Công nhận quy trình canh tác lúa giảm chi phí tại ĐBSCL. Hoa Kỳ gia hạn điều tra thuế chống bán phá giá gỗ dán cứng Việt Nam. Cá tra Việt Nam tận dụng khoảng trống cá Minh Thái để lại. Giá kén tằm tăng cao giúp nông dân lãi lớn.
CÔNG NHẬN QUY TRÌNH CANH TÁC LÚA GIẢM CHI PHÍ TẠI ĐBSCL
Quy trình canh tác lúa giảm chi phí, nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL vừa được Cục Trồng trọt công nhận là quy trình tổng quát, cần phổ biến rộng toàn vùng.Quy trình canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL bao gồm 7 công đoạn cụ thể áp dụng cho vụ lúa đông xuân và hè thu gồm: Làm đất chuẩn bị đồng ruộng; chuẩn bị hạt giống; phân bón; quản lý nước tiết kiệm, hiệu quả; quản lý dịch hại; thu hoạch, xử lý sau thu hoạch; phạm vị địa điểm áp dụng quy trình.Trong đó, tùy theo từng mùa vụ, điều kiện sinh thái, thời tiết và từng nhóm giống, lượng giống gieo sạ đảm bảo không quá 80kg/ha cho phương pháp sạ lan , sạ hàng và không quá 60kg/ha đối với phương pháp sạ theo cụm. Việc giảm lượng giống trong gieo sạ sẽ kéo theo tiết giảm phân bón, thuốc BVTV.
HOA KỲ GIA HẠN ĐIỀU TRA THUẾ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ GỖ DÁN CỨNG VIỆT NAM
Bộ Thương mại Hoa Kỳ - DOC vừa thông báo gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với gỗ dán cứng từ Việt Nam.Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ dự kiến ban hành kết luận cuối cùng vào ngày 17 tháng 10 năm 2022 thay vì ngày 20 tháng 4 năm 2022 như thông báo trước đây. Đây cũng là lần gia hạn thứ ba của DOC đối với nội dung này.Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra vào ngày 17 tháng 6 năm 2020 trên cơ sở đề nghị của Cơ quan Hải quan Hoa Kỳ với 2 nội dung, gồm: Điều tra về phạm vi sản phẩm và Điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Hiện các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam đã và đang phối hợp trả lời các bản câu hỏi do Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra để xác minh làm rõ vụ việc, đồng thời cũng có các hình thức trao đổi, đối thoại để phía nước bạn hiểu rõ về ngành sản xuất, chế biến gỗ của Việt Nam.
CÁ TRA VIỆT NAM TẬN DỤNG KHOẢNG TRỐNG CÁ MINH THÁI ĐỂ LẠI
Trước bối cảnh nhiều nông sản gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu do căng thẳng Nga – Ukranie, ông Nguyễn Quốc Toản - cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết, ngành nông nghiệp đang chỉ đạo các địa phương phải giữ được nguồn cung nguyên liệu thủy sản cho chế biến, xuất khẩu trong bất cứ hoàn cảnh nào. Với việc nước ta có lợi thế về sản lượng khai thác và nuôi trồng rất lớn. Khi các thị trường thiếu hụt nguồn cung thì Việt Nam hoàn toàn chủ động hàng hóa để xuất khẩu, nhất là thị trường EU, Hoa Kỳ và Nga. Các doanh nghiệp thủy sản cần tuân thủ tốt những điều kiện về quản lý chất lượng, tranh thủ chiếm lĩnh thị trường, nhất là đẩy mạnh sản phẩm cá tra Việt Nam vào thị trường EU thay thế lượng cá Minh Thái đang thiếu hụt từ Nga.
GIÁ KÉN TẰM TĂNG CAO GIÚP NÔNG DÂN LÃI LỚN
Thời gian gần đây, giá kén tằm tại Lâm Đồng tăng cao, giúp nông dân sản xuất dâu tằm có nguồn thu ổn định, đạt lợi nhuận cao.Tại xã Mê Linh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) các hộ trồng dâu nuôi tằm bán kén cho các cơ sở thu mua với giá từ 200.000 - 230.000 đồng/kg, cao nhất nhiều tháng qua.Trong khi đó, giá thành sản xuất kén dâu tằm ở địa phương nằm ở ngưỡng 80.000 - 90.000 đồng/kg. Với mức giá như hiện nay, người trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn tỉnh thu lãi khoảng 100.000 đến 120.000 đồng/kg.Lâm Đồng đang đẩy mạnh sản xuất tơ tằm theo hướng tập trung, phát triển hiệu quả và dự kiến đến năm 2023 đạt 10 nghìn ha dâu tằm, với sản lượng kén từ 14 - 14,5 nghìn tấn.