Bình Tân là huyện có diện tích trồng khoai lang lớn nhất tỉnh Vĩnh Long. Nông dân nơi đây từng rơi vào cảnh lao đao do thị trường nước ngoài ngừng nhập khẩu khoai lang. Thế nhưng những năm qua, không ít nông dân vẫn gắn bó với cây trồng này. Vụ năm nay nông dân Bình Tân rất phấn khởi vì giá khoai lang đang ở mức cao.
Ông Nguyễn Tấn Tính ở ấp Thành Trung, xã Thành Đông (huyện Bình Tân) cho biết, tuần trước, gia đình ông thu hoạch 4 công (1 công = 1.000m²) khoai lang tím Nhật, năng suất trung bình 70 tạ/công (1 tạ = 60kg). Với giá bán 1,1 triệu đồng/tạ, ông thu được trên 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, ông Tính còn lãi khoảng 35 triệu đồng mỗi công.
Theo ông Tính, năm nay do thời tiết không thuận lợi dẫn đến khoai củ nhỏ nhiều hơn mọi năm nhưng vẫn không đủ bán cho thương lái.
"Họ vào tận ruộng cân tại chỗ, có bao nhiêu mua hết, chỉ bỏ củ thối, củ sùng. Nhớ lại năm trước khoai rẻ, tôi phải neo lại nhiều ngày mới có người mua", ông Tính chia sẻ.
Khoảng 1 tháng qua, giá khoai lang tại các xã như Tân Thành, Thành Trung, Tân Lược (huyện Bình Tân) đã tăng liên tục.
Nhiều bà con cho biết, hiện khoai tím Nhật có giá 1,2 triệu đồng/tạ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí, nông dân lãi từ 400 - 500 triệu đồng mỗi ha. Đặc biệt, thời điểm này nông dân cũng chưa thu hoạch rộ.
"Vụ này tôi trồng 1ha khoai và khoảng 2 tháng nữa mới thu hoạch. Hi vọng giá vẫn ổn định như hiện nay”, ông Nguyễn Văn Quốc ở xã Thành Trung nói.
Bà Trương Thị Cẩm Mai, thương lái ở ấp Thành Thuận, xã Thành Trung cho biết, giá khoai lang lên cao do nhu cầu tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu tăng mạnh. Trong khi đó nguồn cung giảm, nông dân không trồng ồ ạt như trước đây.
"Năm trước mỗi ngày tôi giao mấy chục tấn cho mối Trung Quốc. Giờ khoảng 3 - 4 ngày tôi mới gom được một đơn hàng chừng 30 - 40 tấn, giảm hơn một nửa so với các năm trước", bà Mai chia sẻ.
Theo bà Mai, những năm gần đây, có thời điểm giá khoai chỉ còn 200 - 300 ngàn đồng mỗi tạ khiến nhiều hộ thua lỗ, không ít người đã lên liếp trồng sầu riêng, mít Thái và các loại cây ăn trái khác, dẫn đến sản lượng khoai ngày càng giảm mạnh.
Như ông Nguyễn Tấn Huệ ở ấp Thành Hưng, xã Thành Trung trước đây cũng từng thua lỗ hàng chục triệu vì khoai lang. Sau những vụ mùa thất thu, thấy không trụ được với khoai lang, đầu năm 2023, gia đình ông đã cải tạo 3 công vườn để trồng mít Thái. Khoảng 2 tuần trước, vườn mít Thái cho đợt thu hoạch đầu tiên, ông thu về hơn 10 triệu đồng.
"Trồng mít này cũng dễ chăm sóc. Chi phí đầu tư như phân bón, thuốc trừ sâu cũng ít hơn so với trồng khoai lang trước đây. Được cái nữa là trồng mít Thái được thương lái vào tận vườn tự hái, mình chỉ cân và tính tiền", ông Huệ bộc bạch.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Bình Tân, tính đến tháng 5/2024, huyện đã xuống giống 513ha khoai lang, giảm 286ha so với cùng kỳ. Thời gian qua, do giá khoai bấp bênh, người dân đã chuyển đổi sang trồng lúa, rau màu hoặc lên liếp trồng sầu riêng, mít Thái, mít ruột đỏ và một số cây khác.
Bà Võ Ngọc Thơ, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bình Tân cho biết, hiện nay thị trường khoai lang đã hồi phục trở lại. Tuy nhiên, các thị trường tiêu thụ khoai lang đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, tiêu chuẩn và mẫu mã sản phẩm.
Để khôi phục sản xuất, nông dân bắt buộc phải thay đổi tập quán canh tác, sản xuất theo quy trình GAP, hữu cơ... để tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm, an toàn cho môi trường và đáp ứng yêu cầu của thị trường ngày càng khó tính.
Đến nay, Phòng NN-PTNT huyện Bình Tân đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tỉnh Vĩnh Long thực hiện cấp 50 mã số vùng trồng (MSVT). Trong đó 45 MSVT xuất khẩu (khoai lang 42 mã, sầu riêng 1 mã, mít 2 mã) và 5 MSVT nội địa (sầu riêng 2 mã, khoai lang 1 mã, mít 1 mã và dưa hấu 1 mã).