Vài năm trước, đời sống của đồng bào xã Thượng Ninh (Như Xuân) thiếu thốn đủ bề, cảnh tượng phải chạy vạy từng bữa ăn diễn ra liên hồi. Chẳng ai ngờ, chỉ sau một thời gian ngắn nơi đây đã có bước chuyển mình thần tốc về mọi mặt. Lý do, mọi người đều quả quyết “tất cả nhờ rừng mà ra”.
Ông Lê Đức Hạnh (thôn Đồng Tâm, xã Thượng Ninh) được xem là người soi đường mở lối phong trào trồng rừng, biến những diện tích đất hoang hóa trở thành rừng vàng.
Ông Lê Đức Hạnh bên diện tích rừng keo đã được 3 năm tuổi |
Năm 2009 ông Hạnh khiến nhiều người sửng sốt khi đứng ra mua lại 70 ha đất tại đồi Hón Dân thuộc địa bàn thôn Tiến Thành với cái giá cao ngất ngưởng 1,4 tỷ đồng. Khu vực này lúc bấy giờ chẳng khác nào bãi đất hoang, đường đi không có, rừng chẳng ra rừng, bốn bề lau sậy kín mít.
“Kinh phí đầu tư rất tốn kém trong khi vợ chồng tôi chỉ có vỏn vẹn 150 triệu đồng, nghĩ lại thấy mình liều quá”, ông Hạnh cười.
Để hạn chế tối đa rủi ro, bước đầu ông Hạnh chỉ triển khai trồng keo trên diện tích 20 ha. Sau 5 năm ròng rã túc trực chăm bẵm, rốt cuộc những nỗ lực không biết mệt mỏi cũng được đền đáp xứng đáng, gần 40.000 thân keo giúp gia đình thu về khoản lãi ròng trên dưới 1 tỷ, cởi bỏ tấn áp lực đè nặng bấy lâu.
Đầu năm 2015 ông Hạnh quyết định chơi tất tay khi huy động thêm nguồn vốn để nhân rộng quy mô trên phần lớn diện tích. Ngoài ra còn tận dụng quỹ đất sẵn có để tăng gia sản xuất bằng cách nuôi dê, đào ao thả cá. Ông bận thì bà lo, hôm nào 2 vợ chồng có công có buổi thì 4 người con thay phiên nhau gánh vác.
Có bàn tay chăm sóc nên rừng keo lớn nhanh như thổi, nhiều khu vực đã khép tán kín mít tự bao giờ. Thành thử dù vẫn đang gồng gánh trên vai món nợ ngót nghét 3 tỷ đồng nhưng “tỷ phú rừng Hón Dân” tin rằng nội trong vòng 5 năm nữa gia đình dư sức thanh toán tất tần tật mọi khoản vay.
Cũng trong năm 2015 phong trào “thu gom” đất rừng bỗng chốc nóng lên, nhiều bận các đại gia lắm tiền nhiều của từ Hà Nội trực tiếp đánh xe về tận nơi đặt mua mức giá nhiều tỷ đồng. Số tiền rất lớn nhưng không khiến ông Hạnh đắn đo xao động, bởi một lẽ: “Còn rừng là còn của, còn tương lai”.
Thành công từ cách làm của ông Hạnh khiến nhiều gia đình thay đổi nếp nghĩ, những diện tích bỏ hoang sau bao năm nhanh chóng được đầu tư cải tạo, chẳng mấy chốc màu xanh bạt ngàn đã được phủ đầy. Nếu như tại đồi Hón Dân trước đây độc ông Hạnh canh tác thì giờ có đến 36 hộ xắn tay vào làm (Vi Văn Tiếp, Hà Minh Đính, Hà Văn Tiến, Vi Văn Hải…) với không khí hết sức khẩn trương.
Học tập ông Hạnh, nhiều hộ dân tại huyện Như Xuân triển khai tích tụ đất lâm nghiệp để phát triển kinh tế |
Không giấu nổi vui mừng, Phó Chủ tịch xã Thượng Ninh, ông Nguyễn Xuân Nhân hớn hở khoe: “Năm 1996 chỉ có 728 hộ nhận đất rừng sản xuất thì nay đã có trên 1.000 hộ hăng hái tham gia, chiếm khoảng 70% dân số. Nhờ vốn rừng đời sống của nhân dân ngày một sung túc. Qua khảo sát năm 2016, mức thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 19,4 triệu đồng/năm, dự kiến hết năm nay sẽ nâng lên mức 22,5 triệu đồng”.
Một điều đáng mừng là phong trào trồng cây gây rừng không chỉ phát triển ở Thượng Ninh mà còn lan tỏa rộng khắp đến nhiều xã khác như Thanh Xuân, Thanh Sơn, Yên Lễ, Tân Bình, Bình Lương...
Trên địa bàn huyện Như Xuân hiện có hơn 59.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó trên 32.000 ha đất rừng sản xuất đã được giao cho khoảng 4.000 hộ dân sử dụng ổn định lâu dài, tỷ lệ bình quân mỗi hộ sở hữu trên 8 ha. Tư liệu sản xuất rõ ràng không thiếu, giờ đây khi mọi thứ đã vào guồng quay tin rằng bà con hoàn toàn sống khỏe nhờ vốn rừng.
Được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực (dự án 147, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng…) nên người dân trên địa bàn huyện Như Xuân không ngần ngại triển khai tích tụ đất lâm nghiệp. Khắp huyện dễ đến hàng chục hộ gia đình sở hữu diện tích đất rừng với số lượng “khủng”, tiêu biểu như ông Lê Như Tuyển ở thôn 10, xã Bãi Trành, có trên 100 ha, hay Nguyễn Văn Dũng, thôn Đồng Trình, xã Xuân Hòa, có hơn 60ha. |