| Hotline: 0983.970.780

Khổ như sống gần trạm BOT, bởi cảnh hỗn loạn và tiếng còi xe inh ỏi

Thứ Năm 18/01/2018 , 09:15 (GMT+7)

Các trạm thu phí BOT vốn là niềm tự hào của ngành GT-VT một thời thì nay thành sự ngáng trở, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần cũng như thu nhập của bà con sống gần đó: Xe máy thì chạy nối đuôi nhau bóp còi, xe lớn thì xếp hàng dài tạo cảnh hỗn loạn...

Ám ảnh tiếng “còi”

Bà Trần Thị Kim Liên ngụ phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên (An Giang), chủ quán cà phê võng sát trạm BOT T2 cho biết, những ngày qua nhiều tài xế phản đối trạm này khiến lượng khách dừng lại vào quán bà nhiều hơn. Thậm chí không ít nhà báo chọn quán bà làm "tổng hành dinh" tác nghiệp.

08-07-15_img_0414
Cảnh xe xếp hàng dài theo hướng An Giang - Kiên Giang

Nhà bà Liên ngay mặt tiền quốc lộ vốn dĩ đã ồn ào, giờ tài xế phản kháng việc thu phí tiếng ồn càng kinh khủng. Mỗi lần xe không đi được, họ bóp còi inh ỏi như để trọc tức. Và, mỗi khi đi qua trạm thì reo hò mừng rỡ. Có đêm tiếng còi xe đinh tai nhức óc từ 18h đến hơn 22h, chẳng ai ngủ được.

"Mỗi buổi sáng thức dậy mấy đứa con lại hỏi tôi, không biết hôm nay có còn bị tra tấn bởi tiếng còi, không biết giữa tài xế với trạm có xảy ra chuyện gì nữa, mẹ hỏi mấy chú nhà báo xem bữa nay có kẹt xe không, tụi con mệt mỏi lắm rồi", bà Liên tâm sự. Bà mong muốn giữa trạm BOT và các cơ quan chức năng giải quyết ổn thỏa quyền lợi cho các tài xế, cho dân được nhờ.

Cách trạm BOT T2 khoảng 500m là tiệm tạp hóa của chị Trần Thị Thúy Diễm. Chị Diễm than thở mấy ngày xảy ra kẹt xe, tiệm của chị hầu như đóng cửa, không buôn bán gì được. Mất khoảng ba, bốn ngày gì đó, nhiều người tới đậu xe trước cửa tiệm nên chẳng ai ra vào mua bán được.

"Xe máy thì chạy nối đuôi nhau bóp còi, xe lớn thì xếp hàng dài tạo cảnh hỗn loạn. Thêm nữa các bác tài và hành khách bực tức chửi thề nên tôi phải đóng cửa quán, sợ con cái còn nhỏ nghe được không hay. Tôi nghĩ, có cách nào chấm dứt sớm cảnh này cho bà con được nhờ, chứ "tra tấn" nhau mãi ai chịu nổi", chị Diễm nói.

08-07-15_img_05871
Kẹt xe thu hút giới truyền thông

"Một ngày trung bình tôi bán hàng được 200.000 - 300.000 đồng. Vậy mà kẹt xe từ trưa đến chiều, tôi phải dẹp tiệm, tức là thất thu rồi. Mà từ ngày đặt trạm này chưa từng xảy ra kẹt xe lâu như vậy. Chỉ mong sao đừng để xảy ra kẹt xe là gia đình tôi được yên tâm làm ăn rồi", chị Diễm bộc bạch.

Bán cơm tới tối là nghỉ, nhưng 4h sáng đã phải thức dậy chuẩn bị thức ăn để bán từ sáng sớm, tối tranh thủ đi ngủ lấy sức nhưng cách thức cánh tài xế gây lộn cả đêm nên không ai ngủ nghê được. Sáng ra ai cũng bơ phờ, mệt mỏi.

Còn chủ quán cơm phần gần quán cà phê Mộc thì than thở: "Đêm tôi có ngủ được đâu. Lúc trước tài xế phản ứng nhưng không bấm còi còn đỡ, sau họ bấm còi quá trời. Hễ kẹt xe là họ bấm còi. Lúc nào họ phản ứng trạm thì lộn xộn, người xem kéo lại rất đông, ồn ào không ai nghe thấy ai nói gì".
 

Bệnh nhân, chủ nhà xe bị vạ lây

Ngày 11/1/2018, cảnh ùn tắc kéo dài ở trạm thu phí BOT Cần Thơ - An Giang kéo dài, có hành khách khóc tức tưởi. Một xe cấp cứu chuyển người bệnh bị ách lại khiến người nhà bệnh nhân phải năn nỉ xin các bác tài mở đường... máu đi qua. Chưa hết, toàn bộ ê kíp bác sĩ còn van xin tài xế đang cố thủ ở làn thu phí, mong xe xích qua một bên để vượt lên.

Một chủ nhà xe chuyên chở hàng đông lạnh cũng bị ách ở trạm này bức xúc cho biết: “Ai làm sai thì xử lý người đó chứ chỉ vì một xe mà khiến hàng trăm xe khác bị ... vạ lây. Nhà xe tôi chấp hành trả phí chứ có phải không trả đâu mà chịu cảnh ùn ứ thế này”.

Người dân tò mò tụ tập gây cảnh hỗn loạn

Trở lại câu chuyện đặt trạm BOT T2 để thu phí dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 (đoạn km14+00 đến Km50+889, thuộc địa phận TP Cần Thơ theo hình thức hợp đồng BOT), dường như có sự “đánh lận con đen” ngay từ đầu. Chính vì thế gây bức xúc trong giới tài xế và cả người dân.

Giám đốc Sở GT-VT Ngô Công Thức cho biết, tuy dự án nằm trên địa phận TP Cần Thơ nhưng trong quá trình thẩm định, Bộ GT-VT có mời Sở GT-VT dự họp. “Tại cuộc họp ngày 1/11/2013, Bộ chỉ thống nhất đặt 1 trạm thu phí tại Km14+770 (trạm T1, phường Phước Thới, quận Ô Môn), không có trạm thứ 2 tại Km50+050 (trạm T2, đặt tại phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt).

Tuy nhiên, khi vận hành thu phí lại có thêm trạm T2. Trạm "mọc" lên liền bị người dân và doanh nghiệp phản ứng gay gắt vì phương tiện tham gia giao thông trên QL80 qua đoạn đường QL91 khoảng 750m (đây là đoạn trùng giữa QL91 và QL80) nhưng phải đóng phí như đi trên toàn tuyến”, ông Thức thông tin.

Việc đặt thêm trạm T2 không hề tham khảo ý kiến hay thỏa thuận với UBND tỉnh An Giang như thông báo. Do vậy, từ khi trạm T2 tiến hành thu phí đến nay, Sở GT- VT và Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang đã nhiều lần đề xuất Bộ GT-VT xử lý bất cập của trạm.

08-07-15_img_0416
Thường xuyên có nhiều tài xế phản đối

Ngày 6/12/2017, lãnh đạo tỉnh An Giang một lần nữa kiến nghị di dời trạm thu phí T2 . Sau đó, ngày 4/1/2018 Văn phòng Chính phủ nêu rõ ý kiến Thủ tướng: Giao Bộ GT- VT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương kiểm tra, đánh giá để có phương án đặt trạm (T2) phù hợp nhất trước khi khánh thành cầu Vàm Cống, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thời điểm khánh thành cầu Vàm Cống đã cận kề nhưng trạm T2 vẫn cứ điềm nhiên thu phí. Lạ thật!

 

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Nghệ An

Năm 2024, ngành nông nghiệp Nghệ An tiếp đà thắng lợi toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.