Sản phẩm nông nghiệp phải có trách nhiệm với người tiêu dùng
Ngày 5/12, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị toàn thể các nhóm công tác PPP ngành hàng trong khuôn khổ Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) năm 2022 với chủ đề “Xây dựng một nền nông nghiệp xanh và gia tăng giá trị”.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp hiện đang phải đối mặt với các thách thức toàn cầu để cung cấp đủ lương thực thực phẩm và nhiên liệu, đáp ứng các nhu cầu luôn thay đổi và ngày càng tăng trong bối cảnh xung đột, biến đổi khí hậu và dịch bệnh đang diễn ra trên toàn thế giới, chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm bị đứt gãy do đại dịch Covid-19.
Do vậy, hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp cần phải phát triển và phổ biến các sáng kiến đổi mới để có thể nâng cao năng suất và tính bền vững trong chuỗi cung ứng thực phẩm và giúp đối phó với các thách thức.
“Thúc đẩy hợp tác công tư để phát triển một nền nông nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo và gia tăng giá trị là rất cần thiết, qua đó thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, để tái cơ cấu ngành, chuyển đổi ngành nông nghiệp hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, bền vững”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, nông nghiệp Việt Nam không chỉ phục vụ 100 triệu dân Việt Nam mà đã đứng vào top 15 cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, vươn tới thị trường trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“Tuy nhiên trong bối cảnh khí hậu đang thay đổi, thị trường đang thay đổi, cách lựa chọn của người tiêu dùng đang thay đổi, chúng ta chắc chắn phải thay đổi để tạo ra các giá trị mới, phù hợp với xu thế của thời đại. Bối cảnh mới đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có trách nhiệm với người tiêu dùng, đảm bảo lợi ích của nông dân sản xuất nhỏ, và bền vững của môi trường toàn cầu. Nông nghiệp Việt Nam ngày càng phải thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ hơn với cộng đồng quốc tế, đặc biệt về bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học, giảm phát thải, thích ứng và đồng thích ứng với biến đổi khí hậu”, tư lệnh ngành nông nghiệp chia sẻ.
Hội nghị đã cập nhật chính sách của Việt Nam thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu; tổng kết các hoạt động PPP thực hiện trong năm 2022; Đối thoại công – tư về kỳ vọng của doanh nghiệp đối với các chính sách của chính phủ để hỗ trợ khu vực tư nhân trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp xanh; Giới thiệu Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm.
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thành lập Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo về lương thực thực phẩm (FIH), gắn liền với phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp.
Theo đó, Bộ NN-PTNT kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế tham gia trong quá trình chuẩn bị và triển khai Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo về lương thực thực phẩm (FIH). Trung tâm này không chỉ hoạt động ở tầm quốc gia mà còn hỗ trợ và triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo tại các địa phương.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong bối cảnh hiện nay, Bộ NN-PTNT đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào sản xuất, chế biến, dự trữ, hậu cần và kinh doanh nông, lâm, thủy sản tại Việt Nam.
“Có thể nói doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng và trung tâm, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp tạo việc làm và thu nhập, nâng cao trình độ sản xuất cho người nông dân. Doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường, nâng cao giá trị cho nông lâm thủy sản. Doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm cao hơn không chỉ về tăng trưởng kinh tế mà cả các vấn đề xã hội và môi trường”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định.
Chia sẻ tại Hội nghị, bà Beverley Postma, Giám đốc điều hành Grow Asia cho hay, Grow Asia rất cảm kích về cam kết của Việt Nam đối với việc chuyển đổi hệ thống lương thực, được thể hiện qua sự lãnh đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 44 gần đây, COP26 và Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực của Liên hợp quốc vào năm 2021.
“Chúng tôi khen ngợi Bộ NN-PTNT và Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam đã đặt nền móng vững chắc cho sự thành công của quan hệ đối tác nhiều bên trong ASEAN. Cùng nhau, chúng ta có thể tự tin mở rộng quy mô các dự án có giá trị cao và xây dựng các lộ trình mang tầm ảnh hưởng quốc gia và khu vực thông qua sức mạnh hợp tác công - tư tại Việt Nam và hơn thế nữa”, bà Beverley Postma chia sẻ.
Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) - Ban Thư ký PSAV, Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam PSAV là cầu nối giữa khu vực công tư nhân với các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước.
PSAV đã và đang đóng góp xây dựng thể chế, chính sách, thu hút các nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam nhằm đáp ứng những thách thức mới của ngành.
Đồng thời, PSAV kết nối các tác nhân trong ngành nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam theo hình thức PPP.