| Hotline: 0983.970.780

Sắc xuân ở cù lao Mỹ Hòa Hưng

Thứ Năm 21/01/2021 , 15:44 (GMT+7)

Những ngày cuối năm, về xã Mỹ Hòa Hưng (cù lao Ông Hổ), thành phố Long Xuyên, quê hương cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng thấy bất ngờ trước sự thay đổi nhiều hứa hẹn.

Cù lao khởi sắc

Những ngày giáp tết Tân Sửu, qua chuyến phà Ô Môi vượt dòng sông Hậu hiền hòa, bốn bề gió lộng, bình yên, đến xã Mỹ Hòa Hưng (Cù lao Ông Hổ), quê hương cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng, thấy bất ngờ trước sự chuyển mình vươn lên của một xã cù lao và là xã nông thôn mới đầu tiên của TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang.

 Làng nuôi cá bè của người dân xã NTM Mỹ Hòa Hưng, giúp cho nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định và là điểm tham quan du lịch lý tưởng du khách. 

 Làng nuôi cá bè của người dân xã NTM Mỹ Hòa Hưng, giúp cho nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định và là điểm tham quan du lịch lý tưởng du khách. 

Chúng tôi dễ dàng nhận thấy bộ mặt nông thôn đã được “thay da đổi thịt”, sắc xuân ấm nồng, sức sống mới hiện rõ trên từng ấp, khóm và từng ngôi nhà. Công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) đã thổi luồng sinh khí mới đến vùng quê này…

Nhiều công trình giao thông nông thôn in đậm dấu ấn của cộng đồng. Người dân sẵn sàng góp tiền của, công sức, hiến đất... chung sức, đồng lòng cùng địa phương mở rộng, nâng cấp cầu, đường, xây dựng quê hương, xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Văn Tri, ở ấp Mỹ Long 1, xã Mỹ Hòa Hưng cho biết: Cách đây khoảng 15 năm vẫn còn nhiều nhà cây, vách lá; đường sá còn nhỏ hẹp, sình lầy, chưa thông suốt, đi lại khó khăn. Giờ đây, Mỹ Hòa Hưng đổi thay, phát triển từng ngày. Những con đường lầy lội, trơn trượt, những cây cầu gỗ “lắc lư” năm xưa, nay được đổ bê  tông chắc chắn.

Không có gì vui sướng bằng hàng ngày, nhìn con cháu của mình được cắp sách đến trường đi trên những con đường trải nhựa, tráng bê  tông, không còn cảnh bùn sình lấm lem khi mỗi mùa mưa đến. Những ngôi trường bằng lá, bằng cây đã được “tường hóa” và đều đạt chuẩn quốc gia. Xã nghèo năm xưa, nay xuất hiện nhiều triệu phú từ nông nghiệp…

Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, người dân Mỹ Hòa Hưng đã từng bước hình thành cách làm ăn mới trong sản xuất- kinh doanh. Anh Huỳnh Ngọc Diện, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xã Mỹ Hòa Hưng cho biết: “Trồng rau an toàn luân canh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, góp phần bảo vệ môi trường, mang đến nguồn rau sạch, chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người dân”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng, ông Đỗ Hữu Học chia sẻ: Là xã thuần nông, nên so với những xã, phường khác thì quá trình xây dựng, phát triển của xã Mỹ Hòa Hưng mất khá nhiều thời gian. Năm 2012, Khu lưu niệm cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng được công nhận Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt đã tạo điều kiện thuận lợi để xã kết hợp phát triển du lịch sinh thái phục vụ khách tham quan trong nước, quốc tế. Nhờ đó, kinh tế, văn hóa – xã hội của Mỹ Hòa Hưng ngày thêm khởi sắc.

“Đến nay, thu nhập đạt hơn 55 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 25 triệu đồng/người/năm so năm 2015); 100% tuyến đường giao nông thôn đã được nhựa hóa, bê – tông hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân; hộ nghèo giảm xuống còn 0,14%, hơn 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế...

Mỹ Hòa Hưng là một trong những địa phương đi đầu thực hiện ứng dụng công nghệ cao, sản xuất rau màu, cây ăn trái an toàn, theo tiêu chuẩn VietGap... và từng bước hình thành chuỗi liên kết đầu ra cho sản phẩm, nâng tổng giá trị sản xuất nông nghiệp lên 157 triệu đồng”, ông Học cho biết.

Tiềm năng phát triển

Đến Mỹ Hòa Hưng, chúng tôi được giới thiệu về làng du lịch homestay đầu tiên của tỉnh An Giang. Trong ngôi nhà gỗ cổ xưa nhất nhì ở Mỹ Hòa Hưng, với hơn 140 năm tuổi, ông Tôn Thất Đính, cháu họ Bác Tôn, là Chủ nhiệm Tổ du lịch cộng đồng xã, chia sẻ: “Bà con làm du lịch cộng đồng được hơn 10 năm, ở đây có 11 hộ làm du lịch Homestay, phục vụ các hoạt động ẩm thực, lưu trú và hướng dẫn du khách tham quan.Mỗi tháng, một hộ đón bình quân khoảng 400 – 500 khách. Làm du lịch kết hợp với làm vườn, trồng xoài, làm rẫy, nghề thủ công... nên đời sống bà con rất khá, vừa có thêm thu nhập, vừa để mọi người đến đây hiểu hơn về Bác Tôn và quê hương Bác”.

Anh Huỳnh Thanh Phong (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) không giấu được niềm vui, nói: Đến Mỹ Hòa Hưng du khách được đi thăm các làng nghề truyền thống: Cưa xẻ gỗ, se nhang, dệt vải, dệt mùng...

Đặc biệt, được đi thuyền trên sông Hậu để tìm hiểu cuộc sống người dân trên sông nước, thăm làng bè. Buổi tối, du khách được lưu trú ở các homestay đảm bảo chuẩn phục vụ du lịch. “Được cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với người dân quả thật là một trải nghiệm thú vị. Mình đã đến đây 2 lần, dấu ấn để lại rất khó quên. Chắc chắn mình sẽ trở lại nhiều lần nữa”, anh Phong chia sẻ.

Nhịp sống mới rộn rã, tưng bừng trên cù lao Ông Hổ. Sắc xuân đang hiện hữu trên từng cành cây, kẽ lá và hơn hết là niềm phấn khởi của những người dân đã ra sức để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Tin rằng, với truyền thống quê hương giàu lòng yêu nước, sự quyết tâm của Đảng bộ và sự đồng lòng của người dân, không xa Mỹ Hòa Hưng sẽ trở thành xã điểm về kinh tế và văn hóa của thành phố Long Xuyên. 

Ông Tôn Thất Đính (Chủ nhiệm Tổ du lịch cộng đồng xã Mỹ Hòa Hưng) chăm sóc lan để phục vụ khách du lịch tham quan.

Ông Tôn Thất Đính (Chủ nhiệm Tổ du lịch cộng đồng xã Mỹ Hòa Hưng) chăm sóc lan để phục vụ khách du lịch tham quan.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.