| Hotline: 0983.970.780

Không chủ quan lơ là phòng chống rét cho đàn đại gia súc

Thứ Tư 01/12/2021 , 15:31 (GMT+7)

Lai Châu Nơi nào để xảy ra tình trạng trâu, bò chết đói, rét do nguyên nhân chủ quan, lơ là, triển khai chưa quyết liệt... thì chính quyền địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm.

Người dân Lai Châu trồng thêm cỏ voi để đảm bảo đủ thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông. Ảnh: H.Anh

Người dân Lai Châu trồng thêm cỏ voi để đảm bảo đủ thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông. Ảnh: H.Anh

Diễn biến thời tiết phức tạp, xuất hiện những đợt rét phần nào ảnh hưởng tới sản xuất. Do đó, các địa phương tuyên truyền, cùng người dân chủ động các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa đông năm nay đến sớm hơn, xu hướng gia tăng tần suất rét vào các tháng chính đông, có thể đi kèm với nhiều đợt rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi và thủy sản.

Do đó, UBND tỉnh Lai Châu đã yêu cầu các huyện, thành phố chủ động phòng, chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản vụ đông xuân 2021-2022, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất.

Theo ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn, các đoàn thể và chính quyền cơ sở thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại, tăng cường thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt là hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở để chính quyền các cấp, người dân, nhất là nông dân vùng cao biết, chủ động ứng phó; vận động người dân chủ động, tích cực tham gia phòng, chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản…

Đặc biệt là phân công, bố trí cán bộ bám sát cơ sở để tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chủ động chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, trong đó tập trung vào hướng dẫn sửa chữa chuồng trại, chuẩn bị bạt, bao tải, phên… che chắn chuồng trại trong những ngày mưa, rét.

Đưa gia súc thả rông về để chủ động chăm sóc, nuôi dưỡng; di chuyển đàn trâu, bò từ vùng cao xuống vùng thấp; tuyệt đối không thả rông gia súc trong rừng, ngoài bãi… Chủ động thu gom, dự trữ rơm, rạ, thân lá ngô sau khi thu hoạch lúa mùa, ngô thu, đông đảm bảo trung bình 5 - 7 kg/con/ngày. Ngoài ra, người dân cần dự trữ thức ăn tinh, khoáng chất đầy đủ để bổ sung cho vật nuôi khi cần thiết.

Tập trung thu hoạch thủy sản hoặc áp dụng các biện pháp chăm sóc như: Dâng nước, che chắn mặt ao để giữ cá qua đông; áp dụng các biện pháp chăm sóc, bảo vệ mạ, lúa cấy, lúa gieo sạ vụ đông xuân theo hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan chuyên môn…

Người dân Lai Châu chuẩn bị nguồn thức ăn dồi dào cho đàn trâu bò vào mùa rét. Ảnh: T.L

Người dân Lai Châu chuẩn bị nguồn thức ăn dồi dào cho đàn trâu bò vào mùa rét. Ảnh: T.L

Cũng theo ông Hà Trọng Hải, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng vật nuôi, thủy sản bị chết do đói, rét trên địa bàn do nguyên nhân chủ quan, lơ là hoặc chỉ đạo triển khai thực hiện chưa nghiêm túc, quyết liệt.

Từ những chỉ đạo, tuyên truyền và hướng dẫn của các cấp chính quyền tới người dân để phòng chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi, các hộ dân đã chủ động chuẩn bị thức ăn cho đàn gia súc của họ.

Ông Lò Văn Ún ở bản Nậm Ngập (xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ) chia sẻ kinh nghiệm, với diện tích ngô đông, cùng với tăng cường nước, đảm bảo độ ẩm cho đất, giảm lượng đạm, bổ sung phân hữu cơ, thúc rễ, cây phát triển tốt, tăng khả năng chịu rét. Còn với gia súc, gia đình tôi cũng đã chuẩn bị thức ăn là rơm khô, thân chuối, thức ăn tinh và tận dụng vỏ bắp ngô làm thức ăn cho gia súc. Đặc biệt là che chắn chuồng trại để trâu không bị rét, cước chân nhất là trong những ngày nhiệt độ xuống thấp.

Ngoài ra, nhiều hộ trên địa bàn toàn huyện Sìn Hồ cũng trồng cỏ voi để chế biến làm thức ăn dự trữ cho gia súc.

Trước đó, UBND huyện Sìn Hồ cũng đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn bà con phòng chống rét cho gia súc. Song song với các biện pháp, phòng chống rét, chủ động thức ăn, huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thú y, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi trong mùa đông; thực hiện tốt công tác tiêu độc chuồng trại, khử trùng môi trường...

Trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện có khoảng 304.270 con gia súc; trong đó, đàn trâu là 94.670 con, đàn bò 19.400 con, đàn lợn 190.200 con. Do đó, việc hướng dẫn người dân thu gom, dự trữ thức ăn; xây dựng, tu sửa, củng cố lại chuồng trại... cho trâu, bò tránh rét hết sức quan trọng.

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Kinh nghiệm 10 ngày thần tốc của Thái Lan

Cả hệ thống nông nghiệp Thái Lan đã vào cuộc, nhằm giải quyết dứt điểm việc tồn dư vàng O trên sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất