Khoai tây cũng có hàm lượng vitamin C cao. Hầu hết mọi người đều biết rằng vitamin C đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức đề kháng, loại bỏ các vi rút cảm lạnh và cúm.
Trong Đông y, củ khoai tây vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ khí, kiện tỳ, tiêu viêm |
Hơn thế nữa, loại vitamin C còn có tác dụng tích cực tới quá trình hình thành xương và răng, quá trình tiêu hóa và tạo ra các tế bào máu. Vitamin C giúp tăng tốc độ chữa lành vết thương, sản xuất collagen giúp duy trì độ đàn hồi trẻ trung của làn da và là vũ khí hữu hiệu giúp đối phó với căng thẳng. Nó thậm chí còn giúp bảo vệ cơ thể chống lại các độc tố và tác nhân từ môi trường có thể gây ra bệnh ung thư.
Đường tự nhiên trong khoai tây có thể dễ dàng được chuyển hóa và hấp thu từ từ vào máu, giúp đảm bảo nguồn năng lượng cân bằng và thường xuyên cho cơ thể, mà không gây ra tăng đường huyết đột ngột và nhất là tăng cân.
Trong Đông y, củ khoai tây vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ khí, kiện tỳ, tiêu viêm. Củ khoai tây chữa khó tiêu, đau bụng, viêm loét dạ dày, viêm da, say nắng...
Chữa đau và viêm loét hành tá tràng: khoai tây mới thu hoạch, để cả vỏ, rửa sạch, thái nhỏ, dùng máy xay sinh tố hoặc dùng cối giã nát, chắt lấy nước cốt, thêm chút mật ong uống trước bữa ăn nửa giờ, ngày 2-3 lần.
Chữa đau dạ dày: Dùng khoai tây một lượng vừa phải, rửa sạch, thái thành lát mỏng, trần qua nước sôi, trộn với tỏi, nước gừng tươi, dùng làm món rau trong bữa ăn hàng ngày.
Chữa táo bón mạn tính: khoai tây rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, uống 3 lần 1 ngày trước các bữa ăn, mỗi lần một nửa chén con hoặc uống trước khi đi ngủ.
Chữa tiêu hóa kém, buồn nôn: khoai tây 100g, gừng tươi 10g, quýt 1 quả (bỏ vỏ và hạt). Tất cả giã nát, trộn đều, chắt nước uống.
Chúng ta thường mua một số lượng lớn khoai tây để sử dụng trong một thời gian dài, tuy nhiên, cần lưu ý rằng khoai tây nếu để quá lâu có thể trở nên độc hại cho cơ thể. Khoai tây để lâu, vỏ sẽ bị nhăn và mềm. Ngoài ra, khoai tây tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài có thể làm tăng tốc độ sản xuất solanine gây hại cho bạn. Mọi người thường băn khoăn về việc nên sử dụng hay loại bỏ khoai tây bị mọc mầm. Mầm khoai tây chứa nhiều solanine và chaconine, hai loại của chất độc glycoalkaloids có thể gây hại cho hệ thống thần kinh. Sự mọc mầm diễn ra nhanh hơn khi khoai tây là giống vô cơ và không được xử lý hóa học. Hiện nay, có hai trường hợp khoai tây mọc mầm: một là khi khoai tây vẫn tươi và hai là khoai tây bị héo và mềm.
Nếu khoai tây vẫn tươi bị mọc mầm, có thể dễ dàng cắt mầm và củ khoai có thể lưu giữ được phần lớn các giá trị dinh dưỡng. Ngược lại, nếu khoai tây đã bị héo, cách tốt nhất là bạn nên loại bỏ những củ khoai tây này.
Khoai tây ngả màu xanh lá cây là những củ bị phơi ra ánh sáng khiến các nồng độ solanine tăng cao. Tuy nhiên, bạn có thể tận dụng những củ khoai tây bị ngả màu xanh bằng cách gọt bỏ phần khoai tây ngả màu và chế biến phần còn lại.