| Hotline: 0983.970.780

Không đăng ký trên lúa với thuốc có độc mãn tính loại I cho thủy sinh

Thứ Hai 18/08/2014 , 08:14 (GMT+7)

Không nên dùng chỉ số độc mãn tính với thủy sinh để hạn chế việc đăng ký thuốc BVTV trên lúa mà chỉ sử dụng...

Nội dung trao đổi:

Không đăng ký trên lúa với thuốc có độc mãn tính loại I cho thủy sinh theo phân loại của GHS (điều 6, mục 3, khoản k, Dự thảo Thông tư 3).

Hội doanh nghiệp SXKD thuốc BVTV Việt Nam: Không nên dùng chỉ số độc mãn tính với thủy sinh để hạn chế việc đăng ký thuốc BVTV trên lúa mà chỉ sử dụng để qui định ghi cảnh báo nguy cơ trên nhãn và khuyến cáo sử dụng thuốc nhằm hạn chế ảnh hưởng tới thủy sinh (ví dụ: Thuốc độc với thủy sinh. Không phun thuốc trong ruộng có nuôi trồng thủy sản hoặc ở khu vực nuôi trồng thủy sản).

Nguy cơ có thể gây độc mãn tính của thuốc BVTV đối với thủy sinh được đánh giá dựa trên cơ sở:

Nguy cơ = độ độc x phơi nhiễm (*)

(*): là hiện tượng cá thể có tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV. Độc mãn tính chỉ có thể xảy ra khi cá thể tiếp xúc trực tiếp và liên tục với thuốc BVTV trong thời gian dài. Tuy nhiên vòng đời của các thủy sinh phổ biến tại các ruộng lúa chủ yếu là tôm, cá, cua, ốc… nhìn chung là ngắn (thường chỉ trong vòng 1 năm).

Tại các ruộng lúa không nuôi trồng thủy sản, các loại thủy sinh nếu có nguy cơ bị nhiễm thuốc BVTV chỉ trong trường hợp thuốc được phun trực tiếp vào nguồn nước (điều này không xảy ra, bởi vì thuốc chỉ được phun lên cây trồng và cỏ dại); hoặc thuốc bị rơi, vãi trong khi phun hay lưu dẫn trong cây xuống ruộng nhưng chỉ với một lượng ít hoặc hàm lượng thuốc đã bị pha loãng đi rất nhiều.

Theo kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, một số loại thuốc BVTV có thể có độ độc mãn tính cao với thủy sinh nhưng trên thực tế mối nguy này rất khó xảy ra vì nguy cơ phơi nhiễm thấp và vòng đời ngắn của cá thể thủy sinh.

Vậy, rất ít các loại thuốc BVTV đang được sử dụng có nguy cơ gây độc mãn tính với thủy sinh nếu được sử dụng theo đúng hướng dẫn ghi trên nhãn và đánh giá theo vòng đời thực tế của cá thể. Phân loại độc mãn tính đối với thủy sinh nhằm mục đích ghi cảnh báo nguy cơ trên nhãn để giúp nhận biết những mối nguy có thể xảy ra đối với thủy sinh khi thuốc BVTV vận chuyển bằng đường biển gặp sự cố hoặc nếu thuốc được sử dụng sai mục đích ở những nơi có nuôi trồng thủy sản.

KS Phạm Văn Tình, nguyên PGĐ Trung tâm Khuyến ngư quốc gia: Nói đến thủy sinh là nói đến rất nhiều loại động thực vật sống trong nước chứ không chỉ là những vật nuôi thủy sản như tôm, cá, cua… Hiện nay hiểu biết của chúng ta về chuỗi thức ăn của thủy sinh vật, sinh thái thủy sinh vật còn hạn chế nên chưa thể biết được khi một chất độc xâm nhập vào môi trường sẽ vận động như thế nào.

Ví dụ, người nuôi tôm càng xanh ở Tam Nông (Đồng Tháp) khốn khổ và mất nhiều tiền mỗi khi ruộng lúa bên cạnh phun thuốc trừ sâu, vì cứ mỗi lần như vậy thì cứ 1.000 m2 mặt nước họ phải xử lý tối thiểu 3 kg EDTA (Ethylene Diamine Tetraacetic Acid).

Tất nhiên không phải thuốc BVTV nào phun trên lúa cũng độc như nhau nhưng làm sao người nuôi tôm biết được người trồng lúa phun thuốc gì, độ độc ra làm sao nên cứ hễ thấy người bên ruộng kia mang bình thì người nuôi tôm bên này cũng chuẩn bị tạt thuốc, mà mỗi vụ người trồng lúa phun từ 6-8 cữ.

Khi ruộng nuôi tôm được xử lý nhiều EDTA mặc dù hạn chế được tác hại của thuốc trừ sâu một cách tức thì nhưng EDTA lại kích thích tảo phát triển, làm chậm quá trình lột xác của tôm và nhất là chúng rất bền vững trong môi trường tự nhiên và gây độc lâu dài. Trong trường hợp này thì thiệt hại trên tôm không phải do thuốc BVTV mà do EDTA, thuốc để chạy chữa do độc của thuốc BVTV, nên không thể tính độc hại theo thuốc BVTV.

Tôi vẫn lấy làm lạ là, trước đây trồng trọt và thủy sản ở 2 bộ khác nhau, muốn làm việc, tham khảo ý kiến của nhau thì phải công văn, giấy tờ phiền phức, còn nay đều chung một bộ mà vẫn việc ai người ấy làm.

Bộ môn BVTV - Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam: Không nên cho đăng ký trên lúa với thuốc có độc mãn tính loại I cho thủy sinh theo phân loại của GHS, vì khi sử dụng các loại thuốc có độ độc cao này thuốc sẽ vào nguồn nước và mạch nước ngầm, đất. Ngoài ra, thời gian cách ly của các loại thuốc này thường dài, đa số nông dân rất ít chú ý đến thời gian cách ly, sẽ ảnh hưởng đến nông sản.

Nội dung trao đổi kỳ tới:

Mỗi hoạt chất hoặc mỗi hỗn hợp các hoạt chất chỉ được xét đăng ký 10 tên thuốc BVTV thương phẩm (Dự thảo TT3, điều 6, mục 6)

Ý kiến phản biện: Luật BVTV không quy định như vậy, Luật thương mại cho phép doanh nghiệp được phép kinh doanh nhà nước không cấm; Hiện có trên 300 doanh nghiệp SXKD thuốc BVTV ở VN, quy định như vậy sẽ tạo lợi ích nhóm, hoặc kẽ hở cho tiêu cực.

Rất mong bạn đọc góp ý kiến trao đổi: Ý kiến xin gửi theo địa chỉ thư điện tử: diendanbvtv@gmail.com.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất