| Hotline: 0983.970.780

Khởi động 'cuộc cách mạng' giảm chi phí sản xuất lúa

Thứ Ba 10/05/2022 , 08:27 (GMT+7)

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) và ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL đang nhanh chóng triển khai quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Giải pháp thời sự

Thời gian qua, thị trường thế giới có nhiều biến động, giá cả nguyên liệu, vật tư đầu vào trong lĩnh vực nông nghiệp liên tục tăng cao. Dạo quanh các cánh đồng lúa vào vụ thu hoạch, bà con nông dân đều “kêu trời” vì lợi nhuận chỉ vừa đủ bù vào các khoản chi phí đầu vào.

Với mặt hàng phân bón, theo thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đưa ra, giá cả mặt hàng này đã tăng đến con số khủng từ 200 – 300%. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Chánh văn phòng Điều phối nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL cũng chỉ ra, việc giá phân bón tăng rất cao như hiện nay, trong khi đó năng suất, giá bán lúa của người dân vùng ĐBSCL lại khó có thể tăng thêm trong thời gian tới. Vì vậy, để người dân có được lợi nhuận, yêu cầu đặt ra là phải giảm được chi phí trong sản xuất.

Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc bộ, tham mưu đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài quyết tâm kéo giảm chi phí nguyên liệu, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, quan trọng nhất là giảm được lượng giống trong gieo sạ sẽ kéo theo tiết giảm phân bón, thuốc BVTV.

Thực tế thời gian qua, các địa phương và doanh nghiệp vùng ĐBSCL đã triển khai nhiều chương trình canh tác lúa với những kỹ thuật mới, nhằm hướng đến mục tiêu chung là giúp nông dân tiết giảm chi phí đầu vào. Điển hình như: Chương trình canh tác lúa thông minh của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền thực hiện tại 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Hay chương trình đưa sản phẩm men vi sinh Emuniv vào xử lý rơm rạ trên đồng ruộng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam… Bà con nông dân khi tham gia các mô hình này đều ghi nhận kết quả giảm lượng lúa giống, giảm sử dụng phân bón, thuốc BVTV rất đáng kể.

Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí là tài liệu mang tính chất tổng quát toàn vùng. Ảnh: Ngọc Thắng

Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí là tài liệu mang tính chất tổng quát toàn vùng. Ảnh: Ngọc Thắng

Xét về quy mô, các chương trình giảm chi phí đầu vào trong sản xuất lúa chỉ mới dừng lại ở việc thực hiện thử nghiệm tại một số hộ nông dân nhất định, chưa có một quy trình thống nhất để áp dụng rộng rãi cho tất cả các địa phương trong vùng. Ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh thêm, trong từng quy trình của các địa phương đã làm từ trước đến nay, ngay cả các công đoạn trong sản xuất lúa của các doanh nghiệp hiện nay đang có những vấn đề.

Xuất phát từ thực tế đó, dựa trên các kết quả đạt được từ các quy trình kỹ thuật giảm chi phí sản xuất lúa đã và đang được ứng dụng, Cục Trồng trọt đã làm việc với các nhà khoa học, doanh nghiệp và các địa phương để công bố “quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL”. Quy trình này mang tính chất chung, khái quát, có thể phổ biến rộng rãi trong toàn vùng.

Ngày 25/4/2022, Cục Trồng Trọt đã ra quyết định về việc công nhận quy trình kỹ thuật lĩnh vực trồng trọt, trong đó, công nhận quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL. Đây được xem là phát súng đầu tiên trong “cuộc cách mạng” giảm chi phí của Bộ NN-PTNT.

Đồng thời, việc Cục Trồng trọt công nhận quy trình kỹ thuật này một phần gọt giũa lại từ các công đoạn trong quy trình của các doanh nghiệp. Tạo thành một quy trình thống nhất để kiểm soát lại việc sản xuất, nâng cao chất lượng lúa gạo. “Vùng ĐBSCL là vùng sản xuất lúa thương mại hàng hóa lớn, yêu cầu trong xuất khẩu ngày càng khó khăn về hàng rào kỹ thuật, hàng rào kiểm dịch, thuế quan. Vì vậy, mục tiêu của quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí ngoài giảm được chi phí trong sản xuất còn phải đảm bảo kiểm soát và nâng cao hiệu quả”, ông Tùng cho biết.

Đưa quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí vào thực tiễn

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tập quán canh tác lúa của người dân đã hình thành từ rất lâu và rất dài. Vì vậy việc thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp cần nhiều thời gian và thực hiện theo mục đích xuyên suốt là giảm chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, phát triển bền vững, đặc biệt trong sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL.

Nói về việc công nhận quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL, ông Cường cho biết thêm, đây là mô hình mềm, trong quá trình thực hiện đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với một số doanh nghiệp, các đơn vị trực thuộc sở NN-PTNT các địa phương, nếu có vấn đề về mặt kỹ thuật sẽ tiếp tục điều chỉnh. “Mưa dầm thấm lâu thay đổi nhận thức của người dân, phải có kế hoạch thực hiện kiên quyết, thay đổi suy nghĩ, thói quen sản xuất với cây lúa và các cây trồng chủ lực khác”, ông Cường nói.

Hiện nay, tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL, các quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, thông minh như giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật như "3 giảm 3 tăng" (3G3T), "1 phải 5 giảm" (1P5G), quản lý dịch hại tổng hợp IPM, kỹ thuật tưới ngập – khô xen kẽ, ... đã được đưa vào áp dụng trên đồng ruộng của bà con nông dân. Bên cạnh đó còn có sự vào cuộc của các doanh nghiệp mang cơ giới hóa vào trong sản xuất, cũng góp phần không nhỏ vào cuộc cách mạng giảm chi phí.

Tỉnh Kiên Giang là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn ở khu vực ĐBSCL, năm 2021 qua hai vụ mùa sản xuất toàn tỉnh xuống giống 351.000 ha, năng suất đạt 2,4 triệu tấn. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, diện tích xuống giống của tỉnh giảm khá lớn so với các năm trước, thế nhưng sản lượng vẫn đảm bảo yêu cầu, giữ vững đà tăng trưởng.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang chỉ ra, một trong những nguyên nhân để tỉnh có được thắng lợi trên là nhờ việc áp dụng quy trình kỹ thuật giảm chi phí trong sản xuất mà ngành nông nghiệp tỉnh đề ra. “Hiện nay với mật độ gieo sạ dưới 120kg/ha tỉnh Kiên Giang có 51% diện tích. Với mật độ gieo sạ dưới 150kg/ha đạt 81%, còn lại một phần diện tích rất nhỏ trên dưới 10% có lượng giống gieo sạ từ 150 – 200 kg/ha. Đặc biệt, trong cơ cấu giống hiện nay về mặt chất lượng cao toàn tỉnh có hơn 98%. Nông dân đã dịch chuyển sản xuất theo nhu cầu của thị trường”, ông Toàn đánh giá.

Đặc biệt, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện xoay trục chiến lược lớn về các giống thị trường có nhu cầu cao như ST24, ST25, OM18, cơ cấu ba loại giống này chiếm gần 70% cơ cấu giống của tỉnh. Trong vùng sản xuất theo mô hình lúa tôm gần 100% bà con nông dân gieo sạ các giống lúa ST24, ST25.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang thông tin, mỗi năm đơn vị bố trí nguồn vốn khoảng 10 tỷ đồng để thực hiện các chương trình hỗ trợ cho nông dân trồng lúa. Đơn vị cũng cam kết nhanh chóng đưa quy trình kỹ thuật này lồng ghép vào các chương trình hỗ trợ nông dân.

Quy trình kỹ thuật trồng lúa giảm chi phí yêu cầu không gieo sạ quá 80kg/ha đối với sạ lan và không quá 60kg/ha đối với sạ hàng, sạ cụm (khóm). Ảnh: Ngọc Thắng

Quy trình kỹ thuật trồng lúa giảm chi phí yêu cầu không gieo sạ quá 80kg/ha đối với sạ lan và không quá 60kg/ha đối với sạ hàng, sạ cụm (khóm). Ảnh: Ngọc Thắng

Đối với TP Cần Thơ, ngành nông nghiệp thành phố đánh giá quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL không chỉ là quy trình nhằm giảm chi phí, mà nó còn là quy trình thích ứng bền vững phát huy những tiến bộ trong điều kiện sản xuất lúa hiện nay.

Thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng quy trình này, thông qua việc lồng ghép với các mô hình, chương trình khuyến nông của địa phương. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ chia sẻ thêm về kế hoạch sắp tới: “TP Cần Thơ đang có kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong nông nghiệp, thành phố sẽ lồng ghép quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí vào các chương trình này để hướng dẫn cho nông dân từng mùa vụ cụ thể. Đặc biệt, nội dung này không chỉ bà con nông dân trong thành phố mà các tỉnh lân cận cũng có thể áp dụng”.

Ông Nghiêm cũng chỉ ra, giải pháp gieo sạ bằng phương pháp sạ thưa để kéo giảm lượng giống là một trong những chìa khóa để nông dân giảm giống. Thế nhưng hiện nay, điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng của nông dân còn hạn chế, ông đề xuất các doanh nghiệp nên quan tâm và tích hợp các chính sách để nhân rộng cơ giới hóa trong sản xuất cho bà con nông dân.

Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL bao gồm 7 công đoạn cụ thể áp dụng cho vụ lúa đông xuân và hè thu: Làm đất chuẩn bị đồng ruộng; chuẩn bị hạt giống; phân bón; quản lý nước tiết kiệm, hiệu quả; quản lý dịch hại; thu hoạch, xử lý sau thu hoạch; phạm vị địa điểm áp dụng quy trình.

Trong đó, tùy theo từng vụ, điều kiện sinh thái, thời tiết và từng giống, quy trình kỹ thuật trồng lúa giảm chi phí yêu cầu không gieo sạ quá 80kg/ha đối với sạ lan (bằng tay, máy phun hạt) và không quá 60kg/ha đối với sạ hàng, sạ theo cụm (khóm). Lượng giống gieo sạ được quan tâm nhất, bởi giảm lượng giống sẽ kéo theo giảm phân bón, thuốc BVTV.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Rà soát khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để di dời dân

KHÁNH HÒA Các địa phương khẩn trương kiểm tra khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… để chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn.

68 ngày đêm thần tốc thi công khu tái định cư Làng Nủ

Lào Cai tổ chức lễ bàn giao 40 căn nhà mới ở Làng Nủ; 15 căn nhà mới ở Nậm Tông cho 48 hộ dân bị mất nhà do lũ quét, thiên tai.