Mọi chuyện bắt đầu từ việc tham mưu của Bộ Công Thương với Chính phủ liên quan tới xuất khẩu gạo, mà lần sau lại “đá” lần trước chỉ trong thời gian rất ngắn. Cụ thể, ngày 23/3, theo đề xuất của Bộ Công Thương, Chính phủ yêu cầu tạm dừng xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh hạn mặn khốc liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Nhưng tới ngày 24/3, Bộ Công Thương lại kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về tạm dừng thực hiện việc tạm dừng xuất khẩu gạo. Lý do được đưa ra là để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ đông xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Bộ Công Thương đã liên tiếp có những đề xuất rất trái ngược nhau như trên về xuất khẩu gạo. Điều này cho thấy, trước khi đề xuất Chính phủ tạm dừng xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã chưa kiểm tra, đánh giá đầy đủ và chính xác về nguồn cung lúa gạo trong nước.
Gạo là mặt hàng thực phẩm thiết yếu, là mặt hàng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhưng gạo lại cũng là sinh kế của hàng triệu hộ nông dân trồng lúa, nhất là nông dân Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, một quyết định dừng xuất khẩu hay tiếp tục cho xuất bình thường, đều ảnh hưởng trực tiếp tới hàng triệu nông hộ.
Do đó, trước khi đề xuất để Chính phủ ra quyết định liên quan tới xuất khẩu gạo, lẽ ra Bộ Công Thương phải có sự kiểm tra, đánh giá cung cầu về gạo trong nước một cách kỹ càng và chính xác để đề xuất lên Chính phủ một quyết định đúng đắn, sao cho vừa đảm bảo an ninh lương thực, không để giá gạo trong nước tăng cao, mà không làm vơi đi “bát cơm” của biết bao nhiêu người trồng lúa đang hàng ngày đổ bao mồ hôi, nước mắt trên đồng ruộng.
Chưa hết, đề xuất vội vàng đó của Bộ Công Thương đã dẫn tới nhiều hệ lụy sau này cho hạt gạo, nhất là khi ngành hải quan cũng ban hành những quyết định liên quan theo kiểu khiến cho doanh nghiệp phải trở tay không kịp
Bởi ngay sau khi Chính phủ có chủ trương tạm dừng xuất khẩu gạo, ngày 24/3, Tổng cục Hải quan đã ra văn bản tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24/3.
Văn bản nói trên của Tổng cục Hải quan, giống như một đòn đánh úp, vì nó khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ngỡ ngàng và bị động. Nhiều lô hàng gạo đã và đang trên đường vận chuyển ra cảng để thực hiện xuất khẩu theo các hợp đồng đã ký kết, nhưng do chưa kịp đăng ký tờ khai hải quan trước 0 giờ ngày 24/3, đều phải dừng lại, khiến cho doanh nghiệp hàng ngày phải tốn rất nhiều phí lưu kho bãi, lưu container, lãi suất ngân hàng…, cùng nhiều chi phí khác.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu gạo trở lại (ngày 10/4), với hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4, Tổng cục Hải quan một lần nữa lại khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải ngỡ ngàng, khi bất ngờ mở lại hệ thống khai hải quan xuất khẩu gạo vào lúc 0 giờ sáng ngày Chủ nhật 12/4, mà không hề thông báo trước. Chỉ 3 tiếng sau đó, hệ thống này đã đóng lại sau khi đã đủ hạn ngạch 400 ngàn tấn.
Chỉ có một điểm khác với khi hải quan bất ngờ ra văn bản ngày 24/3 dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24/3, là lúc hải quan bất ngờ mở lại việc khai hải quan xuất khẩu gạo vào 0 giờ ngày 12/4, vẫn có một số doanh nghiệp không hiểu sao lại biết được và đã nhanh tay đăng ký được nhiều với số lượng lớn gạo xuất khẩu.
Điều đó đã gây sự bất bình lớn đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhất là những doanh nghiệp đang tồn nhiều gạo ở cảng, hàng ngày phải chịu những khoản chi phí lớn, mà không kịp khai xuất khẩu vào lúc 0 giờ ngày 12/4. Có doanh nghiệp đã ngay lập tức liên tục gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về việc này. Báo chí cũng đã tốn khá nhiều giấy mực về việc mở lại hệ thống khai hải quan xuất khẩu gạo đầy những nghi vấn nói trên của Tổng cục Hải quan.
Trong khi đó, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang bức xúc về việc gạo nếp dù đang tồn kho lớn, lại không nằm trong danh mục lương thực dự trữ quốc gia, nhưng cũng đang bị tạm dừng xuất khẩu theo đề xuất của Bộ Công Thương với Chính phủ.
Trước những đề nghị của một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về việc cho xuất khẩu gạo nếp không giới hạn số lượng, một lần nữa, Bộ Công Thương lại thể hiện thói làm việc quan liêu của mình khi gửi công văn sang Bộ NN-PTNT để hỏi xem gạo nếp có được tính vào lượng gạo dự trữ phục vụ an ninh lương thực quốc gia không.
Trong Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật dự trữ quốc gia, phần Phụ lục danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia và phân công cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia, ở danh mục hàng lương thực, đã quy định rõ gồm thóc (lúa) tẻ và gạo tẻ, tức là không bao gồm gạo nếp.
Nghị định nào của Chính phủ cũng đều được gửi tới tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ trực thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Công Thương là một bộ kinh tế, lại càng phải nắm rõ Nghị định này. Chỉ cần xem lại Nghị định 94/2013 là Bộ Công Thương sẽ biết được ngay gạo nếp có thuộc danh mục gạo dự trữ quốc gia hay không, mà không cần phải gửi công văn hỏi Bộ NN-PTNT.
Việc gửi nói trên của Bộ Công Thương, vừa thể hiện sự quan liêu, vừa làm mất thời gian gửi công văn qua lại giữa các bộ. Bằng chứng là sau khi nhận được công văn 2666 của Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT đã phải xem lại Nghị định 94/2013 và làm công văn trả lời Bộ Công Thương đúng theo những gì Nghị định này đã quy định về lương thực dự trữ. Như vậy, Bộ NN-PTNT đã phải mất thời gian để làm cái việc mà Bộ Công Thương hoàn toàn có thể làm một cách rất dễ dàng chỉ trong vài phút.
Trong khi ấy, các doanh nghiệp, địa phương đang nóng ruột về tình trạng gạo nếp tồn kho lớn do không xuất được, nhiều doanh nghiệp đang kêu trời vì mỗi ngày phải bỏ ra khoản chi phí lớn cho gạo các loại đang tồn ở cảng mà chưa xuất được.
Số phận của hạt gạo vẫn đang nóng trên các mặt báo, trên hàng loạt công văn, giấy tờ qua lại. Trong khi đó, hạt gạo vẫn đang nằm dài ở cảng, ở trong kho của các doanh nghiệp để chờ được xuất khẩu, nhường chỗ cho những hạt gạo mới khi mà lúa đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị kết thúc và lúa hè thu sẽ bắt đầu được thu hoạch chỉ trong vài tuần nữa. Và ngành lúa gạo vẫn đang thiệt hại từng ngày bởi lề lối làm việc của một số bộ, ngành.
Có lẽ phải mượn câu ca dao của các cụ xưa và sửa thành “Hạt gạo mà biết nói năng …” để nói về những sự tắc trách ấy của một số bộ, ngành.