| Hotline: 0983.970.780

Bài tham dự cuộc thi "Rừng là cuộc sống của tôi":

Ông hạt trưởng kiểm lâm được tặng... quan tài và 'triết lý' chiếc iPad, cây bút máy

Thứ Ba 08/11/2016 , 07:40 (GMT+7)

Gặp ông một lần, tôi có niềm tin rằng ông là một trong số ít những người bảo vệ rừng tốt nhất mà tôi từng gặp. Bằng sự khéo léo, linh hoạt, ông đã “thu phục” được những đối tượng “cộm cán” ở địa bàn từ phá rừng quay lại giữ rừng.

 Ông là Nguyễn Văn Ách, còn gọi Bảy Ách, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp, Bình Phước.

Mời công binh đến rà... "quà"

Chúng tôi đến Hạt Kiểm lâm Bù Đốp đúng bữa trưa, mặc dù đây là lần đầu tiên gặp và trò chuyện, nhưng khi thấy chúng tôi, Hạt trưởng Nguyễn Văn Ách vồn vã mời: “Vào ăn bữa cơm đạm bạc với anh em. Vừa ăn vừa nói chuyện, đỡ mất thời gian”.

13-44-18_nh-1
Phút trải lòng của ông Bảy Ách với những năm gắn bó với rừng Bù Đốp
 

Thái độ của ông khiến tôi có cảm giác gần gũi, thân thiện như quen từ lâu lắm. Bữa cơm chỉ có đậu hũ dồn nấm, thịt bằm, đĩa mướp xào và tô canh… cũng mướp, nhưng đầm ấm và rất ngon miệng.

“Năm 2003, tôi về nhận nhiệm vụ ở đây, thấy tình hình phức tạp, cứ tưởng sức mình không làm nổi. Khi đó chuyện phá rừng ở đây ghê gớm lắm, lâm tặc vận chuyển gỗ bằng ghe, bè mảng trên tuyến đường sông Đắk Huýt nhộn nhịp như cái chợ trời. Sau khi về, tôi bỏ mấy tháng trời điều tra quy luật hoạt động của dân đi rừng, sau đó lên phương án.

Lần đó, chúng tôi phối hợp với công an, bảo vệ rừng và chính quyền “đánh” một trận quy mô lớn, thẳng vào “sào huyệt” của nhóm lâm tặc trên ngọn nguồn sông Đắk Huýt. Trận đó toàn thắng. 2 ngày sau, khi tôi đang công tác dưới tỉnh, mới 5 giờ sáng, anh em trong Hạt gọi điện thoại báo có người mang “quà” là cái quan tài để trước cổng Hạt, trên đó ghi dòng chữ “Binladen kính tặng anh Bảy”, tức là tôi, và bảo đừng về. Nhưng tôi vẫn về xem sự thể ra sao.

Về đến nơi, thấy cái quan tài sơn đỏ chót ở cổng Hạt, thú thực tôi cũng thoáng lạnh lưng. Vì sợ bên trong có chất nổ nên phải mời bên công binh quân đội đến để rà. Nhưng do “nó” đã được đóng đinh xung quanh nên máy rà có tít tít hoài, không rà được bên trong. Cuối cùng, mọi người thống nhất khiêng nó đến một bãi đất trống, để nếu bên trong có thuốc nổ thì không nguy hiểm cho dân, rồi dùng mũi khoan khoan một lỗ nhỏ bên hông, sau đó đưa mũi rà mìn vào mới được. Kết quả là bên trong không có gì. Lúc này mọi người mới thở phào”.

Tôi hỏi: “Sau đó có biết thủ phạm là ai không? Có tóm được không?”. Ông đáp: “Biết chứ. Hắn bị bắt sau đó 1 tuần. Do vụ việc có tính chất nghiêm trọng, cần răn đe nên bên công an họ làm rốt ráo, trong vòng 1 tháng là đem ra xử”. “Vậy lúc ra tù anh ta có tìm chú trả thù không?”. “Không. Lúc anh ta về tôi chủ động đến thăm hỏi, anh ta cũng ngại, xin lỗi tôi. Thấy hoàn cảnh gia đình anh ta khó khăn nên tôi tư vấn cho hắn chuyển hướng làm việc lương thiện, kiếm đồng tiền chân chính. Bây giờ anh ta rất chịu khó làm từ thiện, giúp chúng tôi chuyện giữ rừng, và đi đâu cũng khoe con nuôi chú Bảy”.

Anh Phong, Hạt phó Kiểm lâm Bù Đốp bảo, đó chỉ là một trong số mấy chục tay phá rừng có tiếng ở đây, ai cũng biết. Điều thú vị là từ ngày anh Bảy về đây, những tay lâm tặc đã giải nghệ như Điểu H., Trần M., Điểu P… đã gán cho rừng Bù Đốp một cái tên mới: “Rừng Bảy Ách”, và có “cho kẹo” cũng không dám “rớ” tới.

13-44-18_nh-2
Đây là người dàn ông (bên phải) từng một thời ngang dọc trong rừng, được ông Bảy Ách “kéo” về. Nay là một trong những nhân tố tích cực trong công tác giữ rừng
 

Chiếc iPad và cây bút máy

Vẻ mặt trầm ngâm, hướng mắt về phía xa xa, nơi có màu xanh ngút mắt của những cánh rừng, ông Ách nói: “Trận đánh tôi vừa kể thực ra chỉ là tình huống “chữa cháy”, khi đó gỗ đã bị cắt, đã tập kết, chuẩn bị chuyển ra thì mình chặn đường “đánh úp”. Đây là “hạ sách”, vì thứ nhất là lúc này dù có bắt được thì rừng cũng đã bị phá. Thứ 2 là nhóm lâm tặc này đã mất nhiều tháng trời vào rừng, cắt cây, vận chuyển ra, tập kết dưới sông, chuẩn bị kết bè chuyển xuống hạ lưu thì bị bắt, nên chúng rất cay cú. May là chưa gây ra hậu quả đáng tiếc. Nhưng lúc đó tôi mới về, chưa nắm hết tình hình, địa hình, con người ở đây, nên đành phải làm thế. Còn muốn ngăn chặn phá rừng, phải chặn từ gốc, phải nắm rõ ai kiếm sống bằng việc phá rừng, để chặn ngay khi họ có ý định vào rừng”.

13-44-18_nh-4
Cận cảnh một góc “Rừng Bảy Ách”
 

Sau khi nắm rõ địa bàn, nắm cơ bản danh sách những “đối tượng” phá rừng cộm cán, ông bắt đầu lên kế hoạch. Một mặt, ông cho người chốt giữ tất cả những “cửa rừng” gồm cả đường sông và đường bộ. Mỗi khi có chiếc ghe từ ngoài đi vào, ông đều cho kiểm tra, trên ghe chỉ có lưới cá, thực phẩm là được mang theo, còn các dụng cụ đi rừng, cưa cắt, giữ lại.

“Đây thực chất là những người phá rừng, cải trang thành ngư dân, vào rừng bằng đường sông thôi. Khi mình giữ dụng cụ, họ có vào rừng cũng chẳng làm được gì. Còn ở đường bộ, tuyệt đối không được vào rừng nếu không có lý do chính đáng.

Ở cửa ngõ vào rừng thì như thế, còn ở địa bàn dân cư, tôi thiết lập một mạng lưới trinh sát địa bàn, sau đó lên danh sách những người chuyên phá rừng và dõi sát, khi thấy họ có biểu hiện chuẩn bị đi rừng là tiếp cận, chỉ cần thế, họ biết bị “lộ” nên hủy. Cứ như thế, họ không đi rừng được, không thể nhịn mãi, nên buộc phải tìm kế sinh nhai khác. Lúc này, tôi tìm đến, tư vấn cho họ. Kết quả là bây giờ không còn ai vào phá rừng nữa", ông Ách kể.

Một lần gia đình ông Ách đi Đà Lạt, trên đường đi, ngang qua một khu rừng thông bị đốt, cháy nham nhở, khung cảnh rất hoang tàn, con gái ông thấy vậy, nói với mẹ nó: “Mẹ kêu ba lên đây làm đi. Có ba chắc rừng không bị phá thế này đâu”. Ông Ách nghe mà trong lòng dâng trào hạnh phúc. Câu nói của con gái sau đó đã giúp ông nhiều trong công tác dân vận, thuyết phục người phá rừng.

13-44-18_nh-5
Cận cảnh một góc “Rừng Bảy Ách”
 

Ông Ách nhớ nhất lần đến nhà một tay anh phá rừng có tiếng ở Bù Tam. Đến nhà, ông thấy hoàn cảnh gia đình thuộc loại khá, vợ chồng họ có 2 đứa con gái, rất dễ thương và rất được cưng chiều. Anh ta mua cho con cả iPad, thứ coi là xa xỉ ở đây khi đó, để chơi. Nhưng khi thấy ông Ách mặc đồng phục kiểm lâm, cháu có vẻ sợ, mặc cảm. Có lẽ sợ ba bị bắt.

Trong đầu ông nảy ra ý lấy đứa con ra thuyết phục người cha. Ông liền kéo anh ta ra ngoài tâm sự. Ông Ách kể lại câu chuyện con gái ông nói. Rồi bảo: “Anh kiếm tiền bất chính từ rừng, đó là vi phạm pháp luật. Vì thế, tiền kiếm được dù anh có mua cho con gái cái iPad như thế, nhưng chưa chắc nó đã tự hào, đến lớp đã dám khoe với bạn bè. Vì bạn bè nó biết tiền mua iPad là tiền bán gỗ phá rừng. Anh không tin cứ hỏi cháu xem có đúng không. Còn con gái tôi, tôi chỉ đủ tiền mua cho nó chiếc bút máy, nhưng nó rất tự hào, đến lớp là khoe hết với bạn”.

"Sau lần đó, anh ta bỏ đi rừng, ở nhà làm vườn, buôn bán lương thiện. Lâu lâu lại ra Hạt thăm anh em. Tình cảm lắm", ông Ách kể.

“Tôi thù lâm tặc một thì thù ông chủ rừng gấp mấy lần. Vì chính “ông” này “móc nối” với bên ngoài để phá rừng. Chứ nếu “ổng” giữ rừng nghiêm túc, không ai vào phá được đâu. Tôi từng vài lần có văn bản đề nghị tỉnh thay đổi cách quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó có đề xuất bỏ “ông” chủ rừng. Ngay cả lực lượng Kiểm lâm cũng vậy, nếu có phương pháp phù hợp với thực tế đơn vị thì không cần nhiều như hiện tại. Ngược lại thì có tăng lên bao nhiêu cũng vẫn cứ “mỏng”, tức vẫn không giữ được rừng”, ông Bảy Ách.

 

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Trồng 1.000 cây hoa ban tri ân mảnh đất Điện Biên Phủ

Chiến dịch 'Phủ xanh tương lai trên mảnh đất lịch sử' tiến hành trồng 1.000 cây hoa ban tại những di tích lịch sử quan trọng ở thành phố Điện Biên Phủ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.