UBND tỉnh Bình Định vừa tổ chức cuộc họp có sự tham gia của các ngành liên quan để bàn bạc các giải pháp nhằm xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép trong Khu kinh tế Nhơn Hội (TP Quy Nhơn, Bình Định).
Theo Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Bình Định Nguyễn Thanh Nguyên, tháng 3/2019, UBND tỉnh Bình Định đã chủ trì cưỡng chế 39 trường hợp lấn chiếm đất xây dựng nhà trái phép tại Khu kinh tế Nhơn Hội, vào thời điểm ấy tình trạng trên có xu hướng giảm.
Thế nhưng ngay sau đó, từ tháng 4/2019 đến nay, chuyện lấn chiếm đất cất nhà trái phép lại tiếp diễn, tổ công tác đã phát hiện hàng loạt trường hợp vi phạm mới.
Huyện Phù Cát được cho là điểm nóng về vấn nạn trên. Có thể kể, tại xã Cát Chánh đã xảy ra 16 trường hợp; ngoài ra, 29 trường hợp khác phát hiện trước cũng đã được chính quyền cưỡng chế; tại xã Cát Tiến xảy ra 24 trường hợp.
Theo lý giải của Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Trần Văn Hương, sở dĩ vấn nạn trên không ngừng tồn tại là do việc xử lý lấn chiếm đất xây dựng trái phép gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo ông Hương, khi chính quyền vào cuộc xử lý 29 trường hợp lấn chiếm ở xã Cát Chánh thì đa số người vi phạm lại ở huyện Tuy Phước.
Điều này cho thấy đã có tình trạng chuyển nhượng mua bán đất lấn chiếm, muốn xác lập hành vi phải mất rất nhiều thời gian. Khi chính quyền ban hành quyết định thu hồi đất thì lập tức hộ dân kéo đến trụ sở huyện khiếu nại.
Còn theo ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Sở TN – MT Bình Định, thì một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn lấn chiếm đất xây dựng nhà trái phép kéo rề rà suốt nhiều năm nay là do chính quyền địa phương cứ trông chờ vào tỉnh, thậm chí có trường hợp đùn đẩy trách nhiệm.
“Trước đây, huyện Phù Cát cho rằng không thể xử lý được những trường hợp dân lấn chiếm đất rồi chuyển nhượng nên có hồ sơ gửi đến Sở TN - MT. Chúng tôi đã trả lời với huyện là phải xử lý người đang sử dụng đất. Còn quan hệ dân sự chuyển nhượng sai đến đâu, họ cứ kiện ra tòa. Chuyên môn đã rõ rồi, không vướng gì cả, địa phương phải nhanh chóng vào cuộc”, ông Tùng chỉ ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long nhận định, tổ chức cưỡng chế là biện pháp cuối cùng khi không còn phương án giải quyết.
“Hậu quả đã rõ ràng, người dân vi phạm bị mất tiền mất của vì xây nhà trái phép. Nếu cơ quan có trách nhiệm buông lỏng quản lý thì sau này Thanh tra sẽ làm rõ.
Thực tế, khi cưỡng chế xử lý tỉnh đã phát hiện có nhiều chuyện khuất tất phía sau, nếu cấp xã làm tốt thì cấp huyện, tỉnh sẽ đỡ vất vả rất nhiều”, ông Long nói.
Ông Long khẳng định việc lấn chiếm đất rồi phân lô bán nền trục lợi là vi phạm quản lý đất đai, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.
Vì vậy, Công an tỉnh cần tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện tình trạng lấn chiếm đất đai, xây nhà trái phép mang tính tổ chức tham mưu cho UBND tỉnh xử lý.
“Có có điều tiếng rằng đối tượng lấn chiếm đất là người dân, nhưng cán bộ là người mua lại rồi sau đó dùng ảnh hưởng của mình xây dựng nhà trái phép. Việc này, khi Công an tỉnh vào cuộc điều tra phát hiện chứng cứ thì cần lập chuyên án, đủ kiện thì đưa ra truy tố, phải xử lý rốt ráo”, ông Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.