| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 26/02/2022 , 16:00 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

16:00 - 26/02/2022

Không bỏ chữ cái P, âm P vẫn được dạy!

Những ngộ nhận về âm và chữ cùng những thông tin không đúng sự thật đã gây ra những phản ứng không cần thiết.

“Chữ cái P không được dạy trong sách Tiếng Việt 1”. Là một giáo viên dạy ngữ văn, tôi hết sức bất ngờ trước thông tin này. Nhất là khi chứng kiến dư luận “dậy sóng” suốt mấy ngày qua. Tuy nhiên, qua kiểm tra sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) thì thấy đó là một thông tin không đúng sự thật.

Trong bộ sách trên, bảng chữ cái gồm 29 chữ, trong đó có chữ P (pê) vẫn hiện diện đầy đủ ở trang 12 - 13. 

Chữ P (pê) vẫn hiện diện đầy đủ ở trang 12 - 13.

Chữ P (pê) vẫn hiện diện đầy đủ ở trang 12 - 13.

Tiếp tục kiểm tra, thấy chữ P (pê) trong các từ như pha trà, đèn pin, cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen,… được dạy đọc một cách rõ ràng ở trang 64, 78, 118, 120, 124 (tập một) và được luyện đọc như luyện đọc từ Sa Pa trong đoạn văn viết về Tây Bắc (trang 105, tập một) và trong bài đọc Ruộng bậc thang ở Sa Pa (trang 154, tập hai).

Vậy tại sao lại có thông tin lạ lùng trên? Có lẽ do xem mục lục không thấy chữ P, mà người đưa tin thì chỉ đọc mục lục? Và quan trọng nhất là vì, chữ khác với âm. Nhiều người nhầm lẫn hai thực thể này với nhau.

Dù bảng chữ cái vẫn đầy đủ, chữ P vẫn xuất hiện trong các bài học ở các vị trí như đã dẫn nhưng việc dạy âm /p/ thì “khiêm tốn” hơn. Âm /p/ (pờ) trong tiếng Việt thuộc vùng “ngoại biên”, không phải là một âm bình đẳng với các âm khác, nó chỉ xuất hiện trong các từ ngoại lai và tên riêng; vì thế, /p/ cần được “đối xử” tương xứng với vị trí của nó trong hệ thống âm vị tiếng Việt.

Và đó là cách đối xử bình thường và hợp lý xưa nay đối với âm /p/ trong các sách dạy tiếng Việt. Nghĩa là /p/ không mấy khi được dạy riêng, mà là dạy ngay trước khi dạy âm /ph/ (phờ).

Âm p (pờ) được dạy ngay trước âm ph (phờ).

Âm p (pờ) được dạy ngay trước âm ph (phờ).

Ứng xử với âm /p/ như cách mà sách tiếng Việt (Bộ Kết nối) đã làm là một lựa chọn thông thường và phổ biến, chứ không có gì đặc biệt hay bất thường cả. Ngay cả các sách của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 cũng không dạy âm /p/ riêng biệt. Đọc danh mục dưới đây sẽ không có âm /p/ đứng một mình. Đây là vấn đề chuyên môn, không phải các nhà giáo dục và nhà khoa học có thể tùy tiện thực hiện theo ý chí chủ quan của mình!

Các sách của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 cũng không dạy âm /p/ riêng biệt.

Các sách của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 cũng không dạy âm /p/ riêng biệt.

Chọn cách dạy này còn là vì có liên quan đến trình tự tuyến tính các bài học (âm và vần nào đã học trước đó). Xin nói thêm, đây không phải chỉ là giải pháp được duy nhất bộ sách này sử dụng. 

Tiếng Việt 1 (2000), một bộ sách đã dùng suốt 20 năm qua, cũng với cách dạy giống như sách mới (p - ph).

Tiếng Việt 1 (2000), một bộ sách đã dùng suốt 20 năm qua, cũng với cách dạy giống như sách mới (p - ph).

Tiếng Việt 1 (2000), một bộ sách đã dùng suốt 20 năm qua, cũng với cách dạy giống như sách mới (p - ph); và việc dạy tiếng Việt vẫn diễn ra thuận lợi, học sinh đều biết đọc biết viết bình thường thì không ai thắc mắc gì; nay bỗng nhiên trở thành “sự kiện”, tạo “sóng” dư luận, là vì sao? Chính những ngộ nhận về âm và chữ, cùng những thông tin không đúng sự thật đã gây ra những phản ứng không cần thiết này.

Nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng gọi sự việc lần này là “dựng hiện trường giả”, và đề nghị, “Phê bình sách giáo khoa, đừng dựng hiện trường giả [i]”!

[i] Facebook Dung Hoang