| Hotline: 0983.970.780

Khoan giếng, làm nhà chờ đền bù ở dự án hồ thủy lợi nghìn tỷ

Thứ Sáu 06/05/2022 , 08:20 (GMT+7)

Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư hồ thủy lợi Đắk Gang (tỉnh Đắk Nông), người dân khu vực này đã xây nhà, khoan giếng chờ đền bù.

Dựng nhà, khoan giếng trong vùng dự án

Hồ thủy lợi Đắk Gang nằm trên địa bàn 2 huyện Đắk Mil và Cư Jút của tỉnh Đắk Nông. Đây là công trình đầu mối cấp II đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư với kinh phí 982 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách Trung ương. Trong đó, hợp phần xây dựng là 757 tỷ đồng, kinh phí còn lại dành cho công tác giải phóng mặt bằng. Dự án được giao về cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư.

Theo thiết kế, hồ thủy lợi Đắk Gang có dung tích chứa 11,5 triệu m3, cung cấp nước tưới cho khoảng 1.860 ha đất canh tác (trong đó có 170 ha lúa, 350 ha hoa màu, 1.340 ha cây công nghiệp), cấp nước sinh hoạt cho khoảng 8.000 người nằm trên địa bàn 6 xã và thị trấn Ea T’linh thuộc huyện Cư Jút và huyện Đắk Mil.

Khu vực dự kiến nằm trong vùng lòng hồ thủy lợi Đắk Gang. Ảnh: Quang Yên.

Khu vực dự kiến nằm trong vùng lòng hồ thủy lợi Đắk Gang. Ảnh: Quang Yên.

Tuy nhiên, trên địa bàn 2 xã Đắk Gằn và Đắk R’la (huyện Đắk Mil - nơi thực hiện dự án), xuất hiện tình trạng người dân tạo lập tài sản trái phép để trục lợi về chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng.

Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Đắk Gằn và Đắk R’la, trong khu vực dự kiến là lòng hồ thủy lợi Đắk Gang đã có 10 căn nhà mới được người dân dựng lên, cùng với đó là hàng chục giếng vừa được khoan. Khi chính quyền phát hiện, tuyên truyền thì một số chủ giàn khoan đã dời đi, nhưng cạnh đó đã có nhiều giếng khoan xong. Nhóm thợ khoan giếng đang làm thuê cho một hộ dân ở thôn Tân Lợi (xã Đắk Gằn) cho biết, là người từ địa phương khác đến nên không rõ khu vực trên thuộc dự án thủy lợi. “Công việc được thỏa thuận từ trước, người dân chỉ chỗ nào thì nhóm thợ này đặt máy móc khoan chỗ đó, sau khi khoan có nước thì mới lấy tiền”, nhóm này thông tin.

Xử lý nghiêm vi phạm

Để xử lý vấn đề này, UBND huyện Đắk Mil đã có văn bản đề nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng tại các khu vực dự kiến thực hiện dự án.

Theo chính quyền địa phương, dù vẫn đang trong quá trình khảo sát, lập các thủ tục đầu tư xây dựng, nhưng tình trạng tạo lập tài sản trái phép tại khu vực này diễn ra phức tạp. Điều này gây khó khăn trong quá trình quản lý, nhất là việc lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng sau này, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Người dân dựng nhà, khoan giếng trong vùng dự án để chờ đền bù. Ảnh: Quang Yên.

Người dân dựng nhà, khoan giếng trong vùng dự án để chờ đền bù. Ảnh: Quang Yên.

Ông Lê Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho biết, đơn vị đã yêu cầu các nghành kiểm tra, xác minh, đình chỉ và chấm dứt ngay việc tạo lập tài sản trái phép tại khu vực trên. Chính quyền huyện cũng giao UBND các xã làm việc với chủ sử dụng đất để thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm về lĩnh vực đất đai. “Đối với hành vi hủy hoại đất đã xử lý mà tiếp tục vi phạm, các địa phương tham mưu UBND huyện thu hồi theo quy định. Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn, Đắk R’la phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng tạo lập trái phép, sử dụng đất sai mục đích mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoặc báo cáo không trung thực”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Vị Phó chủ tịch cũng cho biết thêm, đối với những trường hợp dựng nhà trên đất nông nghiệp, ngoài xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ phải khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu. Trường hợp nào không chấp hành, sẽ tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ công trình sai phạm.

Những căn nhà mọc lên sau khi có quyết định đầu tư dự án. Ảnh: Quang Yên.

Những căn nhà mọc lên sau khi có quyết định đầu tư dự án. Ảnh: Quang Yên.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, diện tích dự kiến thu hồi để triển khai dự án hồ thủy lợi Đắk Gang là khoảng 230 ha nằm trên địa bàn 2 huyện Đắk Mil và Cư Jút. Riêng diện tích lòng hồ nằm trên địa bàn xã Đắk R’la là khoảng 184 ha và xã Đắk Gằn 127 ha, còn lại là diện tích kênh mương.     

Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng UBND tỉnh Đắk Nông kiểm tra thực địa tại vị trí dự kiến sẽ khởi công Dự án hồ thủy lợi Đắk Gang. Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Hiệp đã lưu ý tỉnh Đắk Nông cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng tại khu vực dự kiến thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay trong khu vực của dự án, việc người dân xây dựng nhà, dựng chòi, khoan giếng trái phép, múc ao hồ và trồng các loại cây công nghiệp… để trục lợi chính sách.

      

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.