| Hotline: 0983.970.780

Lan tỏa mô hình giảm chi phí đầu vào: SRI tăng cái lợi, giảm cái hại

Thứ Ba 19/04/2022 , 06:35 (GMT+7)

Nông dân Bình Thuận áp dụng mô hình sản xuất lúa theo phương pháp SRI đã giúp giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận đáng kể.

Mô hình này nếu được nông dân nhân rộng sẽ là giải pháp hữu ích giảm chi phí đầu vào sản xuất trước bối cảnh giá vật tư đầu vào đang tăng.

Lợi ích với SRI

Ông Nguyễn Tám, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, cho biết, lúa là một trong những cây trồng sản xuất chính của tỉnh, với diện tích canh tác hàng năm lên đến trên 100.000ha; năng suất bình quân dao động từ 5,5 - 5,8 tấn/ha.

Mô hình sản xuất lúa theo phương pháp SRI sẽ giúp nông dân giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón... Ảnh: Đình Thung.

Mô hình sản xuất lúa theo phương pháp SRI sẽ giúp nông dân giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón... Ảnh: Đình Thung.

Tuy nhiên những năm gần đây do ảnh hưởng biến đổi khí hậu toàn cầu nên thời tiết thay đổi bất thường dẫn đến thời vụ sản xuất thường bị lệch (trễ hơn) so với cùng kỳ năm trước. Không những thế, mưa bão cũng thường xuyên xảy ra đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Trong khi đó tập quán canh tác tại nhiều địa phương trong tỉnh còn lạc hậu, nông dân gieo sạ giống với mật độ dày từ 25 - 30 kg/sào, lại lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và bón phân đạm nhiều. Điều này làm cho cây lúa bị sâu bệnh hại nhiều, không cứng cây, rất dễ đổ ngã khi gặp thời tiết mưa gió. Từ đó buộc nông dân phải tăng chi phí thu hoạch, nhưng năng suất lúa giảm xuống. Với chi phí vật tư đầu vào sản xuất tăng cao thì việc sản xuất lúa của nông dân sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế.

"Nhất là trong bối cảnh giá giống, vật tư tăng cao, đặc biệt giá phân bón hóa học tăng gấp 2 lần so với trước đây thì bình quân 1kg lúa có giá thành tăng thêm khoảng 1,5 - 2 ngàn đồng, tương đương khoản lợi nhuận của nông dân trồng lúa. Vì vậy, cách sản xuất lúa truyền thống của bà con sẽ không còn hiệu quả kinh tế”, ông Tám khẳng định và nêu ra một trong những giải pháp giảm vật tư đầu vào trong sản xuất là áp dụng mô hình sản xuất lúa cải tiến SRI.

Nông dân Bình Thuận sản xuất theo SRI sẽ giảm lượng giống xuống chỉ còn 12 kg/sào. Ảnh: Đình Thung.

Nông dân Bình Thuận sản xuất theo SRI sẽ giảm lượng giống xuống chỉ còn 12 kg/sào. Ảnh: Đình Thung.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, sản xuất lúa cải tiến SRI đã được ngành nông nghiệp Bình Thuận, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình và chuyển giao kỹ thuật cho các hợp tác xã (HTX) vùng trồng lúa trọng điểm ở các huyện Tuy Phong, Tánh Linh... từ vụ đông xuân 2016 - 2017 thông qua dự án của Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV).

Cụ thể, Trung tâm đã cho triển khai các mô hình khảo nghiệm về lượng giống gieo sạ và đã định hình được lượng giống gieo thưa hợp lý cho các vùng sản xuất của tỉnh Bình Thuận từ 8 - 12 kg/sào đối với các giống xác nhận ML48, Đài thơm 8…

Nhiều nông dân ở Bình Thuận rất tâm đắc mô hình sản xuất lúa theo SRI. Ảnh: Đình Thung.

Nhiều nông dân ở Bình Thuận rất tâm đắc mô hình sản xuất lúa theo SRI. Ảnh: Đình Thung.

Trong đó, mô hình sản xuất SRI với lượng giống gieo 12kg/sào đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho nông dân trồng lúa như giúp năng suất tăng 5 - 15%; hiệu quả kinh tế tăng lên 5 - 20% và giảm lượng nước tưới trong mùa khô từ 25 - 35% so với cách sản xuất gieo sạ với mật độ dày từ 20 - 30 kg/sào.

Hết thời “đông cây nhiều trái”

Ghi nhận chúng tôi tại HTX Nông nghiệp dịch vụ Đức Bình, xã Đức Bình, huyện Tánh Linh, hiện nông dân nơi đây rất tâm đắc với mô hình sản xuất lúa cải tiến SRI. Không những thế, họ còn kết hợp sản xuất lúa SRI theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo an toàn thực phẩm để cung ứng cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Đức Bình cho biết, toàn HTX có 9 thành viên, diện tích sản xuất 20ha. Trước đây bà con trong HTX cũng giống như các nông dân ở Bình Thuận thường gieo sạ với mật độ dày từ 20 - 30 kg/sào.

Vùng sản xuất lúa của HTX Nông nghiệp dịch vụ Đức Bình, hiện nông dân đã quen với sản xuất theo SRI. Ảnh: Đình Thung.

Vùng sản xuất lúa của HTX Nông nghiệp dịch vụ Đức Bình, hiện nông dân đã quen với sản xuất theo SRI. Ảnh: Đình Thung.

Do sạ dày nên buộc nông dân phải rải phân nhiều, từ đó dẫn đến phát sinh sâu bệnh trên lúa nhiều như sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, khô vằn... Nông dân lại tốn thêm nhiều chi phí mua thuốc BVTV để phun phòng trừ. Từ đó khiến chi phí đầu vào sản xuất mọi thứ đều tăng cao, nông dân thu hoạch không có lãi mấy.

Tuy nhiên từ vụ đông xuân 2018 - 2019 và vụ đông xuân 2019 - 2020, các thành viên của HTX được tiếp cận mô hình sản xuất lúa cải tiến SRI do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Từ đó đã giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất sạ dày và không còn quan niệm “đông cây nhiều trái”.

“Hiện bà con trong HTX sản xuất lúa với lượng gieo sạ chỉ 12 kg/sào. Nhờ giảm giống nên việc bón phân cũng giảm theo, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh. Đặc biệt, sâu cuốn lá gây hại lúa dường như không phát sinh, chỉ lác đác xuất hiện sâu đục thân nhưng phun thuốc sinh học một lần là dứt điểm ngay”, ông Đức chia sẻ và cho biết thêm, nhờ sản xuất lúa theo SRI nên lợi nhuận của nông dân tăng từ 15 - 20% so với sản xuất thông thường.

Nông dân Phan Thanh Tuấn, thành viên của HTX Nông nghiệp dịch vụ Đức Bình xác nhận và cho biết, gia đình ông có 7 sào sản xuất giống lúa OM18. Trong đó có 5 sào được gia đình thuê đất với chi phí 1 triệu đồng sào/vụ. Những năm gần đây, nhờ chuyển sang sản xuất lúa theo SRI nên đã giảm lượng giống giẹo sạ xuống hơn nửa so với trước đây, hiện chỉ còn 12kg/sào.

Nông dân dần bỏ quan niệm đông cây nhiều trái. Ảnh: Đình Thung.

Nông dân dần bỏ quan niệm đông cây nhiều trái. Ảnh: Đình Thung.

Và, nhờ giảm lượng giống nên gia đình cũng giảm được thêm chi phí như phân bón, thuốc BVTV do ít phát sinh sâu bệnh hại lúa. Song năng suất lúa không giảm, vẫn đạt từ 6,5 - 7 tạ/sào, tương đương với gieo sạ dày như trước đây.

Bên cạnh đó, nhờ sản xuất lúa theo yêu cầu nên HTX thu mua với giá ổn định và cao hơn sản xuất lúa thông thường nên nông dân có lãi.

Như vụ đông xuân 2021 - 2022, bà con sản xuất thông thường với giống lúa OM5451 chỉ được thương lái thu mua khoảng 4.800 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chỉ hòa vốn hoặc thua lỗ. Còn gia đình ông Tuấn vừa gặt 1 sào giống OM18 được HTX thu mua với giá 5.800 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông lãi khoảng 1,8 - 2 triệu đồng.

Ông Tuấn cũng cho rằng, với chi phí sản xuất đầu vào như giống, phân bón, thuốc BVTV hiện tăng liên tục thì việc sản xuất lúa theo SRI sẽ là giải pháp hữu ích giúp tiết kiệm, tăng hiệu quả.

Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Đức Bình, cho biết, HTX đang sản xuất các giống lúa gồm ST25, OM18, với năng suất bình quân từ 7 - 9 tấn/ha/vụ, mỗi năm làm 2 vụ. Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ nên hiện gạo của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Gạo của HTX không chỉ cung cấp trong địa phương mà còn cung ứng ra ngoài tỉnh; doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí, HTX có lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, đến nay toàn tỉnh đã có 1.100ha lúa sản xuất theo phương pháp SRI. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng mô hình tại các vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng vùng sản xuất lúa thương phẩm tập trung, chất lượng cao. Từ đó góp phần xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản mang thương hiệu tại các vùng trọng điểm trồng lúa ở huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình.

Trong năm 2022, Trung tâm sẽ triển khai mô hình thâm canh cây lúa theo phương pháp cai tiến SRI đạt chứng nhận VietGAP, đáp ứng truy xuất nguồn gốc theo liên kết chuỗi với quy mô khoảng 20ha tại vùng lúa huyện Tánh Linh.

Xem thêm
Doanh nghiệp nên quan tâm phòng hộ giá qua thị trường cà phê phái sinh

Chuyên gia của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đưa ra công cụ phòng ngừa rủi ro hữu hiệu trước những biến động của giá cà phê hiện nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

HanoPhavico xứng danh người đồng hành tin cậy của các hộ chăn nuôi

HanoPhavico không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình thay đổi tư duy chăn nuôi theo hướng khoa học, hiệu quả, bền vững.