| Hotline: 0983.970.780

Không đẩy nông dân vào thế khó để sớm đạt tiêu chuẩn EUDR bằng mọi giá

Chủ Nhật 05/11/2023 , 07:41 (GMT+7)

Hệ thống truy xuất nguồn gốc chính xác, quản lý khai thác rừng hiệu quả là một số mục tiêu cần đạt được trước khi EUDR chính thức có hiệu lực vào tháng 1/2025.

Hội nghị về triển khai kế hoạch hành động thích ứng với Quy định chống phá rừng của châu Âu tại Bộ NN-PTNT chiều 4/11. Ảnh: Quỳnh Chi.

Hội nghị về triển khai kế hoạch hành động thích ứng với Quy định chống phá rừng của châu Âu tại Bộ NN-PTNT chiều 4/11. Ảnh: Quỳnh Chi.

Nhằm hỗ trợ ngành cà phê Việt Nam đáp ứng tốt các yêu cầu của Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR), chiều 4/11, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị “Triển khai kế hoạch hành động thích ứng với Quy định chống phá rừng của EU”.

Đứng trước EUDR, Việt Nam đang gặp các thách thức để đáp ứng được quy định này vì chưa có hệ thống thông tin, dữ liệu định vị vườn trồng, bản đồ rừng tham chiếu vào mốc 31/12/2020 theo quy định của EUDR. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng phức tạp là thách thức đối với việc triển khai truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của EUDR. Để đảm bảo sinh kế cho 600.000 nông hộ sản xuất quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trong đó có một bộ phận sản xuất trên đất lâm nghiệp, đất gần rừng, cần có cơ chế giám sát, bảo vệ rừng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn thấy cơ hội để Việt Nam chuyển đổi ngành nông nghiệp xanh trong quá trình thích ứng với EUDR. “Việc triển khai sát sao các yêu cầu của châu Âu đang và sẽ tạo niềm tin cho các tổ chức quốc tế, đặt mối quan hệ Việt Nam - EU lên hàng đầu. Sự phối hợp liên ngành đặt nền tảng để các bên cùng hiểu nhau, hiểu tầm quan trọng của nhiệm vụ mỗi bên. Sự hợp tác này sâu, rộng và cao cả hơn đơn thuần chỉ làm theo quy định quốc tế”, Bộ trưởng nói.

Một số yêu cầu của châu Âu

Dựa trên các tiêu chuẩn do EU đặt ra, các quốc gia được phân loại rủi ro “cao”, “trung bình” hoặc “thấp”. Sản phẩm từ các quốc gia được coi là “rủi ro thấp” sẽ được đơn giản hóa quy trình thẩm định. Nếu EU phân loại “rủi ro cao” cho 1 trong 7 ngành hàng (chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ) sẽ dẫn đến tất cả các ngành bị phân loại “rủi ro cao”.

Để phân loại quốc gia, EU sẽ thu thập thông tin về diện tích rừng tính đến 31/12/2020, điều kiện vùng sản xuất và toàn bộ chuỗi nguyên liệu sản phẩm. Việc xác minh độ rủi ro nhằm đánh giá tác động của quá trình sản xuất đến môi trường rừng, qua đó đưa ra các biện pháp điều chỉnh phù hợp, giảm thiểu nguy cơ gây mất rừng trên toàn thế giới.

Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất các chính sách về khí hậu, môi trường, việc làm và các vấn đề xã hội thuộc phái đoàn EU tại Việt Nam đánh giá cao kế hoạch triển khai của Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất các chính sách về khí hậu, môi trường, việc làm và các vấn đề xã hội thuộc phái đoàn EU tại Việt Nam đánh giá cao kế hoạch triển khai của Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ngoài ra, thẩm định trách nhiệm theo yêu cầu của EUDR đòi hỏi các bước cụ thể về việc cung cấp thông tin và đánh giá rủi ro liên quan đến sản phẩm được xuất khẩu. Đầu tiên, các nhà sản xuất cần cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm. Trong đó, thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa sẽ giúp xác nhận sản phẩm không gây mất rừng, hợp pháp để xuất khẩu. Điều này đòi hỏi sự cụ thể và minh bạch về nguồn gốc và quá trình sản xuất.

Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất các chính sách về khí hậu, môi trường, việc làm và các vấn đề xã hội thuộc phái đoàn EU tại Việt Nam đề cao sự phối hợp toàn diện của ngành nông nghiệp Việt Nam. Ông mong rằng với cách làm bài bản, Việt Nam sẽ điểm sáng trong khu vực, cung cấp các mô hình hiệu quả cho các quốc gia khác đáp ứng EUDR.

Cam kết liên ngành xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết, tại cấp Trung ương, việc thành lập hợp tác công - tư (PPP) đang tập trung hướng dẫn và tuyên truyền về EUDR, xây dựng giải pháp kỹ thuật, nền tảng dữ liệu vùng trồng. Toàn ngành cùng giám sát bảo vệ rừng, đối thoại và chia sẻ thông tin với Liên minh châu Âu, đồng thời huy động nguồn lực cần thiết.

Tiến độ và kế hoạch triển khai đã có nhiều hoạt động cụ thể, từ những cuộc họp cấp đơn vị hồi tháng 3 đã có trao đổi cấp tỉnh, cấp quốc gia với Phái đoàn EU. Bản ghi nhớ về “Phát triển ngành hàng cà phê theo hướng giảm phát thải, không gây mất rừng hoặc suy thoái rừng, đảm bảo sinh kế cho nông hộ” được ký kết giữa Bộ NN-PTNT, UBND 5 tỉnh, Hiệp hội Cà phê Việt Nam, IDH và JDE Peets.

Trong 2 tháng cuối năm 2023 sẽ diễn ra nhiều hơn các hoạt động tham vấn chi tiết, ký kết các hợp đồng. Điểm trọng tâm là triển khai chương trình thích ứng với EUDR với các hoạt động cụ thể, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp theo dõi và tham gia nhóm thí điểm của Liên minh châu Âu.

Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, đáp ứng yêu cầu này là vấn đề quốc gia. Ngành lâm nghiệp hiện đang chờ hướng dẫn cụ thể từ châu Âu và rất sẵn sàng cung cấp dữ liệu đầu vào để EU phân loại quốc gia theo rủi ro. Cục trưởng cho biết, 2 tháng cuối năm nay sẽ phối hợp với Cục Kiểm lâm thành lập nhóm Công tác về gỗ và sản phẩm gỗ, hỗ trợ ngành thực hiện thích ứng với EUDR.

Ông Bảo cam kết: “Để bảo vệ diện tích rừng hiện có và quản lý đất đai hiệu quả, Cục Lâm nghiệp sẽ khoanh vùng, xử lý kịp thời các điểm có nguy cơ mất rừng. Các biện pháp này hỗ trợ việc thực hiện chính sách EUDR, đồng thời bảo vệ nguồn lâm sản và duy trì cân bằng môi trường tại cấp địa phương”.

Đại diện Tổ chức IDH trình bày giải pháp đáp ứng EUDR. Ảnh: Quỳnh Chi.

Đại diện Tổ chức IDH trình bày giải pháp đáp ứng EUDR. Ảnh: Quỳnh Chi.

Bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Vùng Cảnh quan châu Á, Tổ chức IDH khẳng định hệ thống thông tin rừng - vùng sản xuất đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng yêu cầu của châu Âu. “IDH cùng Cục Trồng trọt tới tháng 3/2024 sẽ xác định chính xác rõ ranh giới rừng theo định nghĩa của FAO. Đây là bước quan trọng giúp EU kiểm tra hàng hóa khi nhập khẩu, định hướng cho Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam quy hoạch, trồng và bảo vệ rừng. Tới tháng 6/2024, chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin vùng sản xuất tại các huyện sản xuất cà phê hàng đầu Việt Nam”, bà Chi nói. 

Không bằng mọi giá đạt được những tiêu chuẩn quá sớm mà đẩy người nông dân vào thế khó.

Không bằng mọi giá đạt được những tiêu chuẩn quá sớm mà đẩy người nông dân vào thế khó.

Đến cuối năm 2024, IDH sẽ hoàn thiện thông tin bản đồ địa chính với 80% vùng canh tác, sản xuất được số hóa. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ thu thập được dữ liệu của 25 huyện (100%), đồng bộ với cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng của Bộ NN-PTNT, bổ sung thông tin về mức độ rủi ro vùng sản xuất.

Bên cạnh đó, các vấn đề pháp lý liên quan đến sử dụng đất cũng được nhấn mạnh. Có khoảng 15-20% diện tích trồng cà phê chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hơn 100.000 ha cao su vượt quy hoạch chuyển đổi từ rừng sản xuất. IDH đề xuất Bộ và các địa phương cần rõ ràng về việc chứng minh tính hợp pháp của các vườn trồng theo quy định của cả Việt Nam và EUDR.

Bà Nguyễn Việt Hà, Quản lý bền vững cấp cao của Hiệp hội 4C trình về giải pháp Cổng 4C. Đây là hệ thống để báo cáo thương mại tại nơi sản xuất và cả suốt chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp, nhà sản xuất có thể báo cáo lên hệ thống hoặc truy cập thông tin liên quan. 

Hệ thống này vẫn đang trong quá trình điều chỉnh và phát triển để đáp ứng các yêu cầu cụ thể của EUDR, đảm bảo rằng thông tin về nguồn gốc sản phẩm là đầy đủ và chính xác. Hiệp hội 4C sẽ tiếp tục giới thiệu các tiêu chí cơ bản về sản xuất bền vững, chế biến và kinh doanh các các loại cà phê xanh cho cộng đồng nông dân sống phụ thuộc vào rừng. 

Tham luận tại hội nghị, các hiệp hội ngành hàng cà phê, gỗ, cao su đánh giá cao nỗ lực toàn ngành, mong muốn Việt Nam sẽ là quốc gia được phân loại “rủi ro thấp” để doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm vào châu Âu thuận lợi hơn. Các địa phương sản xuất nhiều mặt hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi EUDR (Gia Lai, Bình Phước, Quảng Trị, Đắk Lắk) nêu khó khăn về quản lý đất đai, cũng như số đông người dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng. Các tỉnh đều đề xuất Bộ có chính sách hỗ trợ các nông hộ này chuyển đổi sản xuất cây trồng, tạo sinh kế bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phát triển ngành cà phê bền vững là không để ai bị bỏ lại phía sau. Ảnh: Quỳnh Chi.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phát triển ngành cà phê bền vững là không để ai bị bỏ lại phía sau. Ảnh: Quỳnh Chi.

Đáp lại ý kiến, đề xuất tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh phát triển ngành cà phê bền vững là không để ai bị bỏ lại phía sau. Ngành nông nghiệp không chỉ cần được số hóa, đồng bộ hóa, thu thập thông tin chính xác mà còn cần tập huấn toàn ngành, từ Trung ương tới địa phương. Sở dĩ châu Âu sẽ quan tâm hơn mặt xã hội và môi trường của phát triển kinh tế.

Bộ trưởng yêu cầu: “Chúng ta phải làm chỉn chu, không bằng mọi giá đạt được những tiêu chuẩn quá sớm mà đẩy người nông dân vào thế khó. Quá trình xây dựng hệ thống ngành hàng là cơ hội cho các bên xây dựng chiến lược lâu dài. Các tổ chức quốc tế cũng cần phối hợp với Bộ để hỗ trợ những nông hộ sẽ bị ảnh hưởng bởi EUDR. Cho tới khi Quy định chính thức có hiệu lực vào tháng 1/2025, chúng ta cần làm kịch bản cho các địa phương có rủi ro cao hoặc trung bình chuyển đổi canh tác nông nghiệp”.

Trong khuôn khổ Kế hoạch hành động thích ứng với EUDR, Vụ Hợp tác Quốc tế đã hợp tác cùng Cục Trồng trọt, Cục Kiểm lâm và Cục Lâm nghiệp, cùng với tổ chức IDH, Liên minh châu Âu và các đơn vị liên quan, để xây dựng Giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ ngành cà phê đáp ứng yêu cầu của EUDR ở cấp Trung ương và địa phương.

Giải pháp kỹ thuật được đề xuất theo hình thức hợp tác công - tư giữa cơ quan quản lý nhà nước, các công ty và tổ chức quốc tế như IDH với 2 hợp phần chính. Cả hai hợp phần giải pháp sẽ được thực hiện song song nhằm đảm bảo tính hiệu quả.

Hợp phần A tập trung xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về rừng và vùng sản xuất cà phê, phân vùng sản xuất theo các cấp độ nguy cơ gây mất rừng, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của EUDR.

Hợp phần B tập trung xác định và xử lý diện tích sản xuất cà phê trên đất mất rừng/suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020, cũng như tăng cường giám sát, bảo vệ và tái sinh rừng. Ngoài ra, hỗ trợ mô hình sinh kế nông hộ quy mô nhỏ, đặc biệt ở các khu vực có nguy cơ cao hoặc trung bình.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Sơn La duy trì 12 đơn vị cấp huyện sau sắp xếp

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Sơn La giảm được 4 đơn vị cấp xã...