| Hotline: 0983.970.780

Khởi công 3 dự án giao thông kết nối phía Nam, tổng đầu tư trên 115 nghìn tỷ đồng

Chủ Nhật 18/06/2023 , 11:09 (GMT+7)

Sáng 18/6, 3 dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam đồng loạt được khởi công tại 3 điểm cầu TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh thành phố bấm nút khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm tại điểm cầu TP.HCM. Ảnh: H.K.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh thành phố bấm nút khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm tại điểm cầu TP.HCM. Ảnh: H.K.

Tổng mức đầu tư trên 115 nghìn tỷ đồng 

3 dự án giao thông trọng điểm chính thức được khởi công gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn, đến nay, ngành giao thông vận tải đã đưa vào khai thác sử dụng khoảng 1.729km đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, vùng động lực kinh tế Đông Nam bộ mới chỉ có 147km đường cao tốc, vùng tiềm năng Tây Nguyên cũng mới chỉ có 19km đường cao tốc.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, hình thành các tuyến vành đai, các trục cao tốc ngang kết nối với các trục cao tốc dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã, đang đầu tư, kết nối với các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế, hàng không quốc tế.

Đặc biệt là cảng hàng không quốc tế Long Thành, tạo dư địa, động lực và không gian phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Tây Nguyên, vùng Duyên hải Nam Trung bộ với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Đông Tây, góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực và của đất nước, xóa đói giảm nghèo, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, phát triển kinh tế của đất nước. 

Trong quy hoạch của hệ thống đường cao tốc, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GT-VT xây dựng kế hoạch đến năm 2030 khu vực Đông Nam bộ sẽ tiếp tục đầu tư thêm 10 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 825km, khu vực Tây Nguyên sẽ phải đầu tư thêm 8 tuyến cao tốc với chiều dài 530km, trong đó đến năm 2025 khu vực Đông Nam bộ sẽ phải hoàn thành 3 tuyến cao tốc dài 204km, khu vực Tây Nguyên sẽ phải hoàn thành 4 tuyến cao tốc dài 295km.

"Ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 3 dự án, chỉ trong thời gian ngắn, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 15, Nghị quyết 89, Nghị quyết 90 để triển khai 3 dự án có tổng chiều dài 248km với tổng mức đầu tư 115.150 tỷ đồng. Trong đó, giao nhiệm vụ và các mốc tiến độ do Bộ Giao thông - Vận tải và 7 UBND tỉnh thành phố", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM có chiều dài 76km. Theo quy hoạch là 8 làn xe cao tốc, thực hiện đầu tư 4 làn xe cao tốc với tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, giao 4 địa phương triển khai thực hiện: TP.HCM (47,35km), Đồng Nai (11,26km), Bình Dương (10,76km), Long An (6,81km). Tiến độ thực hiện cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài khoảng 54 km, quy hoạch 6-8 làn xe. Trong đó, thực hiện đầu tư 4-6 làn xe cao tốc với tổng mức đầu tư là 17.837 tỷ đồng. Giao UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan thực hiện chủ quản đầu tư đoạn dài 16km; đoạn do Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện dài 18km, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện dài 20km. Tiến độ thực hiện cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác đồng bộ dự án năm 2026.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài khoảng 118 km, đầu tư 4 làn xe với tổng mức  đầu tư là 21.935 tỷ đồng. Giao UBND tỉnh Khánh Hòa chủ quản thực hiện đầu tư đoạn dài 32km, Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện đoạn dài 38km, UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện đầu tư đoạn dài 48km. Tiến độ thực hiện cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác đồng bộ dự án năm 2027.

Người dân hãy là "đồng tác giả" đường Vành đai 3

Thay mặt các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM là dự án có quy mô tư lớn nhất từ trước đến nay của ngành giao thông vận tải trong vùng. 

Theo ông Mãi, sau một năm tích cực triển khai giải phóng mặt bằng, đến hôm nay, dự án vành đai 3 TP.HCM đã đủ điều kiện để khởi công cùng các dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại lễ khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm. Ảnh: H.K.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại lễ khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm. Ảnh: H.K.

"Đây là cột mốc quan trọng trong tiến trình triển khai dự án. Vành đai 3 TP.HCM là công trình ý Đảng lòng Dân, là con đường kết nối, con đường phát triển. Những việc thời gian qua đã làm là rất lớn, rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, thời gian tới, TP.HCM cùng với các địa phương sẽ tiếp tục tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành dự án đúng kế hoạch", ông Mãi nói.

Ông Mãi, thay mặt các địa phương, cam kết với Chính phủ, các lãnh đạo và nhân dân sẽ phối hợp với các bộ ngành Trung ương theo dõi sát sao để công trình vành đai 3 TP.HCM thông xe kỹ thuật năm 2025, hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.

"TP.HCM cũng đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan cùng nhau phối hợp đẩy nhanh hoàn thành dự án. TP.HCM kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng và Trung ương tiếp tục quan tâm và đầu tư các công trình giao thông trọng điểm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

TP.HCM tiếp tục mong bà con nhân dân, các tổ chức, các hộ gia đình tiếp tục đồng hành, ủng hộ. Hãy cùng là đồng tác giả của công trình trọng điểm này, đường vành đai 3 TP.HCM", ông Mãi nói.

Tránh hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, ảnh hưởng tiến độ dự án

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung quyết liệt, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, dự án Vành đai 3 TP.HCM và dự án Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua khu vực đông dân cư, khu vực đô thị, có nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.

Đồng thời, quan tâm thực hiện công tác tái định cư cho người dân sớm nhất có thể, đề nghị quan tâm hỗ trợ giải quyết nhanh các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, bố trí các bãi thải cho dự án, đảm bảo công tác an ninh trật tự, tổ chức giao thông thuận tiện an toàn cho người dân trong quá trình triển khai.

Các địa phương chủ động giải quyết khó khăn phát sinh theo đúng thẩm quyền, chỉ báo cáo cấp có thẩm quyền nội dung vượt thẩm quyền, tránh hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, ảnh hưởng tiến độ dự án.

Xem thêm
Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Bão mới Usagi chuẩn bị đi vào Biển Đông

Bão Toraji đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới hoạt động trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, bão mới Usagi sẽ đi vào Biển Đông vào ngày mai (16/11).

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.