| Hotline: 0983.970.780

Không áp hạn ngạch cũng không lo xuất hết gạo

Thứ Tư 22/04/2020 , 07:34 (GMT+7)

Với sản lượng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long và năng lực logistics hiện nay, nếu cho xuất khẩu không hạn chế số lượng như trước đây, vẫn không lo hết gạo.

Bốc xếp gạo tại nhà máy. Ảnh: Tân Long Group.

Bốc xếp gạo tại nhà máy. Ảnh: Tân Long Group.

Dư 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo

Theo Thạc sỹ Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, dù Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn mặn khốc liệt, nhưng vụ lúa đông xuân 2019-2020 của khu vực này vẫn thành công.

Cụ thể, diện tích xuống giống là 1,541 triệu ha, giảm 63 nghìn ha (không tính diện tích gieo trồng lúa ngoài kế hoạch của tỉnh Bến Tre trên 5 nghìn ha); năng suất ước đạt 69,79 tạ/ha, tăng 2,01 tạ/ha; sản lượng ước đạt 10,755 triệu tấn, giảm 118,9 nghìn tấn so vụ đông xuân trước.

Lượng lúa giảm như trên, chủ yếu do giảm diện tích để giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn. Nhưng lượng lúa giảm là khá nhỏ so với tổng sản lượng vụ đông xuân ở ĐBSCL, do đó hầu như không ảnh hưởng gì tới khả năng cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu của vụ lúa này.

Cụ thể, với tổng sản lượng lúa thu được từ vụ đông xuân 2019-2020, quy ra gạo vào khoảng 6 triệu tấn. Trong đó, 3 triệu tấn đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng của ĐBSCL và TP.HCM (sản xuất lúa ở các vùng miền khác trên cả nước cơ bản đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ), còn 3 triệu tấn hoàn toàn có thể dùng để xuất khẩu.

Trong vụ hè thu 2020, toàn ĐBSCL, diện tích xuống giống là hơn 1,5 triệu ha, sản lượng dự kiến hơn 8,7 triệu tấn. Vụ thu đông, diện tích xuống giống của toàn vùng là 750 ngàn ha, sản lượng dự kiến hơn 4,1 triệu tấn. Diện tích vụ mùa là 176 ngàn ha, sản lượng khoảng 850 ngàn tấn.

Với sản lượng kế hoạch của tất cả các vụ như trên, dự kiến trong cả năm nay, tổng sản lượng lúa ở ĐBSCL là gần 24,5 triệu tấn.

Xuất khẩu gạo ở Cty Lương thực Sông Hậu, Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xuất khẩu gạo ở Cty Lương thực Sông Hậu, Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Đinh Viết Tú, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), trong thời gian 6 tháng đầu năm, toàn bộ lúa vụ đông xuân trên cả nước sẽ được thu hoạch, sản lượng dự kiến đạt khoảng 20,1 triệu tấn lúa. Trong đó, các tỉnh phía Bắc là 6,9 triệu tấn, các tỉnh phía Nam là 13,2 triệu tấn.

Trong thời gian 6 tháng cuối năm, toàn bộ lúa vụ hè thu, mùa, thu đông cả nước được thu hoạch với sản lượng dự kiến là 23,4 triệu tấn lúa. Trong đó, các tỉnh phía Bắc là 6,2 triệu tấn, các tỉnh phía Nam là 17,2 triệu tấn.

Tính ra, trong cả năm nay, tổng sản lượng lúa của cả nước dự kiến 43,5 triệu tấn lúa, tăng khoảng 80 nghìn tấn so với năm 2019, đảm bảo đủ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khoảng 6,5-7 triệu tấn gạo.

Tại cuộc họp về xuất khẩu gạo do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì ngày 20/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, cũng cho biết, lượng gạo vụ đông xuân dư ra so với nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu là 3 triệu tấn. Cả năm nay, sản lượng lúa cả nước dự kiến là 43,5 triệu tấn. Trong đó, 29,96 triệu tấn lúa cho nhu cầu trong nước, dự trữ 3,8 triệu tấn. Sau khi trừ đi nhu cầu trong nước và dự trữ, lượng lúa còn lại quy ra gạo là 6,5-6,7 triệu tấn, có thể xuất khẩu.

Có cần phải áp hạn ngạch?

Với lượng gạo dư ra như trên trong cả năm, để xuất khẩu được hết, bình quân mỗi tháng, các doanh nghiệp phải xuất được từ gần 550 đến hơn 580 ngàn tấn gạo. Lượng gạo bình quân cần xuất hàng tháng như trên là phù hợp với năng lực xuất khẩu gạo hiện nay.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết, nếu cho xuất khẩu không hạn chế về số lượng như trước đây và trong trường hợp lượng gạo đã ký hợp đồng xuất khẩu là khá nhiều, thì với cơ sở hạ tầng, kho bãi, năng lực logistics hiện tại .., mỗi tháng, lượng gạo mà các doanh nghiệp có thể giao cho khách hàng nước ngoài sẽ không quá 600 ngàn tấn.

Hiện nay, xuất khẩu gạo được thực hiện chủ yếu tại các cảng ở TP.HCM. Các cảng Mỹ Thới và Cần Thơ ở ĐBSCL chủ yếu xếp hàng cho tàu đi nội địa và tàu nhỏ đi Trung Quốc.

Một doanh nhân ngành gạo (xin không nêu tên), cho biết cụ thể, tính tất cả các cảng đang xuất khẩu gạo, năng lực bốc xếp tối đa mỗi ngày (nếu làm việc 24/24 giờ) là 25 ngàn tấn gạo.

Như vậy, tối đa mỗi tháng lượng gạo bốc xếp được là 750 ngàn tấn. Nhưng đạt được mốc này là gần như không thể, vì như đã nói, để đạt được số lượng đó, bắt buộc ngày nào cũng phải làm 24/24 giờ.

Do đó, trung bình cao là bốc xếp được 600 ngàn tấn/tháng. Trên cơ sở đó, doanh nhân này cũng cho rằng khả năng xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay không quá 600 ngàn tấn/tháng.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay, lượng gạo hàng hóa đã xuất khẩu là hơn 1,5 triệu tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2019. Tính ra, lượng gạo xuất khẩu bình quân mỗi tháng là hơn 500 ngàn tấn. Nếu duy trì được lượng xuất khẩu này, cả năm có thể xuất hơn 6 triệu tấn gạo, phù hợp với lượng gạo dư ra có thể xuất khẩu trong cả năm nay.

Ngày 10/4, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho xuất khẩu gạo trở lại, với hạn ngạch 400 ngàn tấn trong tháng 4. Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, đến sáng ngày 21/4, trong 400 ngàn tấn gạo nói trên, mới chỉ thực xuất được gần 54 ngàn tấn, tức là hơn 1/10 hạn ngạch. Với năng lực bốc xếp, vận tải hiện nay, trong 10 ngày còn lại của tháng 4 này, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ chỉ thực xuất được một phần trong hạn ngạch ấy.

Hạn ngạch là một hình thức kiểm soát xuất khẩu, từng được áp dụng trong xuất khẩu gạo ở nước ta, nhưng đã được bãi bỏ từ khá lâu vì gây ra nhiều sự phiền hà, dễ phát sinh những tiêu cực theo kiểu xin – cho, và không còn phù hợp với năng lực sản xuất, xuất khẩu gạo của cả nước.

Nhưng năm nay, do lo ngại về tình trạng hạn mặn căng thẳng ở ĐBSCL và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cái công cụ hạn ngạch, tưởng chừng đã bị lãng quên, lại được áp dụng trở lại vào xuất khẩu gạo trong tháng 4 và tháng 5.

ĐBSCL lúa thu hoạch quanh năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

ĐBSCL lúa thu hoạch quanh năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo Thạc sỹ Lê Thanh Tùng, thực tế sản xuất lúa ở ĐBSCL cho thấy, tháng nào cũng có thu hoạch với diện tích ít nhất là 100 ngàn ha/tháng (chỉ 4 tháng thu hoạch ở diện tích ít nhất), tháng cao nhất tới 500 ngàn ha. Quan trọng hơn, sản xuất lúa trong năm nay vẫn sẽ thành công bất chấp hạn mặn căng thẳng tại ĐBSCL.

Với thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), có thể thấy, dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng nếu không áp hạn ngạch xuất khẩu, thì với năng lực xuất khẩu không quá 600 ngàn tấn/tháng, không phải lo bị thiếu gạo cho nhu cầu trong nước.

Tại cuộc họp về xuất khẩu gạo chiều ngày 20/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu tạm ứng trước 100 ngàn tấn gạo từ hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2020 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện có gạo tồn đọng tại cảng nhưng chưa mở được tờ khai hải quan.

Trước đó, trong báo cáo nhanh gửi các bộ, ngành liên quan ngày 15/4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đề nghị cho xuất hết các lô hàng gạo đã sẵn sàng tại các cảng.

Ngày 17/4, Tổng cục Hải quan cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép xuất khẩu các lô hàng gạo đã đưa vào cảng trước ngày 24/3 nhưng chưa đăng ký hải quan xuất khẩu trong tháng 4. Theo báo cáo của VFA, tổng lượng gạo này là 146.453 tấn.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm