| Hotline: 0983.970.780

Khởi sắc vùng nông thôn “xứ Tiên”

Thứ Năm 28/01/2021 , 08:38 (GMT+7)

Với nhiều chính sách hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn huyện Tiên Phước đã có những chuyển biến rõ nét, đời sống người dân được nâng cao.

Nhiều mô hình cây ăn quả ở huyện Tiên Phước mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người dân. Ảnh: L.K.

Nhiều mô hình cây ăn quả ở huyện Tiên Phước mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người dân. Ảnh: L.K.

Có thể nói, 10 năm qua, huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) đã rất thành công trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM. Chính quyền các cấp đã có những cơ chế, chính sách hợp lý với tình hình thực tế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội.

Một trong số đó có thể kể đến Đề án 548 về “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025”.

Trong đó, Đề án tập trung hướng dẫn hỗ trợ người dân chỉnh trang vườn nhà, cải tạo mở mới vườn đồi, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình góp phần tăng đáng kể về diện tích cũng như sản lượng các loại cây ăn quả và cây đặc thù chủ lực trên địa bàn huyện.

Ông Thái Nguyên Khoa (trú xóm Hố Quờn, thôn Phái Đông, thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) cho biết, sự ra đời của đề án 548 cùng với việc xúc tiến, đầu tư các hạng mục hạ tầng giao thông, công trình phụ trợ phục vụ phát triển du lịch giúp ông mạnh dạn bỏ tiền đắp bờ đá, tường đá, đầu tư hệ thống tưới bán tự động cho vườn cây.

“Nhờ vậy, vườn cây trái giúp tôi tích cóp nuôi con cái ăn học, sửa sang nhà cửa, là nguồn thu ổn định nhất của gia đình. Sự hỗ trợ của Nhà nước, theo tôi là rất tốt đối với người nông dân, khuyến khích cần thiết để mạnh dạn phát triển nhà vườn và có điều kiện để sau này kết hợp thêm các mục đích khác nhằm tăng thu nhập”, ông Khoa chia sẻ.

Sau 3 năm triển khai Đề án, nhiều hộ gia đình trên các thôn, xã của huyện Tiên Phước đã quyết định đầu tư, phát triển mạnh nhiều mô hình cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, diện tích cây trồng chủ lực của địa phương đều vượt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.

Toàn huyện hiện có khoảng 160ha tiêu, 320ha thanh trà, 350ha lòn bon, 150ha măng cụt, 124ha sầu riêng…; có 522 hộ vườn đầu tư cải tạo, nâng cấp chỉnh trang đạt tiêu chí vườn xanh – sạch – đẹp – hiệu quả. Tổng diện tích vườn trên địa bàn huyện hiện nay là 5.882ha, diện tích vườn được chỉnh trang, cơ cấu cây trồng hợp lý, hiệu quả là 3.884ha (chiếm 68%).

Bên cạnh đó, việc quy hoạch tổ chức các vùng sản xuất, vùng trồng cây ăn quả gắn với kinh tế vườn hình thành rõ nét hơn. Nhiều giống cây trồng mới được di thực, trồng khảo nghiệm thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương sinh trưởng, phát triển tốt.

Giá trị sản xuất kinh tế vườn tăng bình quân 60 triệu đồng/ha (so với năm 2015). Hầu hết các loại cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm thu nhập gấp 4 – 5 lần so với sản xuất lúa. Nhiều mô hình vườn hộ điển hình về thu nhập và hiệu quả kinh tế như: tiêu Tiên Phước đạt 1 tỷ đồng/ha/năm, mô hình măng cụt đạt 450 triệu đồng/ha/năm, mô hình sầu riêng đạt 500 triệu đồng/ha/năm….

Ông Tống Phước Thuần, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Tiên Phước cho biết, thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án 548 còn gặp một số khó khăn do nguồn lực nhân dân khá mỏng, hỗ trợ của địa phương cũng còn khiêm tốn. Tuy nhiên, từ năm 2019, UBND huyện chỉ đạo các địa phương khảo sát nhu cầu của dân, bám theo và lồng ghép các cơ chế của tỉnh và trung ương để tăng cường nguồn lực.

Nhờ vậy mà một chuỗi giá trị được hình thành, đề án được bổ sung, từ đó phong trào đi lên rất mạnh. Xã Tiên Cảnh là địa phương đi đầu trong chỉnh trang nhà, vườn, mở rộng các ngõ đá, tường rào đá, giữ vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Có thể thấy ngay hiệu quả khi nhiều khu vườn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi ha/năm, hơn 1.000 hộ dân hưởng lợi từ đề án. Trên đà khả quan ấy, hiện nay tiến độ giải ngân cũng khá tốt. Phòng NN-PTNT cũng hỗ trợ tích cực các giải pháp kỹ thuật, định hướng chuyển sang sản xuất hữu cơ trong tương lai và đang đề xuất tỉnh có cơ chế hỗ trợ chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng cho nông sản.

“Làm từ ít đến nhiều, đi vào chiều sâu, tìm “giấy thông hành” cho nông sản đi ra thị trường bằng các chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Tất nhiên, những chương trình này được gắn với OCOP, phát triển theo định hướng kinh tế vườn gắn với du lịch sinh thái, từng bước góp phần đưa Tiên Phước trở thành huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2030”, ông Thuần nói.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.