| Hotline: 0983.970.780

Lan tỏa mô hình giảm chi phí đầu vào: Quyết bớt thói quen khó bỏ

Thứ Tư 20/04/2022 , 06:18 (GMT+7)

Từ lâu, nông dân Bình Định đã biết canh tác tiết kiệm phân bón để giảm chi phí đầu vào. Nay, phân bón tăng giá cao, cách làm này càng được nhân rộng.

Thay đổi tư duy

Cách đây nhiều năm, nông dân Bình Định đã biết canh tác cây lúa tiết kiệm vật tư đầu vào, ban đầu là sản xuất theo quy trình “5 giảm 3 tăng”, trong đó có cả tưới tiết kiệm. Thế nhưng đến khi có quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) thì nông dân Bình Định mới áp dụng đại trà. Bây giờ, trong bối cảnh phân bón tăng giá liên tục tăng cao, nguồn cung hạn chế, những quy trình canh tác tiên tiến nói trên càng được nông dân áp dụng mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong thời gian tới đây, ngành nông nghiệp Bình Định sẽ triển khai mạnh việc sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, nhằm làm giảm chi phí đầu vào, tích hợp đa giá trị trong nông sản để cùng hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, trách nhiệm và giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cũng theo bà Trân, trong sản xuất cây lúa, khi nông dân sạ thưa là đã giảm được lượng giống, sau đó sử dụng phân bón hợp lý thì sẽ quản lý được dịch bệnh theo tinh thần IPM, lại giảm thêm được chi phí phân bón và thuốc BVTV. Ngoài cây lúa, Bình Định đã triển khai quy trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây đậu phộng, đây cũng là cách giảm chi phí đầu vào cho nông dân.

Áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, nông dân Bình Định vừa giảm được chi phí đầu vào vừa tăng hiệu quả sản xuất. Ảnh: Kim Sơ.

Áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, nông dân Bình Định vừa giảm được chi phí đầu vào vừa tăng hiệu quả sản xuất. Ảnh: Kim Sơ.

Hiện nay, Bình Định đang quyết liệt triển khai thực hiện Chỉ thị số 653/CT-BNN-BVTV ngày 25/1/2022 của Bộ NN-PTNT về việc sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả. Tăng cường hướng dẫn nông dân sử dụng phân hữu cơ, tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp như ủ rơm rạ thành phân bón để thay thế một phần phân vô cơ vào sản xuất để giảm chi phí đầu vào.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân bớt lạm dụng phân vô cơ. Nông dân mình từ lâu đã chuyển sản xuất thuần túy hữu cơ sang sản xuất vô cơ, lâu riết trở thành thói quen. Thêm vào đó, bây giờ nông dân bám ruộng bám đồng không còn thanh niên trai tráng, mà toàn người cao niên, ruộng đất thì manh mún, nên nông dân ngày càng phụ thuộc vào phân vô cơ. Nay để bà con quay lại sản xuất theo các giải pháp hữu cơ là vấn đề nan giải. Vì vậy, cần phải tăng cường tuyên truyền, vận động và chuyển giao các giải pháp canh tác tiên tiến thì mới có thể thay đổi tư duy canh tác của bà con được”, bà Trân chia sẻ.

Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, mục đích của các quy trình canh tác tiên tiến là tìm ra những biện pháp có hiệu quả, có lợi về mặt kinh tế, đồng thời hạn chế tác hại của sâu bệnh, làm cho cây trồng đạt năng suất cao và nông sản có chất lượng tốt. Áp dụng quy trình IPM, ICM, SRI không chỉ nhằm tiêu diệt nguồn sâu bệnh, mà cần thiết phải điều hòa các mối cân bằng trong hệ sinh thái. Như vậy, các quy trình canh tác tiên tiến phải được áp dụng theo tinh thần tổng hợp, toàn diện và chủ động, nghĩa là phải áp dụng nhiều biện pháp khác nhau trong một hệ thống hoàn chỉnh và hợp lý.

Sạ thưa vừa giảm được lúa giống vừa quản lý được dịch bệnh theo IPM nên giảm sử dụng thuốc BVTV. Ảnh: Kim Sơ.

Sạ thưa vừa giảm được lúa giống vừa quản lý được dịch bệnh theo IPM nên giảm sử dụng thuốc BVTV. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Trần Tăng Long, Giám đốc HTXNN Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định), khẳng định: “Phương pháp canh tác tiên tiến giúp nông dân giảm được 40% lượng lúa giống, 25 - 30% lượng nước tưới; hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV và công chăm sóc; lợi nhuận tăng từ 25 - 35% so với sản xuất theo truyền thống”.

Đẩy mạnh sản xuất hữu cơ

Theo ông Kiều Văn Cang, giữa tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản chỉ đạo Sở NN-PTNT triển khai thực hiện Chỉ thị số 653/CT-BNN-BVTV ngày 25/01/2022 của Bộ NN-PTNT. Theo đó, Sở NN-PTNT Bình Định chỉ đạo và giao Chi cục Trồng trọt và BVTV chủ trì, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và các địa phương nghiên cứu, đề xuất, xây dựng kế hoạch triển khai mô hình sản xuất cây trồng sử dụng phân bón hiệu quả, phù hợp điều kiện tại địa phương. Đồng thời triển khai các mô hình sản xuất phân bón tái sử dụng phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và rác thải sinh hoạt; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng và nhân rộng các giải pháp canh tác tiên tiến để giảm chi phí đầu vào.

Trong những năm gần đây, tại Bình Định có đến hàng chục ngàn nông dân được tham dự những lớp tập huấn về IPM và ICM. Quy trình  ICM, IPM tích hợp các biện pháp bổ sung cho nhau tạo nên những tác động và sức mạnh tổng hợp phát huy đến mức cao nhất các đặc điểm có ích của cây trồng, loại trừ tác hại của sâu bệnh. Tuy nhiên, khi xây dựng quy trình IPM, ICM, SRI  cho cây trồng, áp dụng ở một vùng sản xuất cụ thể phải tùy thuộc vào các đặc điểm về môi trường, thời tiết, khí hậu, tình hình dịch hại, trình độ nhận thức và khả năng kinh tế của nông dân để lựa chọn các biện pháp thích hợp.

Có hàng chục ngàn nông dân Bình Định được tham gia các lớp tập huấn quy trình canh tác tiên tiến. Ảnh: Kim Sơ.

Có hàng chục ngàn nông dân Bình Định được tham gia các lớp tập huấn quy trình canh tác tiên tiến. Ảnh: Kim Sơ.

“Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các địa phương tiếp tục thực chuyển giao, nhân rộng các quy trình canh tác lúa tiên tiến như IPM, ICM, SRI vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí vật tư đầu vào, nhất là chi phí sử dụng phân bón và thuốc BVTV. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các cánh đồng mẫu lớn, nhất là cánh đồng mẫu lớn liên kết với các doanh nghiệp sản xuất lúa giống. Năm nay Bình Định tiếp tục thực hiện được 270 cánh đồng mẫu lớn; trong đó, cây lúa có 266 cánh đồng, cây đậu phộng 4 cánh đồng với tổng diện tích 13.189ha; duy trì 8 dự án cánh đồng lớn, dự án liên kết sản xuất lúa giống đã được UBND tỉnh phê duyệt, với diện tích 982,3ha”, ông Cang cho hay.

Chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ 3 vụ sang còn làm 2 vụ lúa/năm cũng là giải pháp Bình Định áp dụng để giảm chi phí sản xuất nhưng sản lượng lúa thu hoạch không giảm. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, sản xuất 3 vụ lúa/năm thì phải sử dụng những giống lúa ngắn ngày, mà lúa ngắn ngày thì chẳng thể cho năng suất cao. Còn sản xuất 2 vụ lúa/năm thì có thể sử dụng giống lúa dài ngày cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon.

“Tính qua tính lại, chúng tôi nhận thấy làm 3 vụ lúa/năm sản lượng lúa thu vào chẳng cao hơn sản xuất 2 vụ lúa/năm là mấy. Trong khi đó, các chi phí vật tư nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc BVTV, chi phí máy cày làm đất, công lao động ngày càng tăng cao nên không thấy lời lãi gì. Sản xuất 2 vụ lúa/năm, nông dân có thời gian nông nhàn nhiều hơn, xong công việc đồng ruộng nông dân có thể làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập”, nông dân Đinh Văn Chung ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn), bộc bạch.

Áp dung các quy trình canh tác tiên tiến năng suất lúa tăng cao. Ảnh: Kim Sơ.

Áp dung các quy trình canh tác tiên tiến năng suất lúa tăng cao. Ảnh: Kim Sơ.

“Trong thời gian qua, huyện Tuy Phước tập trung chỉ đạo chuyển đổi 100% diện tích từ sản xuất 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ lúa/năm, sử dụng giống lúa xác nhận, nguyên chủng đạt gần 100%. Hàng năm, Tuy Phước đưa các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất; ứng dụng các quy trình tiên tiến SRI, ICM, chương trình 3 giảm 3 tăng vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất lúa và các loại cây trồng đều tăng, ổn định. Năng suất lúa bình quân hiện nay đạt 70,7 tạ/ha, tăng 5,7 tạ/ha so với năm 2011. Áp dụng các quy trình IPM, ICM, SRI vào sản xuất nông dân được nâng cao nhận thức, không lạm dụng phân bón hóa học và không còn phun thuốc BVTV định kỳ, khi sâu bệnh phát sinh đến ngưỡng, ngành BVTV khuyến cáo nông dân mới phun thuốc. Nhờ quản lý dinh dưỡng cho cây trồng hợp lý nên nông dân giảm được chi phí đầu vào mà hiệu quả tăng cao”, ông Phan Văn Khiêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước chia sẻ.

Xem thêm
Vùng nuôi ngao 500ha ven biển huyện Nghĩa Hưng đạt chuẩn quốc tế ASC

Nam Định Vùng nuôi ngao 500ha tại các xã ven biển của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) được chứng nhận áp dụng nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.