| Hotline: 0983.970.780

Không có chuyện hàng ngàn hecta tôm chết!

Thứ Tư 08/03/2017 , 07:15 (GMT+7)

“Thay mặt lãnh đạo Bộ NN-PTNT, tôi khẳng định rằng, thông tin đó không đúng”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định...

* Tịch thu tàu cá tái diễn vi phạm, cho đấu giá!
 

Không có chuyện hàng ngàn hecta tôm chết ở phía Nam như thông tin của một đài truyền hình vừa phản ánh. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tại hội nghị của Tổng cục Thủy sản diễn ra ngày 7/3.

17-35-41_thu-truong-vu-vn-tm-khng-dinh-khong-co-chuyen-tom-chet-hng-ngn-h
Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định không có chuyện hàng ngàn ha tôm chết ở phía Nam như thông tin của một đài truyền hình vừa phản ánh

 

“Thay mặt lãnh đạo Bộ NN-PTNT, tôi khẳng định rằng, thông tin đó không đúng”, ông Tám nhấn mạnh đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp với các địa phương có phản hồi nhanh trước những nội dung này.

Theo phản ánh của ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thời tiết tháng 2 vừa qua ở khu vực Nam bộ có những chỉ dấu bất thường, rõ nhất lượng mưa lớn hơn nhiều so với các năm. Chính vì thế, Thứ trưởng Tám đề nghị việc nuôi tôm ở đây phải chậm so với lịch đã đề ra, chú ý ương giống phục vụ tốt nhất cho nuôi tôm quảng canh. Còn 140.000 ha nuôi tôm công nghiệp, theo ông Tám là không phải bàn.

Cùng với con tôm, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, cá tra đang là thế mạnh của Việt Nam. Giá cá tra đang tăng lên 1 – 2 ngàn/kg; người dân đang ép cá tra đẻ, vì hiện đã cháy hàng. Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy sản kiểm tra 101.000 con cá bố mẹ được Nhà nước đầu tư từ 2011 – 2012 đến các địa phương. Theo đó, địa phương nào không đảm đương được thì thu hồi ngay giao cho Tập đoàn Hùng Vương và các địa phương làm tốt hơn trực tiếp quản lý. Ngoài ra cũng phải chú ý đến 39.000 cá bố mẹ của năm nay.

Hiện tỉnh An Giang làm 3 chuỗi sản xuất giống. Nhiều cơ sở đã mời các chuyên gia, nhà khoa học cùng vào làm, thậm chí họ mời cả chuyên gia nước ngoài. Chỗ An Giang như thế là yên tâm, sớm xây dựng Trung tâm giống ở An Giang. Tới đây sẽ xây dựng thêm ở Đồng Tháp vì hai địa phương này là đầu nguồn nước, còn Cần Thơ thì phải tính thêm.

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu làm rõ vì sao trong tháng 2 ngư dân nhiều nơi trúng đậm khi ra khơi khai thác, đánh bắt được nhiều cá như thế? Vậy thì việc bảo quản, chế biến, tiêu thụ, giá cả sẽ thế nào?

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản lý giải rằng, cá ngừ nhỏ thì có tăng nhưng không tăng đột phá. Chỉ có cá nục là tăng nhiều. Đầu năm nay, thời tiết ấm, các chuỗi thức ăn sơ cấp ban đầu nó phát triển, ruốc, con moi phát triển mạnh nên cá nục áp bờ để ăn loại thức ăn này. Đấy là lý do ngư dân đánh bắt được nhiều. Năm nay kỹ thuật khai thác, công lực khai thác cũng tốt hơn.

17-35-41_ton-cnh-hoi-nghi
Toàn cảnh hội nghị
 

Tổng sản lượng thủy sản tháng 2/2017 ước đạt 412,7 ngàn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng khai thác đạt 162,9 ngàn tấn, tăng 3,7%; sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 249,8 ngàn tấn, tăng 1,7%.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan (tính từ 1/2 đến 15/2/2017), giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 175,5 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm 2017, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 665,4 triệu USD (tương đương cùng kỳ 2016).

Đại diện Viện Nghiên cứu hải sản cho rằng, từ đầu tháng 2 lại nay ở biển Đông xuất hiện 3 xoáy nước cả nổi và chìm nên làm thay đổi hình thái thức ăn của các loài cá trên biển. Đây chính là lý do phần nào lượng cá khai thác của ngư dân tăng lên.

Liên quan đến tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, trong tháng 2 số lượng tàu cá của ta vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn. Hiện có một vụ việc đang được A86 Bộ Công an phối hợp với chính quyền tỉnh Quảng Ngãi để xử lý.

Nhận thấy tình trạng này tái diễn phức tạp gây ra nhiều phiền phức, mất công tốn của, Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu ông Huy trả lời, bây giờ xử lý như thế nào? Hành lang pháp lý đã đủ mạnh chưa? Tại sao cứ vi phạm lần trước, lần sau vẫn cho ra khơi và tiếp tục vi phạm? Thứ trưởng yêu cầu xử lý mạnh tay hơn, tịch thu tàu cá tái diễn vi phạm, cho đấu giá sung vào công quỹ.

“Nếu cứ để các tàu cá vi phạm như thế tiếp tục được cho ra khơi là chúng ta đang buông lỏng”, ông Tám nói đồng thời yêu cầu Cục Kiểm ngư báo cáo rõ số tàu cá ở các tỉnh vi phạm mà địa phương và Cục không xử lý để báo cáo Thủ tướng.

Tại hội nghị, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy sản tham mưu Bộ để trình Chính phủ sửa đổi Quyết định 57 về danh mục giống nhằm đáp ứng Luật Đa dạng sinh học vì theo Luật này thì sinh vật ngoại lai thuộc quản lý của Bộ TN-MT. Nếu như thế thì khó cho điều tra, xử lý sinh vật ngoại lai thời gian qua báo chí phản ánh như việc nhà chùa phóng sinh tại Hồ Tây, tôm hùm nước ngọt ở Đồng Tháp.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cho biết, đối với tôm hùm ở Đồng Tháp thì Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ NN-PTNT kiểm tra, báo cáo làm rõ. Hiện được biết, người thả loại tôm hùm này là người ở Hà Nội, sau khi thả xong người này về Hà Nội và chưa một lần trở lại Đồng Tháp. Đề nghị Bộ phối hợp với A86 Bộ Công an để sớm làm rõ.

50% số xe chở tôm và cá tra không có giấy kiểm dịch

Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho hay, đơn vị đã trình dự thảo dự án Luật Thủy sản đến Bộ trưởng Bộ NN-PTNT để Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng sớm trình các Ủy ban của Quốc hội cho ý kiến.

Giao Vụ Nuôi trồng thủy sản chủ trì phối hợp với Cục Thú y đi kiểm tra tại một số tỉnh trọng điểm về tình hình con tôm, sau đó tổng hợp hoàn thiện báo cáo, chuẩn bị nội dung cho hội nghị tôm tổ chức tại Sóc Trăng vào tuần sau.

Ông Luân lưu ý, có thông tin cho hay hiện có 50% số xe chở tôm và cá tra không có giấy kiểm dịch. Đặc biệt, một số đơn vị đưa ra thông tin thiếu tôm giống để đẩy giá giống tôm lên. Cái này, hội nghị tôm tới sẽ phải nói rõ chỗ này để làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành, tinh thần không để ảnh hưởng người dân.

 

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm