| Hotline: 0983.970.780

Khởi công dự án nông nghiệp thông minh do Hàn Quốc tài trợ

Thứ Ba 14/12/2021 , 19:02 (GMT+7)

Ngày 14/12, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Quỹ Thương mại và Chuyển giao công nghệ nông nghiệp Hàn Quốc khởi công dự án trang trại thông minh.

Ngày 14/12, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) phối hợp với Quỹ Thương mại và Chuyển giao công nghệ nông nghiệp Hàn Quốc (FACT) tổ chức Lễ khởi động Dự án "Thử nghiệm mô hình trang trại thông minh Hàn Quốc trong sản xuất một số loại cây trồng có giá trị theo hướng công nghệ cao tại Việt Nam".

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc tại lễ khởi công dự án. Ảnh: Bảo Thắng.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc tại lễ khởi công dự án. Ảnh: Bảo Thắng.

Tại buổi lễ, VAAS và các đơn vị liên quan cũng khởi công lắp đặt mô hình trang trại thông minh tại Khu trình diễn công nghệ của VAAS (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Đây là sự kiện quan trọng trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực trồng trọt, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp an toàn, góp phần thực hiện Kế hoạch Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng phê duyệt.

Mục tiêu của dự án là thử nghiệm và xây dựng thành công quy trình sản xuất một số loại cây trồng có giá trị cao tại Việt Nam, dựa trên công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc. Đồng thời, dự án sẽ giới thiệu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ này trên quy mô lớn tại Việt Nam sau khi dự án thử nghiệm kết thúc.

Tại lễ khởi động, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, dự án nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường, sinh thái, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng.

Dự án "Thử nghiệm mô hình trang trại thông minh Hàn Quốc trong sản xuất một số loại cây trồng có giá trị theo hướng công nghệ cao tại Việt Nam" là dự án viện trợ không lại do FACT tài trợ được thực hiện tại VAAS với 4 mục tiêu cơ bản. 

Toàn cảnh lễ khởi công dự án ngày 14/12 tại Khu thí nghiệm và trình diễn của VAAS. Ảnh: Bảo Thắng.

Toàn cảnh lễ khởi công dự án ngày 14/12 tại Khu thí nghiệm và trình diễn của VAAS. Ảnh: Bảo Thắng.

Một là hoàn thiện quy trình canh tác thông minh ứng dụng công nghệ cao, giảm thiểu chi phí sản xuất nhưng ổn định năng suất cây trồng đặc biệt là các cây trồng có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng xuất khẩu.

Hai là thực hiện việc rải vụ cây trồng, đảm bảo nguồn cung nông sản quanh năm với chất lượng được kiểm soát chặt chẽ, gia tăng giá trị nông sản; chủ động xây dựng và tham gia chuỗi giá trị nông sản trong nước và toàn cầu, từ đó giúp chủ động tiếp cận thị trường và tạo lợi thế cạnh tranh cho nông sản Việt Nam.

Ba là triển khai các hoạt động tham quan, giới thiệu, đào tạo tập huấn cho các nhà quản lý, doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật, nông dân Việt Nam, qua đó tạo tiền đề chuyển giao, nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao Hàn Quốc trong sản xuất tại Việt Nam.

Bốn là nâng cao năng lực trong quản lý, vận hành nhà màng thông minh công nghệ Hàn Quốc cho cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp, nông dân và các đối tượng quan tâm khác.

Trước mắt, dự án dự kiến triển khai một mô hình trang trại thông minh với quy mô 1,5 ha được xây mới và trang bị hệ thống vận hành canh tác công nghệ cao của Hàn Quốc tại VAAS; một quy trình vận hành nhà màng thông minh và sản xuất dâu tây, ớt dài xanh ứng dụng công nghệ cao của Hàn Quốc được hoàn thiện phù hợp với điều kiện Việt Nam. 

Đại diện các cơ quan tham gia khởi công dự án. Ảnh: Bảo Thắng.

Đại diện các cơ quan tham gia khởi công dự án. Ảnh: Bảo Thắng.

Bên cạnh đó, dự kiến 100 lượt cán bộ nghiên cứu, sinh viên, nông dân Việt Nam và thực tập sinh Hàn Quốc được tập huấn về vận hành nhà màng thông minh và quy trình canh tác công nghệ cao Hàn Quốc tại Việt Nam.

Thời gian dự kiến thực hiện dự án từ năm 2021 đến 2026, với vốn viện trợ không hoàn lại là 2,18 triệu USD, vốn đối ứng ngân sách nhà nước là 6,7 tỷ đồng. Dự kiến, việc lắp đặt mô hình công nghệ cao được hoàn thiện vào cuối tháng 3/2022 và chính thức đi vào nghiên cứu, thử nghiệm.

Theo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, phần vốn viện trợ không hoàn lại của FACT được chia thành 4 hợp phần. Từ hợp phần hai, vườn ươm đã được xây dựng, với 3 nhà cấu trúc đa nhịp, tổng diện tích 0,16 ha, có năng lực sản xuất và lưu trữ 30.000 cây giống.

Ở hợp phần ba, các bên triển khai dự án sẽ hợp tác với khối viện, trường nông nghiệp để đề xuất, giới thiệu chương trình giảng dạy liên quan đến canh tác thông minh và bồi dưỡng chuyên gia nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, các lớp đào tạo, tập huấn về nông nghiệp công nghệ cao sẽ được tổ chức.

Lãnh đạo VAAS, các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT và đối tác Hàn Quốc. Ảnh: Bảo Thắng.

Lãnh đạo VAAS, các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT và đối tác Hàn Quốc. Ảnh: Bảo Thắng.

Dữ liệu thu thập từ vận hành mô hình trang trại thông minh sẽ được phân tích phục vụ đánh giá, chẩn đoán tình hình sâu bệnh, bệnh hại. Cùng với đó, là việc xây dựng kế hoạch canh tác, quy trình chăm sóc phù hợp với điều kiện Việt Nam. 

Với vai trò là chủ dự án, VAAS sẽ triển khai các hoạt động điều phối thông suốt, cũng như hoàn thiện quy trình sản xuất; thay đổi mô hình thiết kế, vận hành, mô hình quản trị và tiếp cận thị trường để nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Dự sự kiện ngày 14/12, ông Hong Ki-ok, Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, việc triển khai dự án sẽ đặt nền móng cho sự hợp tác trong lĩnh vực nông trại thông minh giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Bên cạnh việc phối hợp với VAAS, Hàn Quốc thông qua Chương trình Nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc (KOPIA) tại Việt Nam còn triển khai một số dự án tại Quảng Bình, Bắc Giang và Hải Dương.

Ông Kim Jin-heon, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế của FACT gửi lời cảm ơn tới VAAS, đồng thời tin tưởng dự án sẽ thúc đẩy và trao đổi quảng bá lẫn nhau các công nghệ nông nghệ tiên tiến giữa hai nước. Ông Kim hứa, sẽ cử các chuyên gia Hàn Quốc đến Việt Nam, chuyển những nguyên vật liệu cần thiết để triển khai lắp đặt nhà kính.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.