| Hotline: 0983.970.780

Khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Thứ Bảy 17/06/2023 , 15:09 (GMT+7)

ĐBSCL Sáng 17/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chính thức bấm nút phát lệnh khởi công xây dựng Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ ngành và địa phương bấm nút khởi công Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ ngành và địa phương bấm nút khởi công Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Quan tâm, ổn định sản xuất và cuộc sống người dân

Lễ khởi công Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 được tổ chức đồng thời tại 4 địa phương: An Giang, TP. Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Dự án có chiều dài hơn 188km, tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng, chia thành 4 dự án thành phần.

Theo tiến độ, năm 2025 dự án sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn. Đến 2026, cơ bản hoàn thành toàn tuyến và đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2027.

Tại điểm cầu chính tỉnh An Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng phù hợp với phương hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 21-NQ/TW. Đó là xây dựng ĐBSCL trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững.

Đây là tuyến cao tốc trục ngang có năng lực thông hành lớn, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo sức lan tỏa, động lực cho vùng. Kết hợp các tuyến giao thông trục dọc, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương ổn định sản xuất người dân, để bà con có nơi ở và công việc mới bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương ổn định sản xuất người dân, để bà con có nơi ở và công việc mới bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thủ tướng lưu ý, UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua, tập trung chỉ đạo, có phương án thi công khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả. Đồng thời, huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại tham gia quá trình thi công, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Đặc biệt, đối với tỉnh An Giang và các địa phương có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, cần bố trí ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho dự án. UBND các tỉnh cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng một cách nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật.

Dự án thành phần 1 đi qua địa bàn tỉnh An Giang có chiều dài gần 57km, tổng mức đầu tư hơn 13.500 tỷ đồng.

Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Thủ tướng yêu cầu triển khai theo quy định, đảm bảo bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 31/12/2023. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, ổn định sản xuất để người dân có nơi ở và công việc mới bằng hoặc tốt hơn nơi cũ.

Góc độ địa phương, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang bày tỏ, đây là lần đầu tiên tỉnh được giao thực hiện dự án có quy mô đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao và thời gian triển khai cấp bách. Vì thế, tỉnh đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo để bắt tay thực hiện các nội dung công việc, nhờ đó, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt gần 81%.

Đến năm 2025, ĐBSCL sẽ có 548km đường bộ cao tốc

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tham gia Lễ khởi công Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tham gia Lễ khởi công Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết: Qua thực tiễn triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường khoảng 30 triệu mét khối, các địa phương chủ động có kế hoạch khai thác, cung cấp đủ theo tiến độ thi công của dự án. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc vật liệu, đảm bảo chất lượng, cương quyết không để xảy ra các hiện tượng đầu cơ, nâng giá.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, đến năm 2025, vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 548km đường bộ cao tốc. Ảnh: Kim Anh.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, đến năm 2025, vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 548km đường bộ cao tốc. Ảnh: Kim Anh.

Dự án thành phần 2 đi qua địa bàn TP. Cần Thơ dài hơn 37km, với mức đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là cấp thiết, đóng vai trò liên kết vùng. Đây chính là cơ sở để thành phố phát huy vai trò đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.

Dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang, có chiều dài gần 37km, vốn đầu tư hơn 9.900 tỷ đồng. Dự án đi qua địa bàn 8 xã, thị trấn thuộc huyện Châu Thành A và Phụng Hiệp với hơn 1.100 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất phải thu hồi hơn 260ha.

Xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia, diện tích đất thu hồi và khối lượng công việc lớn, tỉnh Hậu Giang đang tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải tỉnh, đến nay, địa phương đã thực hiện chi trả, bồi thường cho 764 hộ dân, tiến độ đạt trên 77%.

Điểm cuối cùng của tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án thành phần 4 qua tỉnh Sóc Trăng dài gần 57km, sơ bộ mức đầu tư khoảng trên 11.100 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết dự án cao tốc sẽ là đòn bẩy tạo động lực, đột phá mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: Kim Anh.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết dự án cao tốc sẽ là đòn bẩy tạo động lực, đột phá mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: Kim Anh.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, tuyến cao tốc hình thành sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển nước sâu Trần Đề của tỉnh.
Đây sẽ là đòn bẩy tạo động lực, đột phá mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Ông Lâu cam kết bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công dự án trong năm 2023. 

Tuyến cao tốc khi hoàn thành không chỉ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông vùng, còn kết nối các trung tâm kinh tế với TP. Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế khác trong cả nước.

Đồng thời, dự án sẽ phá vỡ thế độc đạo, giảm ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1A. Từ đây, việc tiêu thụ hàng hóa, nông sản của ĐBSCL trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn. Ngược lại, hàng hóa phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp từ các khu vực khác vận chuyển về ĐBSCL cũng dễ dàng. Nhất là giúp ĐBSCL nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư tìm đến.

Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nằm trong mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021. Trong giai đoạn phân kỳ, dự án có quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, mặt cắt ngang 17m. Đến giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe cao tốc, mặt cắt ngang 32,25m.

Xem thêm
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung vào Bộ Chính trị và giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nam đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình

Hà Nam là địa phương đứng đầu cả nước trong công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình năm 2024.

Bình luận mới nhất