| Hotline: 0983.970.780

Công nhận quy trình canh tác lúa giảm chi phí

Thứ Ba 26/04/2022 , 14:01 (GMT+7)

CẦN THƠ Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí, nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL được Cục Trồng trọt công nhận là quy trình tổng quát, cần phổ biến rộng toàn vùng.

Ngày 26/4, Cục Trồng trọt phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông nghiệp Nông thôn vùng ĐBSCL (Bộ NN-PTNT) tổ chức triển khai quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả cho lãnh đạo các Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các địa phương vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Như Cường (đứng), Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công bố quyết định về việc công nhận quy trình kỹ thuật lĩnh vực trồng trọt. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nguyễn Như Cường (đứng), Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công bố quyết định về việc công nhận quy trình kỹ thuật lĩnh vực trồng trọt. Ảnh: Kim Anh.

Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất tại vùng ĐBSCL được Cục Trồng trọt công nhận sẽ tạo thành phong trào giảm chi phí sản xuất rộng khắp vùng, trong thời gian ngắn có thể đánh giá hiệu quả, tạo sự chuyển biến của xã hội.

Theo Quyết định về việc công nhận quy trình kỹ thuật lĩnh vực trồng trọt được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) ban hành ngày 25/4/2022, quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL bao gồm 7 công đoạn cụ thể áp dụng cho vụ lúa đông xuân và hè thu gồm: Làm đất chuẩn bị đồng ruộng; chuẩn bị hạt giống; phân bón; quản lý nước tiết kiệm, hiệu quả; quản lý dịch hại; thu hoạch, xử lý sau thu hoạch; phạm vị địa điểm áp dụng quy trình.

Trong đó, tùy theo từng mùa vụ, điều kiện sinh thái, thời tiết và từng nhóm giống, lượng giống gieo sạ đảm bảo không quá 80kg/ha cho phương pháp sạ lan (bằng tay, máy phun hạt), sạ hàng và không quá 60kg/ha đối với phương pháp sạ theo cụm (khóm). Việc giảm lượng giống trong gieo sạ sẽ kéo theo tiết giảm phân bón, thuốc BVTV.

Thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị, doanh nghiệp ở ĐBSCL đã mạnh dạn áp dụng nhiều quy trình sản xuất lúa tiên tiến, giúp giảm chi phí sản xuất. Ảnh: LHV.

Thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị, doanh nghiệp ở ĐBSCL đã mạnh dạn áp dụng nhiều quy trình sản xuất lúa tiên tiến, giúp giảm chi phí sản xuất. Ảnh: LHV.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương đánh giá cao với quy trình giảm chi phí canh tác được ngành trồng trọt ban hành. Theo tính toán sơ bộ của các địa phương, quy trình này có thể giảm 15% chi phí trong sản xuất lúa. Sau cuộc họp, các địa phương vùng ĐBSCL sẽ nhanh chóng tuyên truyền, triển khai đến bà con nông dân, góp phần kiểm soát và nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL cơ bản là "mô hình mềm", tùy theo từng mùa vụ, điều kiện sản xuất của từng vùng, ngành trồng trọt sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá và điều chỉnh ngay cho phù hợp.

“Mưa dầm thấm lâu, muốn thay đổi nhận thức của người dân, phải có kế hoạch thực hiện kiên quyết, thay đổi suy nghĩ, thói quen sản xuất với cây lúa và các cây trồng khác”, ông Cường cho biết.

Ngoài quy trình giảm chi phí trong sản xuất lúa, sắp tới Cục Trồng trọt sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành thêm một số quy trình giảm chi phí áp dụng cho các loại cây trồng chủ lực khác.

Thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp, HTX tại ĐBSCL đã mạnh dạn áp dụng các quy trình sản xuất lúa tiên tiến, canh tác lúa thông minh như giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", quản lý dịch hại tổng hợp IPM, kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ, kỹ thuật tưới tiết kiệm nông - lộ - phơi...  

Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã mang lại nhiều lợi ích trong thực tiễn, giúp giảm chi phí sản xuất, nhất là trong bối cảnh giá nhiều vật tư đầu vào, đặc biệt là giá phân bón tăng cao. 

Đây là những tiền đề, thực tiễn quan trọng để Cục Trồng trọt tiến tới ban hành quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL. 

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.