Giải pháp khoai tây lai cà chua lần đầu tiên được trồng ở Đức, có thể cải thiện hiệu quả sản xuất lương thực mà không hề ảnh hưởng đến chất lượng của cây trồng, đồng thời mở ra một giải pháp sản xuất lương thực trong tương lai trước bối cảnh quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp và thiếu nước tưới.
Mặc dù nhìn bề ngoài trông chúng có thể rất khác nhau, nhưng xét về nguồn gốc khoai tây và cà chua đều thuộc cùng một chi phái (theo thứ tự phân loại các loài cây lương thực) nên chúng có thể phát triển được trên cùng một thân. Trên mặt đất, chúng sản xuất ra cà chua còn bên dưới là một vụ khoai tây.
Mặc dù quy trình này là không mới trong tập quán làm vườn, nhưng việc kết hợp các loại cây rau thân mềm như thế này những năm gần đây ngày càng phổ biến hơn.
Những cây lai này giúp cho cây trồng hiệu quả hơn, vừa tối đa hóa năng suất vừa có thể sản xuất tốt trong môi trường đô thị (ở những không gian nhỏ như ban công, nóc nhà), và tạo ra nguồn thực phẩm dồi dào hơn.
Theo các chuyên gia, giải pháp cây lai “2 trong 1” này có thể mang lại lợi ích đáng kể cho an ninh lương thực ở các quốc gia như Kenya, nơi dân số đang tăng với tốc độ nhanh. Nhiều người hơn có nghĩa là sẽ phải cần nhiều thực phẩm hơn nhưng đất nông nghiệp có thể sử dụng được ngày càng cạn kiệt. Ngoài ra, tối đa hóa hiệu quả cây trồng còn giúp chống lại các vấn đề của nông nghiệp hiện nay, như thiếu nước tưới và bệnh tật.
Vậy làm thế nào bạn có thể tạo ra nhiều thực phẩm hơn trên cùng một cây trồng?
Việc cấy ghép cây này với cây khác cho phép người trồng khai thác các phẩm chất của gốc ghép như khả năng chống bệnh và chịu hạn hán. Hoặc trong trường hợp của cây pomato – tên ghép giữa cà chua (tomato) và khoai tây (potato) để tạo ra một loại cây trồng hoàn toàn khác, là sự kết hợp những phẩm chất tốt nhất của cả hai loại cây trồng hoặc có thể cho phép người nông dân trồng bất cứ loại cây nào họ muốn, với bộ rễ thích nghi tốt với đất.
Loại cây lai ghép giữa cà chua và khoai tây này được tạo ra bằng cách sử dụng một quy trình gọi là ghép mô từ hai hoặc nhiều cây lại với nhau. Kỹ thuật này đã được nông dân sử dụng từ cách nay hàng ngàn năm nhằm để tái tạo các giống cây ăn quả.
Thông thường, nó là sự kết hợp của hai loại cây, một loại đóng vai trò là “gốc rễ” và một “chồi ghép” kèm theo. Tuy nhiên, có những ví dụ về nhiều loại cây ăn quả được kết hợp, lai ghép với nhau để tạo ra thứ gọi là cây “salad trái cây”.
Trong điều kiện các yếu tố môi trường ngày càng ảnh hưởng đến việc sản xuất của nông dân trên khắp thế giới, khả năng trồng các loại cây lương thực có thể chống lại những thay đổi này và vẫn sản xuất đủ lương thực để nuôi sống tất cả nhân loại là rất quan trọng.
Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, cây trồng có gốc ghép chịu hạn có thể giúp chúng ta giảm thiểu các tác động của tình trạng thiếu nước tưới ở những khu vực khô cằn. Ngoài ra cũng có những khả năng khác để làm cho cây trồng kháng bệnh tốt hơn và do đó nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu cũng ít hơn, lại tạo ra năng suất cao hơn hoặc thậm chí còn thu hút được các loài thụ phấn đa dạng hơn.
Cách nay vài năm, Thompson và Morgan- công ty chuyên về làm vườn của Vương quốc Anh cũng đã tiến hành giải pháp lai ghép giữa khoai tây và cà chua, tạo ra cây mới mang tên TomTato không phải là kết quả của kỹ thuật di truyền. Nó đơn giản là lấy phần ngọn của cây cà chua bi và phần dưới của cây khoai tây trắng, được ghép với nhau ở phần thân.
Mặc dù có thể tạo ra những cây lai cho cả quả cà chua lẫn củ khoai tây trong một thời gian dài, tuy nhiên hương vị của những quả cà chua thu được dường như vẫn còn nhiều điều chưa như ý muốn, mặc dù quả TomTato có độ Brix (hàm lượng đường) cao, cùng với "mức độ axit vừa phải”, trong khi khoai tây được cho là tốt để luộc, nghiền hoặc nướng. Theo báo cáo, một cây ghép của Thompson và Morgan có thể sản xuất tới 500 quả cà chua và 2 kg khoai tây.