợi để triển khai phát triển bất động sản, trong đó có bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.