| Hotline: 0983.970.780

Thoát nghèo nhờ tín dụng chính sách và nguồn vốn hỗ trợ sinh kế

Thứ Năm 08/10/2020 , 06:35 (GMT+7)

Kể từ năm 2018, tỉnh Thanh Hóa còn 6 huyện nghèo. Tín dụng chính sách và nguồn vốn hỗ trợ sinh kế đã giúp hàng chục nghìn hộ dân Thanh Hóa thoát nghèo.

Nguyễn Văn Cường, chàng trai có bàn chân dị tật đã thoát nghèo ngoạn mục từ nguốn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Như Xuân. Ảnh: Võ Dũng.

Nguyễn Văn Cường, chàng trai có bàn chân dị tật đã thoát nghèo ngoạn mục từ nguốn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Như Xuân. Ảnh: Võ Dũng.

Nguyễn Văn Cường, 33 tuổi tại thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em. Ngay từ khi sinh ra, bàn chân phải của Cường đã bị dị tật lại teo cơ bẩm sinh nên việc đi lại hết sức khó khăn. Ai cũng nghĩ, sau này cuộc sống của Cường phải dựa dẫm vào người thân.

Cường phải nghỉ học giữa chừng phụ giúp bố mẹ làm nông. Nhưng cuộc sống khó khăn, các anh chị trong nhà ra ở riêng, bố mẹ ốm yếu, Cường trở thành lao động chính. Rồi Cường cưới một cô gái trong làng về làm vợ, ba đứa con lần lượt ra đời càng nhân thêm gánh nặng cơm áo, gạo tiền.

Năm 2011, Cường nói với người vợ trẻ: “Tôi đăng ký với đoàn thanh niên xã, lên huyện vay tiền mua trâu giống, bò giống về nuôi. Làm nông nghiệp phải có con trâu, con bò cày kéo chứ cứ đi mượn, đi thuê mãi biết bao giờ mới hết cơ cực?”.

Nhưng thời điểm đó, một lần vay với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội chỉ được 5 triệu đồng, không đủ để mua một con bê giống chứ chưa nói đến mua trâu bò. Cường phải đi vay thêm mỗi nơi một ít được 15 triệu đồng nữa về mua hẳn một con trâu cái.

“Nhìn gia cảnh tôi không ai dám cho vay nhiều. Nhưng mỗi chỗ một ít, tôi gom đủ 20 triệu đồng về mua một con trâu cái. Trâu đẻ ra nghé, con đẹp tôi giữ lại làm giống, con thì bán thịt. Đến lúc đáo hạn ngân hàng thì bán trâu trả nợ. Trả xong, tôi lại vay 15 triệu nữa về chuyển sang nuôi bò. Sau đó lại bán bò trả nợ, vay thêm 30 triệu đồng nữa để đầu tư thêm. Giờ thì đàn bò có 24 con, năm 2017 tôi thoát diện hộ nghèo”, Cường tâm sự.

“Từ các nguồn vốn chúng tôi đã nỗ lực thực hiện nhiều chương trình giảm nghèo như hỗ trợ phát triển trồng trọt, chăn nuôi; khoán chăm sóc bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất; xây dựng các mô hình khuyến nông; hỗ trợ xuất khẩu lao động...

Đến ngày 7/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 275/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018-2020. Trong danh sách này, Như Xuân đã chính thức thoát nghèo” – bà Lê Thị Nhi, Trưởng phòng Lao động Thương binh xã hội huyện Như Xuân.

Nếu nhìn bàn chân được bao bọc bởi chiếc dép tổ ong không ai nghĩ Cường là người tàn tật. Nhìn Cường vác từng bó cỏ tấp lên xe công nông chở về cho bò ăn, ai cũng nghĩ anh là một chàng trai lực điền, có sức vóc hơn cả những người bình thường.

May thay, bàn chân không lành lặn nhưng không mấy khi Cường ốm vặt. Nắng hay mưa người ta đều thấy Cường ngồi trên xe bò lốp ra đồng cắt cỏ chở về cho bò ăn. Sau nhiều lần mua đi bán lại đàn bò, Cường đã sắm được chiếc xe công nông. Cường coi nó như đôi chân của mình.

“Thường ngày thì đi cắt cỏ voi về cho bò ăn. Thi thoảng ai thuê chở lúa, chở mía, sắn tôi cũng chở. Có xe như có thêm đôi chân, tôi lái chậm nhưng chắc lại nhiệt tình nên bà con ai cũng thương”, Cường trải lòng.

Cường bảo, trước đây do không biết nên xây chuồng trại gần nhà, giờ phải dời ra cuối vườn để không còn hôi thối. Cường tự thiết kế chuồng trại, có hố ủ phân, khu ủ thức ăn để dự định tăng đàn bò lên 40 - 50 con. Cường còn xây thêm 1 khu nuôi gà gia công cho một trang trại lớn trên địa bàn.

“Giờ chưa giàu nhưng không còn nghèo nữa. Tôi vẫn còn nợ ngân hàng nhưng là để đầu tư chăn nuôi lớn, để làm giàu. Mỗi năm, đàn bò cũng cho gia đình tôi nguồn thu trên dưới 100 triệu đồng. Vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Như Xuân đúng là cứu cánh cho cuộc đời tôi”, Cường vui vẻ.

Ông Nguyễn Thiện Bình, một hộ dân đã thoát nghèo năm 2015 tại thôn 4, xã Xuân Bình, huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) cho hay, nếu không được nhận hỗ trợ bê giống, nếu không được vay tiền tín dụng học sinh sinh viên thì không biết đến lúc này con cái ông có học hết đại học và có công ăn việc làm ổn định hay không.

Cả nhà ông Bình 5 miệng ăn nhưng không có ruộng đất, chỉ nhìn vào 7 sào (3.500m2) cao su nhận khoán của lâm trường Như Xuân. Những năm giá cao su rớt đáy, gia đình ông rơi vào cảnh khốn khó, 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, căn nhà dột nát khắp nơi nhưng không có tiền tu sửa.

Năm 2013, sau khi nhận một con bê dự án 30a, vợ chồng ông ra sức chăm sóc. Con bê trở thành bò mạ, đẻ ra những con bê con. Ông mua đi, bán lại rồi tuyển chọn được 2 con bò mạ, mỗi năm cũng cho nguồn thu 30 - 40 triệu đồng. Khi con học đại học gia đình ông được vay vốn tín dụng học sinh sinh viên, rồi vay tiền cho con đi xuất khẩu lao động. Đến 2015 thì gia đình ông Bình thoát nghèo.

Ông Nguyễn Thiện Bình thoát nghèo nhờ được cấp bò dự án và vay tín dụng chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Thiện Bình thoát nghèo nhờ được cấp bò dự án và vay tín dụng chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Võ Dũng.

“Mỗi tháng con gửi về 40 - 50 triệu đồng nên gia đình tôi mới có tiền đầu tư sản xuất, sửa sang lại nhà cửa, ổn định cuộc sống. Giờ trong chuồng có 2 bò mạ, làm khoán 7 sào cao su, chăn nuôi thêm con gà, con vịt nên cuộc sống cũng không đến nỗi nào”, ông Bình trải lòng.

Ông Phùng Bá Hồng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Như Xuân cho hay, tổng dư nợ cho vay các chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện hiện nay trên 380 tỷ đồng nhưng nợ quá hạn chỉ 0,18%. Điều này cho thấy, việc cho vay tín dụng chính sách giảm nghèo trên địa bàn đang phát huy hiệu quả.

“Chúng tôi triển khai cho vay thông qua các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ... Các tổ chức này, ngoài việc thẩm định, phân bổ nguồn vốn vay còn có trách nhiệm giúp những hộ vay vốn có phương pháp làm ăn, sản xuất hiệu quả để thoát nghèo”, ông Hồng chia sẻ.

Lê Thị Nhi, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Như Xuân cho biết, Như Xuân là một huyện nghèo nhưng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Ngay từ khi thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, Huyện ủy, UBND huyện Như Xuân đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Trong 12 năm qua, từ nguồn ngân sách Trung ương (trên 1,7 nghìn tỷ đồng); ngân sách địa phương (trên 950 tỷ đồng); hỗ trợ của các doanh nghiệp, lồng ghép từ các chương trình dự án, Như Xuân đã thoát nghèo ngoạn mục.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.