Tham dự có lãnh đạo ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, các hợp tác xã và nông dân trong khu vực.
“Dự án xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng cống Cái Lớn – Cái Bé, năm 2020-2021”, do ngành nông nghiệp Hậu Giang triển khai, xây dựng 4 mô hình sinh kế mẫu hiện có theo hướng nâng cao giá trị kinh tế. Cụ thể, mô hình khóm – khủy sản, tại xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh. Mô hình luân canh tôm – lúa, lúa – rau màu, tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ. Mô hình cây ăn trái, tại xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ.
Ông Lê Minh Thắng, Trưởng phòng Hành chính, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết: “Mô hình khóm – thủy sản, thực hiện trình diễn với diện tích 10 ha, có 8 hộ nông dân tham gia, sẽ hỗ trợ bơm bùn, cải tạo đất bằng vi sinh, đầu tư hệ thống tưới phun mưa. Mô hình tôm – lúa, diễn tích trình diễn 12 ha, có 6 hộ nông dân tham gia, hỗ trợ nạo vét kênh mương nội đồng, xây dựng trạm bơm điện, cầu giao thông nông thôn. Mô hình lúa – rau màu, có 17 hộ nông dân tham gia, diện tích 19 ha, hỗ trợ nạo vét kênh mương, xây dựng cống, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Mô hình trồng mãng cầu xiêm, diện tích 9,6 ha, với 12 hộ, hỗ trợ nạo vét kênh mương, đắp bờ bao, hệ thống tưới nhỏ giọt”.
Mục tiêu của dự án là xây dựng được các mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện của địa phương và thích nghị với điều kiện khi triển khai vận hành hệ thống công trình cống Cái Lớn – Cái Bé.
Tăng cường phục hồi và phát triển bảo vệ hệ sinh thái đảm bảo an toàn cho dân sinh, kinh tế, xã hội trước nguy cơ nước biển dâng và những tác động xấu của biến đổi khí hậu. Nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng dân cư trong vùng dự án thông qua xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn…
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất. Xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng về thủy lợi, giao thông, kết nối nội vùng với hệ thống giao thông hiện có, để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé nằm ở phía Tây ĐBSCL (thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang), có tổng diện tích tự nhiên vùng dự án là hơn 909 ngàn ha, thuộc địa bàn 6 tỉnh, thành: Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cần Thơ. Sau giai đoạn 1 của dự án hoàn thành, một diện tích rộng lớn khoảng trên 393 ngàn ha sẽ được hưởng lợi từ việc vận hành hệ thống này.
Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ NN-PTNT là đơn vị quyết định đầu tư. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10, thuộc Bộ NN-PTNT. Đây là một dự án xây dựng mới, có tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, thuộc nhóm A và là loại công trình nông nghiệp, phát triển nông thôn cấp 1.
Tỉnh Hậu Giang nằm ở trung tâm của vùng Tây sông Hậu, có địa hình trũng, thấp, long chảo, chịu ảnh hưởng của 2 chế độ thủy triều: bán nhật triều biển Đông và nhật triều biển Tây.
Trong những năm gần đây, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, biển đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp.
Đợt hạn mặn năm 2016, toàn tỉnh có 55 ngàn ha sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai là 39 tỷ đồng. Các năm tiếp theo sau đó (2017-2020), thiệt hại do thiên tai gây ra từ 4-7 tỷ đồng.
Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang đánh giá, khi hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé được xây dựng hoàn chỉnh, vận hành và phát huy hiệu quả, một diện tích hưởng lợi rộng lớn sẽ được kiểm soát mặn, triều cường, lũ lụt… tạo điều kiện cho người dân ổn định sản xuất. Tuy nhiên, một số diện tích ven sông sẽ bị ảnh hưởng do sự thay đổi điều kiện thủy văn, nguồn nước. Cụ thể là dải đất ven sông của huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh, tại các ô mẫu thuộc xã Lương Nghĩa và Thuận Hòa của huyện Long Mỹ, xã Hỏa Tiến của TP Vị Thanh.
Do đó, cần xây dựng các mô hình sinh kế, nhằm thích ứng cũng như phát huy hiệu quả kinh tế, từ lợi ích mà công trình Cái Lớn – Cái Bé mang lại.