| Hotline: 0983.970.780

Khổ vì tàu cá mắc cạn

Thứ Hai 20/12/2010 , 10:49 (GMT+7)

2 năm trở lại đây, khu vực cửa lạch Roòn (Quảng Trạch - Quảng Bình) bị cát bồi lấp gây cản trở lớn cho tàu thuyền khi ra vào.

Cửa lạch Roòn đang bị bồi lấp khiến nhiều ngư dân lo lắng

Cửa lạch Roòn (Quảng Trạch - Quảng Bình) là nơi ra, vào và neo đậu tàu thuyền tránh trú bão của ngư dân các xã: Cảnh Dương, Quảng Phú, Quảng Đông và Quảng Xuân với gần 530 tàu thuyền. Ngoài ra, trung bình mỗi ngày có gần 100 lượt tàu thuyền đánh bắt đi qua lại cửa lạch để bán sản phẩm hoặc lấy lương thực, thực phẩm,  nhiên liệu...phục vụ ra khơi đánh bắt. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, khu vực cửa lạch bị cát bồi lấp gây cản trở lớn cho tàu thuyền khi ra vào.

Cửa lạch Roòn nằm giáp ranh giữa 2 thôn: Phú Xuân của xã Quảng Phú và thôn Đông Cảng thuộc xã Cảnh Dương, rộng khoảng trên 100m. Trước đây, tàu nhỏ hay tàu có công suất lớn từ 90 CV đến 400 CV đều dễ dàng ra vào. Nhưng hiện tại, ở vị trí cửa lạch cát bồi ra, tạo thành nhiều doi cát kéo dài vài chục mét, làm cho cửa lạch hẹp lại. Từ năm đầu năm 2009 đến nay, lại xuất hiện các doi cát nhô lên vị trí giữa cửa lạch. Khi thủy triều xuống, đứng trên bờ có thể nhìn thấy nhiều đoạn độ sâu còn chưa tới 2m. Tàu thuyền muốn đi vào hoặc ra đều phải lách các doi cát mới có thể lọt qua được.

Đó là những tàu nhỏ, riêng những tàu công suất lớn trên 90 CV thì khi ra vào có nguy cơ mắc cạn rất cao. Anh Nguyễn Minh Tuấn (ở thôn Cảnh Thượng, xã Cảnh Dương), chủ tàu cá BQ 93454 TS có công suất 300 CV kể lại: “Ngày 5/11, tôi cho tàu ra khơi. Dù đã biết trước cửa lạch cạn bất thường nên tôi rất thận trọng dò luồng nước sâu để tránh mắc cạn. Vậy mà không tránh được, tàu bị cát kê vểnh lên. Mấy anh em chưa kịp làm gì thì sóng đánh tàu lật nghêng. Máy móc bị hư hỏng, tổng thiệt hại chuyến đó gần 400 triệu đồng…”.

Anh Tuấn cho biết thêm, "đau" nhất là khi tổ đội đánh bắt đoàn kết ra khơi gặp luồng cá, gọi điện về nhà thông báo ra khơi, nhưng vì con nước xuống, cửa lạch bị mắc cạn nên đành bó gối trên bờ. Nhiều ngư dân cho hay, mỗi lần tàu gặp nạn, chủ tàu phải nhờ 2 đến 3 tàu lớn kéo vào và phải chi phí từ 10-15 triệu đồng. Trường hợp nhẹ như: hư cánh vịt, lệch bánh lái, bể dàn đèn..thì chủ tàu mất vài chục triệu để thay thế, sửa chữa. Gặp vận xui, tàu bị gãy chân vịt, bể cabin, gãy ván...thì chủ tàu phải chi phí đến vài trăm triệu mới khôi phục lại tàu.

Được biết, trong vài năm gần đây, ngư dân đầu tư đóng mới tàu có công suất lớn khá nhiều và trị giá mỗi chiếc trên 1 tỷ đồng. Do đó, những tàu sau khi đánh bắt về, quan sát cửa lạch cạn thì không dám vào, buộc phải neo ngoài biển đợi khi thủy triều lên mới vào thì lúc đó chất lượng cá, mực, tôm sẽ kém đi bán không được giá. Có nhiều ngư dân chậm chuyến biển hoặc bù chi phí thuê thuyền nhỏ vận chuyển cá vào bến nên “thiệt đơn, thiệt kép”.

Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của bà con ngư dân chính là vào mùa mưa bão, với tình trạng luồng lạch bị bồi lấp ngày càng nhiều, việc tàu thuyền vào tránh trú bão sẽ rất khó khăn. Anh Dương Thành Công, Trạm phó Trạm Kiểm soát Biên phòng Roòn không khỏi lo lắng: “Bình thường tàu thuyền ra vào đã khó, nếu sóng to tàu thuyền lại càng dễ bị lật, nhưng nếu không vào thì không biết neo đậu đâu. Đáng ngại nhất là tàu thuyền nào bị mắc cạn ở cửa thì các tàu thuyền khác về sau không thể vào được”.

Theo thống kê sơ bộ của Trạm kiểm soát Biên phòng Roòn, từ đầu năm đến nay đã có gần 100 tàu thuyền lớn, nhỏ bị mắc cạn hoặc va chạm vào nhau vì luồng hẹp gây thiệt hại cho ngư dân. Đặc biệt, trong vòng 4 tháng trở lại đây đã có trên 10 chiếc tàu thuyền có công suất trên 90 CV bị mắc cạn và gây lật thuyền. Đứng nhìn ra cửa lạch đang lúc nước ròng, ngư dân Nguyễn Minh Tuấn ao ước: “Nhà nước có chương trình hỗ trợ nạo vét cửa kạch cho bà con thì vui sướng và yên tâm biết mấy”.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.