| Hotline: 0983.970.780

Lan tỏa tình yêu rừng như một lẽ sống còn của cuộc sống

Thứ Sáu 25/11/2016 , 08:37 (GMT+7)

Chỉ sau hơn 3 tháng phát động, Ban tổ chức Cuộc thi viết “Rừng là cuộc sống của tôi” đã nhận được gần 200 bài dự thi. Hầu hết các tác giả đều là cán bộ kiểm lâm, những người làm rừng và một số là nhà báo chuyên nghiệp. Cảm hứng chung của các tác giả là một tình yêu rừng như một lẽ sống còn, phản ánh đa dạng...

17-32-50_luc-luong-kiem-lm-bo-ve-rung-nh-le-hong-vu
Lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)
 

Cuộc thi viết “Rừng là cuộc sống của tôi” do Tổng cục Lâm nghiệp và Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức cùng các nhà tài trợ là Chương trình UN-REDD VN giai đoạn II và Tổ chức GIZ. Đây đã là năm thứ hai nhưng sự hào hứng thì không những không giảm, mà còn tăng lên thấy rõ.

Chỉ sau hơn 3 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần 200 bài dự thi. Hầu hết các tác giả đều là cán bộ kiểm lâm, những người làm rừng và một số là nhà báo chuyên nghiệp.

Cảm hứng chung của các tác giả là một tình yêu rừng như một lẽ sống còn, phản ánh đa dạng cuộc trồng nuôi rừng vĩ đại và bền bỉ được diễn ra khắp mọi miền đất nước, từ rừng ngập mặn đến rừng nguyên sinh cổ thụ, từ rừng sản xuất đến rừng đầu nguồn. Nhưng kiên quyết và bền bỉ hơn là công cuộc bảo vệ rừng, chống lâm tặc - một cuộc chiến mà có lúc có nơi dường như thiếu cân sức.

Nội dung các bài tham dự cuộc thi nói lên phần nào con số rất đáng khích lệ: Độ che phủ của rừng đã đạt hơn 41%, xấp xỉ con số 43% năm 1943 là khi rừng của đất nước còn gần như nguyên vẹn mà lịch sử còn ghi nhận được.

Tất nhiên, tỉ lệ che phủ và chất lượng rừng là hai việc khác nhau và đó là vấn đề nhức nhối ở hầu hết các bài viết. Ở bài "'Nữ tướng' trên cánh rừng của những hòn đá biết đi" ghi nhận được cả cánh rừng Hang Dơi (Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Phú Thọ) chỉ còn 20 “cụ” nghiến có tuổi đời trên dưới ngàn năm. Khiến nhớ cuộc thi năm ngoái, con số cây gỗ hương còn sót lại của một bản xa xôi trên Tây Nguyên. Bên cạnh rừng sản xuất, rừng tái sinh đang xanh tốt trở lại, vẫn còn đó tình trạng xuống đáy của nạn khai thác rừng bừa bãi.

Tình trạng xuống đáy trong bài "'Uy lực' chốt giữ rừng làng Hà Ri, nỗi khiếp sợ của lâm tặc" của Dương Lam ngụ ý một nguyên nhân: Dân báo với trên có lâm tặc cưa gỗ, chở gỗ qua làng; trên bảo đang bận “việc lọ việc chai”, thôi thì dân tự nhóm lập chốt giữ rừng, cố nhiên có xin phép xã huyện hẳn hoi. Lập chốt ngay trên đường độc đạo về xuôi, khiến “lâm tặc chạy mất dép”; làng Hà Ri thuộc xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định giữ 2.000ha rừng đầu nguồn.

Với dân sống nhờ rừng như người Hà Ri, “nuôi rừng như nuôi người, như nuôi tương lai. Bây giờ mình giữ rừng, mai sau con cháu còn có nguồn thu từ rừng để sống” - một nhận thức rất đáng được cả nước khắc cốt ghi tâm.

Cũng với chủ đề này, loạt bài "Khi rừng là máu thịt" của Phúc Lập - Đoan Trang phản ánh cuộc chiến cam go, có nguy cơ mất mạng giữa những người kiên quyết bảo vệ với đám người liều lĩnh phá rừng để sống.

17-32-50_luc-luong-kiem-lm-bo-ve-rung-o-dbscl-nh-le-hong-vu-2
Ảnh: Lê Hoàng Vũ
 

Hoàn cảnh nghiệt ngã sinh ra “Người hùng ở Mã Đà, coi bảo vệ rừng như đánh giặc” với cặp vợ chồng cựu chiến binh già cùng làng xã thiết lập thế trận làng như có mắt, có thám báo, người lạ xuất hiện là biết ngay, tiếp cận và cật vấn ngay.

Ghê tợn hơn, lũ lâm tặc còn tặng Hạt trưởng Kiểm lâm một cỗ quan tài đầy hăm dọa. Không những không sờn lòng, ông Bảy Ách còn chủ động gặp gỡ kẻ hăm dọa mình, gặp những kẻ giàu có nhớ khai thác trái phép lâm sản; bằng nhời nhẽ thấu tình đạt lý, Bảy Ách kéo lâm tặc về với lương thiện, còn dùng họ như một lực lượng bảo vệ rừng. Bài "Ông hạt trưởng kiểm lâm được tặng... quan tài và 'triết lý' chiếc iPad, cây bút máy" hấp dẫn và có sức thuyết phục như chuyện cổ tích, cũng thật nhân văn.

Nhiều bài không hấp dẫn bằng, nhưng đọc kỹ cũng thật cảm động. Có bài dưới dạng thư gửi bố của cô con gái học lâm nghiệp, nói về tình yêu rừng như một lẽ sống; cam chịu vất vả vì một màu xanh đã nhen vào tâm hồn từ những ngày còn bé. Có bài viết về anh con trai kiểm lâm viên, “đa phần những con người lâm nghiệp có tâm hồn phóng khoáng, thuần khiết, yêu tự do giống như rừng - nơi họ thường xuyên tiếp xúc, những cánh rừng đại ngàn, trải dài tít tắp, thân thiện nồng nhiệt”.

Có bài như một tùy bút về “kho vàng” dưới tán rừng với 4.000 loài thảo dược quý. Hay những bài về tuổi trẻ khởi nghiệp trên rừng ngập mặn ở Bến Tre, bảo vệ sân chim ở Đồng Tháp, hành trình cây gáo nước ở Bù Đốp (Bình Phước)… Có thể hình dung các tác giả còn trẻ, rất giàu cảm xúc, nhưng còn chưa gắn cảm xúc vào những câu chuyện, sự vật, con người cụ thể. Mới thấy hồn, chưa thấy vóc.

Có những câu chuyện thú vị giữa kẻ phá với người giữ rừng.

17-32-50_trong-rung-nh-le-hong-vu
Trồng rừng (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)
 

Đây là chuyện giữa anh kiểm lâm với người dân tộc phá rừng của Đôn Giang trong "Đứa con của rừng": “Anh nói nhiều, hình như tất cả những gì học được từ môn Môi trường và phát triển bền vững từ giảng đường đều được nói hết trong buổi sáng ấy. Ba thanh niên Mèo vẫn im lặng lắng nghe. Rồi Mí Chơ - một trong ba thanh niên ấy nói: Chắc là mày nói đúng. Chặt cây làm lụt lội hay nắng nóng. Nhưng lụt lội hay nắng nóng thì đồng bằng chịu chứ, bọn tao ở rên này chả thấy gì… Với lại, bọn tao chặt cây chỉ để no bụng thôi, chứ có thành giàu có như bọn phá rừng khác đâu?”.

Số bài viết về trồng và nuôi giữ rừng ít hơn, ấn tượng về loạt bài này cũng không nóng dẫy lên như các bài chống nạn phá rừng. Âu cũng là phản ánh một sự thật: Trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng là việc của cả đời người, kiên trì và bền bỉ. Chính vì thế mà nó rất đáng quý.

17-32-50_luc-luo0ng-kiem-lm-thuc-hien-tho-tc-pccr-trong-mu-nng-nh-le-hong-vu
Lực lượng kiểm lâm thực hiện thao tác PCCR (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)
 

Bài "Cái tâm của một cán bộ lâm nghiệp vùng cao" kể về Nguyễn Ngọc Mính: … rừng núi Tam Trà đâu cũng có dấu chân anh, anh thuộc từng con suối, những con đường mòn đến những khu vực mà bọn lâm tặc lui tới, từ vùng giáp ranh Trà Bồng Quảng Ngãi, Trà Cót Bắc Trà Mi đến Núi Chúa, Dốc Huỹnh, Khe Rươm, Nà Tre. Hơn 30 năm kỳ khu như thế, đến nay thì anh Mính đã già, nhưng rừng Tam Trà vẫn giữ được màu xanh, chim vẫn hót bài ca đại ngàn, gỗ vẫn thơm, thân cây rừng vẫn sáng, vẫn cường tráng với đủ chủng loại.

Bài "Tấm gương sáng trồng rừng" ở xã Hương Minh, một xã vùng đệm của Vườn Quốc gia Vũ Quang nói về anh Phạm Văn Đức đã khoanh nuôi và trồng 20ha rừng, lại nhận bảo vệ 20ha nữa. Gần như cả đời anh lăn lộn với rừng, thu hàng trăm triệu mỗi năm từ rừng; trở thành chủ nhiệm HTX rồi Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã Hương Minh (Hà Tĩnh) đều từ rừng mà trưởng thành. Ấy là giàu sang từ rừng.

Thoát nghèo từ trồng rừng cũng có. Đấy là chị Trần Thị Hồng Loan (Quảng Trị). Từ 5ha đất hoang, chị xin được trồng rừng. Sau 20 năm, dưới tán rừng chị lại nuôi bò và gà vịt. Cần mẫn như thế, đến nay từ gỗ rừng, từ chăn nuôi chị đã thu 100 triệu/năm.

Có một thành công nữa của cuộc thi cũng rất đáng trân trọng. Trong bước chuyển nhận thức và tình yêu rừng năm nay, có các cơ quan đã huy động tập thể vào cuộc. Đó là Chi cục Kiểm lâm Lào Cai và Cao Bằng. Lào Cai có mấy chục bài, rải đều các hạt khắp tỉnh. Qua các bài thi, một hiện thực nổi lên rất rõ: Tình yêu rừng, sự quan tâm đến rừng ở đây sôi động biết bao!

Tác giả Chu Minh Khôi (giải Ba với bài "Buồn vui dưới tán rừng lim xanh cổ thụ"): Chúng ta dần quên lãng nhiệm vụ bảo vệ rừng

14-43-46_dscn4551
 

Tôi may mắn có được những chuyến đi điền dã theo các cán bộ, chuyên gia của ngành lâm nghiệp và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội đến các bản làng gần rừng để tìm hiểu về cuộc sống cộng đồng gắn bó với lâm nghiệp. Trong các chuyến đi ấy, chúng tôi thấy được, ý thức bảo vệ rừng là truyền thống tốt đẹp của cha ông ta đã có từ thời xa xưa.

Ở nhiều nơi, bảo vệ và khai thác rừng gắn với luật tục của đồng bào, thậm chí phản ánh cả dấu ấn “tín ngưỡng” trong khai thác, bảo quản, bảo vệ rừng và đất rừng, tài nguyên rừng. Tín ngưỡng thờ thần rừng rất phổ biến, thậm chí có những cây rừng cổ thụ được người dân tin sung và lập miếu thờ. Trong hương ước của nhiều cộng đồng thôn bản người dân tộc thiểu số có các quy định về cấm khai thác, bảo vệ cây cối, hoa trái, chim thú, cá tôm… trong rừng. Người nào vi phạm, tuỳ vào mức độ mà quy hình phạt, chẳng hạn phạt 30kg thịt lợn, 30kg gạo và 30 lít rượu. 

Trong cuộc sống vội vã thời thị trường đã làm chúng ta dần quên lãng nhiệm vụ bảo vệ rừng, họ trút gánh nặng bảo vệ rừng lên vai ngành kiểm lâm. Trong bối cảnh đó, cuộc thi “Rừng và cuộc sống của tôi” rất có ý nghĩa, đã góp phần khơi dậy và khiến lan tỏa tình yêu rừng và trách nhiệm bảo vệ rừng vào tâm thức của từng người viết, lan tỏa tới đông đảo người dân và cộng đồng thôn bản.

 

Tác giả Dương Lam (giải Nhì với bài "'Uy lực' chốt giữ rừng làng Hà Ri, nỗi khiếp sợ của lâm tặc"): Cuộc thi vô cùng ý nghĩa

14-48-54_di-rung
Tác giả Dương Lam (ngồi sau) trong 1 chuyến vào rừng
 

Có vào rừng tôi mới thấu được nỗi khổ của anh em kiểm lâm trong công tác giữ rừng. Rừng mênh mông lắm. Vài ba con người lọt vào đấy chẳng khác gì những hạt cát rơi xuống biển. Trong khi nơi nào trong rừng có cây gỗ lớn là nơi ấy có lâm tặc. Mà đã là “tặc” thì hoạt động lén lút, nhiều mánh khóe. 

Ví như loài khỉ đi tìm trái ngọt trong rừng, thấy bóng người là chúng biến mất, khi vắng bóng người thì chúng lại túa ra lục lọi. Lâm tặc khác hơn khỉ là không chỉ có tránh né, nếu chúng đang hoạt động mà gặp người ngăn chặn là chúng sẵn sàng manh động, thậm chí hành hung. Tôi đã từng chứng kiến không ít cảnh cán bộ kiểm lâm bị đổ máu trong những lúc thi hành nhiệm vụ, và đó đây cũng đã có nhiều anh em phải bỏ mạng trong công tác giữ rừng.

Đó chỉ là vài nét khắc họa những gian khổ, khó khăn bề bề của những người lính giữ rừng. Do vậy, tôi hết sức tâm đắc với cuộc thi viết “Rừng là cuộc sống của tôi”. Bởi lẽ, đây là cơ hội để những người viết sẻ chia phần nào những cơ cực của người lính kiểm lâm, của những người đang làm công tác bảo vệ rừng, và cả những người dân đau đáu giữ rừng bằng tâm huyết lên trang viết.

Tác giả Phúc Lập (giải Nhất với bài "Ông hạt trưởng kiểm lâm được tặng... quan tài và 'triết lý' chiếc iPad, cây bút máy"): Không ít kiểm lâm đổi mạng sống để giữ rừng

img-5087163436541
 

Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam, mà cả loài người phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu đang ngày càng trầm trọng. Một trong những nguyên nhân chính gây ra những thảm họa về khí hậu là do bàn tay con người tác động xấu đến hệ sinh thái, môi trường. Trong đó nghiêm trọng nhất là nạn phá rừng.

Vì thế, những năm gần đây, Nhà nước ta đã có những hành động quyết liệt để ngăn chặn tình trạng phá rừng, bảo vệ những cánh rừng ít ỏi còn lại, dù muộn nhưng vẫn còn hơn là không làm gì.

Cuộc thi “Rừng là cuộc sống của tôi” tuy chỉ là một lát cắt nhỏ trong công cuộc bảo vệ rừng, nhưng cũng có ý nghĩa rất lớn. Bởi từ những bài viết, chúng ta mới biết, rừng quan trọng như thế nào đối với sự tồn vong của con người. Không có những cánh rừng, con người khó mà tồn tại.

Và, từ những bài viết, chúng ta mới biết, ở khắp mọi vùng miền của đất nước, vẫn còn rất nhiều người đang âm thầm cống hiến thời gian, sức khỏe để bảo vệ, vun trồng những cánh rừng. Từ những bài viết, chúng ta có thể hình dung được bức tranh về cuộc chiến giữ rừng nó khốc liệt đến mức nào, những cán bộ kiểm lâm, người giữ rừng không chỉ hàng ngày đối mặt với hiểm nguy, mà còn đổ cả máu, đôi khi phải đổi cả mạng sống của mình để bảo vệ rừng.

 

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Kinh nghiệm 10 ngày thần tốc của Thái Lan

Cả hệ thống nông nghiệp Thái Lan đã vào cuộc, nhằm giải quyết dứt điểm việc tồn dư vàng O trên sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất