Ông Vũ Ngọc Huyên, Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Cuộc thi "Khởi nghiệp Nông nghiệp" do Học viện Nông nghiệp Việt Nam khởi xướng và tổ chức từ năm 2014 với sứ mệnh tắp sáng, lan toả, thắp sáng ý tưởng khởi nghiệp cho sinh viên, tạo mô trường cho các bạn trẻ giao lưu, chia sẻ các kiến thức, kỹ năng khỏi nghiệp để các em định hình được cho mình hướng đi, định hướng cho tương lại trong quá trình lập thân, lập nghiệp sau khi tốt nghiệp ra trường.
Có được những chương trình như thế các bạn sinh viên sẽ hình dung được tốt hơn, tự mình thấy kiến thức nào thiếu, kiến thức nào cần được bồi dưỡng thêm các em sẽ học để tích luỹ để sẵn sàng hoà nhập, bắt nhịp cuộc sống, có thể khởi nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp ra trường.
Cũng theo ông Huyên, từ 2014 đến nay, chương trình đã thu hút gần 1.300 ý tưởng, dự án khởi nghiệp dự thi đến từ các trường cao đẳng, đại học và nhiều địa phương trên cả nước.
Đặc biệt, các dự án từ chương trình "Khởi nghiệp nông nghiệp" đã đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi "Khởi nghiệp quốc gia"; nhiều dự án đã phát triển thành các doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho cộng đồng; tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động ở các địa phương, tạo tiếng vang lớn trong xã hội.
Điển hình là ý tưởng của một sinh viên từng học trong trường bảo tồn, phát triển giống chè San Tuyết, loại trà cổ thụ ở Hà Giang. Sinh viên này đã được các thầy cô hỗ trợ thành dự án khởi nghiệp giành giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia năm 2016.
Hiện sinh viên đã tốt nghiệp ra trường, trở về quê hương phát triển dự án thành công - thành lập doanh nghiệp chè San Tuyết Bó Đướt. Nhiều sản phẩm của thương hiệu này không chỉ phục vụ trong nước mà đã tự tin xuất khẩu ra nước ngoài được khách hàng khó tính đón nhận.
Trưởng ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2020, Chủ tịch Công đoàn Học viện Nông nghiệp Việt Nam, TS. Nguyễn Tất Thắng cho biết: Chương trình Khởi nghiệp Nông nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020 của Học viện gồm 3 vòng với nhiều hoạt động bổ ích:
Vòng 1: Tuyển chọn ý tưởng. Ban tổ chức sẽ thu các ý tưởng dự án từ nay đến hết tháng 7/2020. Các ý tưởng được trình bày ngắn gọn trong 2 trang A4, theo mẫu của Hội đồng khởi nghiệp quốc gia.
Vòng này tập trung phát hiện các ý tưởng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, giải quyết các vấn đề thiết thực trong thực tiễn…
Ban tổ chức đã nhận được hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp. Và sau thời gian chọn lọc, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn được ra 32 ý tưởng vòng 2.
Vòng 2: Xây dựng, phát triển và hoàn thiện dự án. Ban tổ chức tổ chức chấm ý tưởng dự án, tìm ra các ý tưởng xuất sắc, có giá trị để tiếp tục hỗ trợ các nhóm thanh niên, sinh viên phát triển thành các đề án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; mời các chuyên gia hàng đầu tổ chức các lớp đào tạo kiến thức, kĩ năng khởi nghiệp cho sinh viên; tư vấn hướng dẫn các nhóm sự án hoàn thiện ý tưởng và dự án khởi nghiệp.
Chương trình đào tạo cho 32 ý tưởng vòng 2 này sẽ diễn ra từ ngày 2/10 đến 4/10.
Vòng 3: Chung kết. Ban tổ chức và hội đồng giám khảo tổ chức đánh giá tìm ra 5 dự án xuất sắc vào chung kết Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2020. Hỗ trợ các nhóm dự án hoàn thiện sản phẩm, phát triển các giai đoạn tiếp theo.
Căn cứ kết quả đánh giá của Hội đồng Giám khảo, Ban tổ chức sẽ trao: 01 giải Nhất 30 triệu đồng; 01 giải Nhì 15 triệu đồng; 02 giải Ba 7 triệu đồng/giải, tổng trị giá 14 triệu đồng; 02 giải Khuyến khích 5 triệu đồng/giải, tổng trị giá 10 triệu đồng; 1 giải dự án được yêu thích nhất, trị giá 2 triệu đồng.